Phong Nha - Kẻ Bàng

Hầu hết các dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Bình đều có mặt và sinh sống tập trung trong vùng đệm của Vườn quốc gia. Ngoài người Kinh chiếm đa số, trong khu vực còn có hai dân tộc thiểu số là Bru – Vân Kiều và dân tộc Chứt. Dân tộc Bru – Vân Kiều bao gồm các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong và Trì. Dân tộc Chứt bao gồm các tộc người: Sách, Mày, Rục và Arem.
Các tộc người này thường phân bố tập trung thành từng bản riêng lẻ, hoặc đôi khi sống xen kẻ trong cùng một bản. Nhìn chung mỗi xã thường có vài tộc người cùng làm ăn sinh sống.
Dân tộc Bru – Vân Kiều
Theo Nguyễn Quốc Lộc và các tác giả cuốn “Các dân tộc ít người ở Bình Trị Thiên” (NXB Thuận Hóa, Huế 1984) thì đây là một trong những dân tộc có số lượng đông ở dọc vùng Trường Sơn, xếp thứ 23 trong danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam. Theo tác giả thì ở Bình Trị Thiên khi đó dân tộc Vân Kiều có 31.580 người, chiếm trên 50 % dân số các dân tộc ít người.


Trong số các tộc người của dân tộc Bru – Vân Kiều thì nhóm người Vân Kiều có số lượng lớn nhất, phân bố hầu khắp các tỉnh dọc dãy núi Trường Sơn. Nhóm người Trì và Ma Coong có số lượng rất ít phân bố ở xã Thượng Trạch, Tân Trạch huyện Bố Trạch và một phần bên Lào. Nhóm Khùa phân bố tập trung ở xã Dân Hóa của huyện Minh Hóa.
Phong tục canh tác của dân tộc Bru – Vân Kiều nói chung là làm nương rẫy. Nơi canh tác chủ yếu của đồng bào là những khu rừng già có độc dốc từ 25 đến 300. Trước khi phát rẫy, họ thường tổ chức các nghi lễ cúng bái xin phép thần rừng. Công cụ sản xuất vẫn còn tương đối thô sơ, chủ yếu là rìu, rựa. Thời gian canh tác trên mỗi nương rẫy tùy thuộc vào độ màu mỡ của đất đai.

