1. Giá trị văn hóa – lịch sử
Đa số là người Kinh sinh sống (chiếm hơn 90% tổng số dân). Trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia có 2 dân tộc thiểu số sinh sống: dân tộc Bru – Vân Kiều với các nhóm tộc: Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong và dân tộc Chứt với các nhóm tộc: Sách, Mày, Rục, A Rem, Mã Liềng. Đời sống của người Chứt và Bru – Vân Kiều có nhiều sắc thái văn hoá đặc sắc, cho đến nay họ còn lưu giữ nhiều đặc điểm sinh hoạt của thời nguyên thuỷ. Hai dân tộc này đang là đối tượng quan tâm nghiên cứu của các nhà dân tộc học. Mỗi tộc người trong vùng đều có những tập quán sinh sống và bản sắc văn hoá như: Lễ Đập trống của người Ma Coong, hát Tuồng bội của người Kinh ở Khương Hà…
Vùng Phong Nha – Kẻ Bàng còn lưu giữ nhiều di tích về văn hóa lịch sử. Đó là các di tích Chăm và Việt cổ như bàn thờ Chăm, chữ Chăm khắc trên vách đá, tượng đá, tượng phật, mảnh gốm, bài vị và nhiều di vật có giá trị về mặt khảo cổ học. Đặc biệt, Phong Nha – Kẻ Bàng là nơi mang nhiều dấu tích lịch sử của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là tuyến đường Trường Sơn huyền thoại với nhiều di tích cấp quốc gia đã được công nhận như Bến phà Xuân Sơn, Động Phong Nha, Hang Tám cô, Sân bay Khe Gát…
2. ‘Cái nôi” văn hóa và lịch sử Phong Nha – Kẻ Bàng
Đến đầu thế kỷ XX, các nhà thám hiểm và học giả Anh, Pháp đã đến Phong Nha. Ngoài cảnh đẹp và giá trị du lịch của Phong Nha, họ còn phát hiện một số di tích Chăm và Việt cổ như bàn thờ Chàm, chữ Chàm khắc trên vách đá, gạch, tượng đá, tượng phật, mảnh gốm và nhiều bài vị…
Năm 1995, Viện Khảo cổ học Việt Nam nhận định động Phong Nha có dấu hiệu là một di tích khảo cổ học vô cùng quan trọng. Có thể dấu tích ở hang Bi Ký trong động là một thánh đường Chăm từ thế kỷ IX đến XI. Tại đây đã phát hiện nhiều mảnh thân và miệng các bình gốm có tráng men của Chàm với các mảnh gốm thô sơ có lõi đen, có vòng phân miẹng loe rộng so với thân, tạo một góc gần vuông. Bên cạnh đó còn có các gốm hoa văn miệng hình cánh sen, màu xanh ngọc, màu lông thỏ hồng nhạt…
Trong Phong Nha – Kẻ Bàng có cộng đồng người dân tộc ít người là Arem, Rục, Sách, Mày, Mã Liềng… có ngôn ngữ Arem gần người Việt hiện đại.
Phong Nha – Kẻ Bàng cũng là nơi tá túc của Vua Hàm Nghi trong phong trào Cần Vương ở địa bàn xã Hoá Sơn (nay thuộc huyện Minh Hoá). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rừng Phong Nha – Kẻ Bàng còn lưu lại nhiều dấu tích lịch sử oai hùng. Đó là đường mòn Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn với các cung đường, trọng điểm nổi tiếng: 20 Quyết Thắng, Mụ Giạ, A.T.P, Trà Ang, Cà Tang, cua Chữ A, Khe Ve… hay các di tích Hang Tám Cô, hang Chín Tầng, bến phà Nguyễn Văn Trỗi, các kho hàng hoá trong hệ thống hang động ở Tuyên Hoá, Minh Hoá…Động Phong Nha cũng có một thời được bộ đội 559 dùng làm nơi cất giấu hàng hoá và những chiếc phà sắt cồng kềnh để vận chuyển xe, hàng ra tiền tuyến.
Không ít du khách nước ngoài và trong nước khi đến Phong Nha tham quan đã rất thích thú khi được nghe nói về những điểm du lịch này. Và ai cũng ao ước được đi, được nhìn thấy những di tích một thời nổi tiếng, gắn liền với cuộc chiến đấu ác liệt của người dân Quảng Bình…
3. Lịch sử thám sát hang động Phong Nha – Kẻ Bàng
Tháng 7 năm 1924, một nhà thiên văn học người Anh tên là Baton đã đến thám hiểm động Phong Nha trong 14 ngày đêm. Ông Baton đánh giá động Phong Nha đẹp như một chốn mê cung không kém gì động Padirac ở Pháp hay động Cueva del drac ở Tây Ban Nha, những hang động đẹp nổi tiếng thế giới. Năm 1928, Antoni một giáo viên trường Quốc học Huế lúc bấy giờ và một số quan chức cai trị người Pháp khác cũng đã từng đến thám sát động Phong Nha. Ngày 24/05/1929, dựa trên các bản đồ chỉ dẫn của các nhà thám hiểm trước, các ông Charly, Pas Qualaggi và Bouflier (người Pháp) lên đường thám sát động Phong Nha. Chuyến đi này, các nhà thám sát đã chuẩn bị rất chu đáo và kỷ lưỡng. Họ chuẩn bị chất đốt, lương thực, đèn pin và cả một máy phát điện nhỏ. Nhật ký của đoàn thám hiểm này ghi lại: “Ngày thứ 2 chúng tôi vào động, trên hai bờ vô số đá lởm chởm, đủ mọi hình thù kỳ dị, bất ngờ, hỗn độn hết sức ngây thơ, mang tất cả màu sắc của cầu vồng trong đó nổi lên, bên cạnh những màu hồng nhạt của một bức tranh của Vatteau, và màu xanh da trời của một bức tranh khác của Raphael màu thổ hoàng và màu chân son với những ánh sáng phản chiếu màu đỏ chói và màu xanh không bao giờ phai của xanh xanh đồng, tất cả đều đua nhau soi mình trong dòng nước”.
Không đủ điều kiện để thám hiểm như những người Pháp lúc bấy giờ nhưng nhiều nhà khoa học, nhà thám hiểm người Việt Nam cũng đã chú tâm khảo cứu và công bố kết quả trên một số phương tiện truyền thông. Việt Điều Thái Văn Kiểm trong bài tùy bút bằng tiếng Pháp “La Premmiere merveille du Viet Nam: Les grostes de Phong Nha” (Động Phong Nha – đệ nhất kỳ quan của Việt Nam) – bài được giải nhất trong cuộc thi do Tổng ủy thanh niên môn thể thao Đông Dương tổ chức năm 1942 đã mô tả động Phong Nha: “…Chúng tôi vào động lúc 8 giờ sáng. Một cảnh tượng huy hoàng và thần tiên hiện ra trước mắt chúng tôi. Một cảm giác lành lạnh đượm kính cẩn và sợ hãi đến với tôi, trong khi đó tim tôi đập nhanh, chúng tôi có cảm tưởng như vào trung tâm một giáo đường, một đường hầm hỏa xa, hay nói đúng hơn nữa là một vực thẳm…”. Nhà địa lý Lê Bá Thảo trong “Thiên nhiên Việt Nam” thì có cảm tưởng “…Động Phong Nha, điều thực sự kỳ diệu là ở chỗ tất cả các hình dạng còn giữ được tính chất nguyên thủy của nó. Người đi thăm động có cảm giác sâu sắc như đang tham gia vào một cuộc thám hiểm thực sự khi nghĩ rằng mình đang ở sâu trong lòng đất bên dưới đỉnh núi cao điểm 800 – 900m”. Còn với Giáo sư Hàng Thiếu Sơn trong ’’Việt Nam non xanh nước biếc” thì viết: “Không ở đâu có những hàng cột đẹp như chốn Thủy Cung này, hai hàng cọt chen nhau, xếp mình dọc hai bên vách động và không cột nào giống cọt nào, đẹp nhất là những chiếc cột có nhiều ngấn như những đốt trúc, đốt nào cũng trên nở dưới thon, xếp chồng lên nhau, quanh thân cột có những nếp nhăn mềm mại”.
Với vẻ đẹp tuyệt trần như vậy song Phong Nha trong một thời gian dài cũng chỉ rất ít du khách đến tham quan. Có lẽ một phần do chiến tranh ác liệt nên du khách chưa có dịp đến hoặc vấn đề giao thông đi lại chưa thực sự thuận tiện. Mặt khác giá trị đích thực của Phong Nha chưa được tuyên truyền quảng bá rộng rãi nên Phong Nha được người ta ví như một kho báu để quên trong rừng.
Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tấm màn bí mật của động Phong Nha và một vài hang động khác thuộc khối đá vôi Kẻ Bàng đã dần được thông tin đến công chúng bởi qua hai đợt thám hiểm của Hội địa lý hang động Hoàng gia Anh (BCRA – British Cave Research Association). Đây là những nhà thám hiểm có kinh nghiệm và có nhiều phương tiện chuyên dụng. Đoàn thám hiểm đã kết hợp với các nhà khoa học địa chất nổi tiếng ở Việt Nam thuộc khoa Địa lý Địa chất trường Đại học Khoa học tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội như các Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Mỹ, Nguyễn Hoàn, Trần Nghi, Vũ Văn Phái, Tạ Hoà Phương, Lê Duy Ngà… đến thám hiểm Phong Nha và nhiều hang động khác trong vùng.
Đợt thám hiểm thứ nhất từ ngày 28/4/1990 đến 01/5/1990: Đoàn thám thiểm đã đi thuyền vào động với chiều dài 1500m và gặp bãi đá ngầm tuyệt đẹp với những phiến đá bằng phẳng có nhiều hoa vân trên mặt đá. Các nhà thám hiểm vượt qua bãi đá ngầm tiếp tục thám sát gần 2000m nữa. Gần 4000m tính từ cửa động, các nhà thám hiểm đã đo, vẽ và chụp nhiều ảnh có giá trị về động Phong Nha, đặc biệt là những tấm ảnh ở bãi đá ngầm.
Đợt thám hiểm thứ hai từ ngày 18/3/1992 đến 18/4/1992: Lần này, đoàn thám hiểm gồm 12 thành viên tiếp tục thám hiểm Phong Nha ở những đoạn sâu. Gần 30 ngày đêm vất vả, khó khăn nhưng các nhà thám hiểm vẫn dũng cảm, kiên trì khảo sát trên dòng sông ngầm khất khúc chảy trong lòng dãy Trường Sơn. Nhật ký đoàn thám hiểm ghi lai: “Chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước vẻ tráng lệ và đa dạng của thạch nhũ. Thật kỳ diệu, những cột thạch nhũ óng ánh như những rễ cây cổ thụ bằng thủy tinh rũ xuống từ mái vòm của buồng thứ tư cao đến 40m. Ở vòm hang buồng thứ bảy, thạch nhũ ánh hồng phản chiếu lấp lánh qua luồng đèn pin yếu ớt như một bức màn đăng – ten vô cùng quyến rũ và cách đó khoảng 90m, chúng tôi nhận ra một con sư tử đá màu vàng do chính thiên nhiên tạo nên. Lúc này, nhiệt kế dừng lại ở mức l70C nhưng gương mặt ai cũng lấm tấm mồ hôi vì căng thẳng. Chúng tôi đã dùng những thiết bị chuyên dùng để lặn qua hoặc vượt lên mép đá cheo leo, cao vút mà qua dòng sông ngầm này để tiếp tục tiến vào sâu hơn”. Lần này, các nhà thám hiểm đã khảo sát, vẽ bản đồ và đo được chiều dài tổng cộng là 7.729m, nơi cao nhất là 50m và độ sâu của động là 83m. Cũng trong đợt thám hiểm này, đoàn đã đi khảo sát dọc theo đường 20 – Quyết Thắng (đường Hồ Chí Minh) tiếp tục thám hiểm hang Vòm thuộc thượng nguồn sông Chày và đo được chiều dài của hang là 13.690m.
Đợt thứ ba vào tháng 3 năm 1994, đoàn tiếp tục khảo sát Phong Nha và các hang động khác trong vùng phụ cận như hang Rục Mòn, Rục Cà Roòng, hang Én, hang Đại Cáo, hang Thung… nâng tổng số chiều dài hang động ở vùng Kẻ Bàng đã được khảo sát lên hàng chục km.
Tháng 4 năm 1994, trong cuộc họp với Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình và các ngành hữu quan về các đợt thám hiểm ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng, ông Howard Limbert – trưởng đoàn thám hiểm phát biểu: “Động Phong Nha là một hang động nổi tiếng ở Việt Nam và là một trong hai hang động đẹp nhất thế giới. Động Phong Nha có liên quan đến nhiều hang động khác trong vùng. Chúng tôi tin rằng các hang động ở đây có thể nối liền với nhau bằng hang ngầm và do đó Phong Nha là hang động nước dài nhất trên thế giới” (Báo cáo thám hiểm địa mạo Việt Nam/ Anh quốc tháng 4/1994).
Trong đợt trở lại thám hiểm lần thứ tư, tháng 1 năm 1997 với mục đích là tiếp tục tìm kiếm và thám hiểm các hang động khác. Lần này, đoàn đã phát hiện thêm 3 hang động mới nâng số hang động được thám hiểm lên 31 hang và tổng chiều dài hang động trong vùng là gần 100km. Tuy nhiên, điều quan trọng sau lần khảo sát này là các nhà thám hiểm Anh quốc và các nhà khoa học Việt Nam có nhận xét: Tất cả các hang động trong vùng có khả năng được hình thành bởi hai hệ thống sông ngầm chính. Hệ thống hang động Phong Nha có sông ngầm chảy qua các hang Khe Ry, hang Thung, hang Chà Ang, động Phong Nha và cũng có thể ăn thông với nhiều hang động khác với tổng chiều dài lên tới 44 km. Hệ thống hang Vòm gồm các hang Rục Cà Roòng, hang Đại Cáo, hang Hổ, hang Maze… và hang Vòm. Các nhà thám hiểm kể lại trong hành trình thám hiểm hang động ở vùng Phong Nha – Kẻ Bàng có nhiều điều lý thú. Ở hệ thống hang Vòm, các nhà thám hiểm bắt gặp nhiều đoạn sông ngầm bất chợt lộ thiên, trong hang động thì gặp nhiều lỗ thông lên trời hay có những nhánh hang lại dẫn ra những núi đá.
Đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, sau các đợt thám sát (1994) với những bộ ảnh đẹp, đầy ấn tượng, Phong Nha được họ giới thiệu qua tạp chí International Caver (Tạp chí hang động Quốc tế) đã phát hành rộng rãi (Theo các nhà thám hiểm hang động, động Phong Nha là hang động duy nhất ở Việt Nam đạt 7 tiêu chí: Hang có con sông ngầm đẹp nhất; Có cửa hang cao và rộng; Có bãi cát, bãi đá ngầm đẹp; Có hồ nước ngầm đẹp; Có hang khô rộng và đẹp; Có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ; Là hang nước dài nhất). Rất nhiều bài viết và bộ ảnh về động Phong Nha đã được đăng tải, giới thiệu trên 14 trường đại học lớn ở châu Âu và cũng từ đó, động Phong Nha được nhiều người biết đến như một Đệ nhất kỳ quan.
Cùng vời các đoàn thám hiểm hang động Hội địa lý Hoàng gia Anh, giá trị Phong Nha – Kẻ Bàng còn được phát hiện và công bố trên nhiều lĩnh vực khác nhau bởi nhiều tổ chức và các nhà khoa học quốc tế cũng như trong nước như các thành viên của CNRS (Pháp), các nhà nghiên cứu thuộc động Bunung Muhu (Malaixia), WWF Việt Nam, Đại học Sidney, Đại học Nottinham, Hội địa chất Australia, các chuyên gia thuộc Cục Bảo tồn Bảo tàng Việt Nam, các thành viên của Viện Điều tra quy hoạch lâm nghiệp, Chương trình Phong Nha – Kẻ Bàng của tỉnh Quảng Bình… Các nhà khoa học, các chuyên gia Nguyễn Quốc Dựng, Vũ Dũng, Lê Huy Cường, Trương Quốc Bình, Đặng Văn Bài… có những đóng góp nhất định trong việc khảo sát, điều tra, xây dựng và cũng cố hồ sơ đề nghị công nhận di sản. Đặc biệt, theo yêu cầu của UNESCO, từ ngày 29 tháng 01 đến ngày 04 tháng 02 năm 1999, hai chuyên gia của IUCN là các ông Elery Hanlilton Smith và Hans Friedrich đã trực tiếp khảo sát thực địa khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng. Những đánh giá và kết luận của hai ông sau chuyến khảo sát là cơ sở quan trọng để Ủy ban Di sản thế giới thuộc tổ chức UNESCO nghiên cứu và công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới.
Nguồn: Phong Nha – Kẻ Bàng hoang sơ & huyền diệu
(NXB Văn hóa Thông tin)