Sau mùa trồng tỉa là mùa săn bắn, hái lượm. Công việc săn bắn là việc của đàn ông. Họ tổ chức thành từng nhóm 5-6 người với vũ khí là ná, lao, các loại bẫy. Phụ nữ đảm nhiệm vai trò hái lượm các loại rau, quả, lõi cây, các loại củ…Bên cạnh đó việc đánh bắt cá và khai thác mật ong cũng rất phổ biến.
Sinh hoạt văn hóa dân gian của người Vân Kiều mang tính chất cộng đồng và có ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại lai. Đối với nhóm Trì, Khùa, Ma Coong có ít nhiều ảnh hưởng văn hóa Lào. Nhìn chung, ngày nay việc giao lưu văn hóa với người Kinh phần nào ảnh hưởng đến văn hóa của cộng đồng Vân Kiều. Sinh hoạt văn hóa thường là những đêm hát đối đáp giữa nam nữ thanh niên, trong đám cưới, trong ngày hội đâm trâu…bằng các làn điệu dân ca với các nhạc cụ độc đáo của riêng họ.
Về tín ngưỡng tôn giáo, đồng bào Vân Kiều thường tin vào các thần núi thần sông. Việc thờ cúng tổ tiên rất phổ biến và được chú trọng.
Dân tộc Chứt
Về văn hóa dân gian, người Chứt thường có những bài hát phổ biến, nhất là điệu “Con trâu ra đồng” được sử dụng với một số nhạc cụ dân tộc như khèn, đàn ống. Đàn ống gần giống như nhị của người Kinh được làm bằng cây lồ ô. Ngoài ra còn có một số nhạc cụ khác như sáo, ống thổi. Các làn điệu dân ca và nhạc cụ được sử dụng vào các ngày lễ tết, đám cưới hoặc được thầy mo sử dụng trong lễ cúng cơm mới…
Về tôn giáo tín ngưỡng, dân tộc Chứt còn nhiều phong tục tập quán như các nghi lễ, ma thuật, kiêng kỵ…Mỗi năm người Chứt có 3 lần cúng tế nông nghiệp: lễ làm mùa, lễ lấp lỗ, lễ cúng cơm mới. Người Chứt có nhiều hình thức kiêng kỵ như đi vào rừng thì tên các loài động vật phải gọi tên lóng và phải im lặng…
Tuy nhiên, các phong tục tập quán và nghi lễ cho đến nay đã thay đổi nhiều do ảnh hưởng văn hóa của người Kinh. Chỉ có một số bản vẫn giữ lại được các phong tục cổ xưa như bản ARem (xã Tân Trạch), bản Rục ở Yên Hợp (xã Thượng Trạch) và một số bản người Sách ở xã Dân Hóa.
Người ARem và người Rục là hai nhóm nhỏ của dân tộc Chứt từ xa quen sống cách ly với cộng đồng ở vùng núi đá hoặc trong hang đá.
Trong dân tộc Chứt, nhóm ARem và nhóm Rục có ít nhất và cũng là hai trong số các nhóm nhỏ nhất so với toàn bộ các nhóm dân tộc khác trên đất nước Việt Nam. Đời sống của hai tộc người này tương đối giống nhau trong sản xuất, các phong tục và cách sinh hoạt. Đời sống của họ còn giữ tính hoang sơ, chủ yếu dựa vào nương rẫy, săn bắn, hái lượm và bắt cá.
Nhà của họ rất đơn giản, thường bằng tre và lợp lá cây. Trước đây người ARem sống từng nhóm 10 -12 nhà rải rác ở các vùng gần hang Đại Cáo, hang Người lùn, hang Duật…Còn người Rục sống thành nhóm nhỏ hơn khoảng 5-7 hộ ở các thung lũng hoặc các hang đá ở núi Ma Ma.
Trước đây quần áo của hai nhóm người này được tự đan lấy bằng sợi của vỏ cây sui, một loài cây có nhựa mủ độc nhưng vỏ có nhiều sợi. Ngày nay trang phục của họ cũng dần thay đổi theo cách ăn mặc của người Kinh.
Trước kia người ARem sống rải rác trong các thung lũng và hang đá trong rừng ở gần bản Đoòng và bản Rào Con bây giờ. Sau khi được phát hiện năm 1962, Chính phủ đã tổ chức cho họ ra ở gần cây số 14 đường 20 và giúp đỡ họ rất nhiều. Giai đoạn 1965-1972, do chiến tranh ác liệt trên dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, họ lại phân tán vào rừng, một phần về nơi cư trú cũ, một phần sống trong hang Đại Cáo và Đại Ả cách đường 20 khoảng 10 km về phía đông. Năm 1993 Chính phủ giúp đỡ người ARem xây dựng một bản mới là Tân Trạch ở phía tây nam Vườn quốc gia, giúp họ dựng nhà, xây lớp học, trạm xá…
Người Rục sống rải rác, rất hoang dã trong các thung lũng và núi đá ở núi Ma Ma trước khi được bộ đội tìm thấy năm 1960. Sau đó Chính phủ đã giúp họ định cư tại bản Yên Hợp bây giờ. Tuy nhiên, cuộc sống định cư đối với họ chưa thành thói quen, nên một số gia đình tiếp tục sống hoang sơ trong hang đá và thung lũng núi đá vôi.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?
Love
Haha
Wow
Sad
Angry
You have reacted on "Các tộc người đang sinh sống tại VQG" A few seconds ago
No votes yet.
Please wait...

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận