Danh nhân tiêu biểu
Về làng Hạ Trạch, huyện Bố Trạch nơi dải đất gối đầu lên phía bờ Nam sông Gianh cùng chung với các hương danh Bắc, Thanh Mỹ, Hạ Trạch, chúng ta từng biết có một tài năng ở đó. Tài năng đó được sinh ra trong một gia đình mà hầu hết từ người cha là Lưu Trọng Kiến và cả ba anh em Lưu Trọng Tuần, Lưu Kỳ Linh, Lưu Trọng Lư đều lớn lên cùng theo đòi bút nghiệp và đều cũng đã lưu lại cho đời sau những tác phẩm văn học có giá trị.
Từ năm 1911 khi tiếng khóc của cậu quý tử dòng hợ Lưu làng Hạ cất lên, ai hay biết được điều gì mai kia sẻ đến. Thế rồi thời gian trôi qua, kể từ thập niên 30- 40 của thế kỷ 20, làng Hạ mới biết rằng: quê hương có một nhà thơ xuất hiện, cậu bé khóc oa oa ngày nào, không ai khác chính là Lưu Trọng Lư
Sinh thời, trong sự nghiệp thơ ca, Nhà thơ lấy hai câu thơ tuyên ngôn của mình:
Đi giữa lòng nhân dạ ngẩn ngơ
Vì thương người lắm phải say thơ.

Lưu Trọng Lư đã truyền lại chữ “Nhân” cho con cháu, cho bạn đọc, để lại nhiều cái hay, cái đẹp trong cuộc sống, trong lòng mọi người dân Hạ Trạch cũng như nhân dân cả nước. Sự say thơ của nhà Hàn sĩ họ Lưu “đã khẳng định tấm lòng nhân của ông như bao nhà tư tưởng dân tộc”(Đỗ Minh Tuấn). Tư tưởng ấy được khắc đậm nơi mà nay đặt mô danh nhân, nổi bật trên vòm mái hình chữ Nhân do con ông là Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải thiết kế. Có ghi câu phương ngôn của Nhà thơ nổi rõ: “Tôi thà bị lừa còn hơn là không tin vào con người”.

Lớn lên, ông học hành đỗ đạt, vừa dạy học vừa làm thơ và đã từng ghé nhiều nơi: Huế, Hội An, Hà Nội…
Cùng thời Lưu Trọng Lư trên dải đất miền Trung có Tế Hanh (Quảng Ngãi), Tố Hữu (Thừa Thiên), Chế Lan Viên (Quảng Trị), Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh (Quảng Bình), Xuân Diệu (Hà Tỉnh) đều là những tài hoa thơ. Trong bạn bè cùng trang lứa, sau Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên đến Lưu Trọng Lư giờ lần lượt thành người thiên cổ nhưng họ bất tử, ghi đậm tuổi tên trong ký ức của chúng ta. Đã có người ví Lưu Trọng Lư là chủ soái của phong trào thơ mới nền Văn học Việt Nam năm 30- 45. Cách gọi ấy suy cho cùng là đúng nghĩa. Ông đã đi tiên phong thi đàn Việt Nam một thời.
Tập thơ “ Tiếng Thu” là ghi dấu đậm nét. Trong cuộc bút chiến gay gắt giữa hai luận điểm nghệ thuật, vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, ông là người có những đóng góp xuất sắc đáng kể. Việc ông khởi xướng bảo vệ cho tiếng nói nghệ thuật là muốn tìm đến cái đích thực của sáng tạo. Có nghĩa Văn học phải là cái hay, cái đẹp đem đến lợi ích và mọi người thừa nhận. Cuối đời bút nghiệp của Lưu Trọng Lư tham gia nhiều thể loại sang tác: Kịch, Tiểu thuyết, Hồi ký, Tùy bút, Truyện ngắn…nhưng nhà thơ là ngọn đèn tỏa sáng.
Với tấm lòng Nhân vô hạn, bộc lộ rõ từng câu chữ, tạo ấn tượng trong lòng bạn đọc là tập thơ Tiếng Thu in năm 1940 tại Hà Nội và tái bản năm 1991, năm Nhà thơ qua đời.
Hiện nay, trong di cảo của Ông, còn nhiều bản thảo nghiên cứu có giá trị mà Sương phụ nhà thơ Tôn Nữ Lê Minh cùng các con lưu giữ lại được.
Bao nhiêu sách báo, bao nhiêu bài viết nghiên cứu về Thi sĩ họ Lưu còn chưa phai màu mực. Thời cùng sống, một lần Nhà văn Nguyễn Đình Thi- chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Việt Nam đã có một nhận xét gọn mà đủ về Lưu Trọng Lư: “ Thơ Lưu Trọng Lư chân thật, hồn nhiên, dịu dàng nhiều bài mình thích”
Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh- Nhà phê bình văn học tâm sự: “Mỗi lúc buồn đến, tôi lại trở về với Lưu Trọng Lư. Bởi vì thơ Lư nhiều bài thật không phải thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật mà chính tiếng lòng thổn thức cùng hòa trong tiếng thổn thức của lòng ta”.
Ngày 10-8-1991, Nhà thơ mất, nhiều vị lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước và Chính phủ và đại văn nghệ sĩ của tỉnh đến viếng, dâng hương. Bên cạnh lời viếng của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười và Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có bài thơ của nhà thơ Tố Hữu, Nhà thơ cùng thời đã viếng Ông bài thơ tâm niệm:
Lưu Trọng Lư ơi biệt cõi trần
“Tiếng thu” man mác nhạc trong ngần
Nửa Đêm Sực Tỉnh” đời pha mộng
Da diết lòng anh một chữ Nhân
Ngày được tin Nhà thơ quá cố, đại diện nhân dân Tỉnh Quảng Bình, Sở VHTT và Hội VHNT tỉnh đã long trọng tổ chức lễ truy điệu Nhà thơ. Giới Văn nghệ sĩ tỉnh nhà, mỗi Hội viên ngậm ngùi thắp nén hương tưởng niệm Ông, kính cẩn nghiềng mình bên chân dung Ông, thương tiếc một tài năng từ biệt cõi trần gian ở tuổi 80. Giới Văn học Nghệ thuật vinh dự đề nghị tỉnh lấy tên Ông đặt tên cho giải thưởng Văn học tỉnh nhà: “ Giải thưởng Văn học- Nghệ thuật Lưu Trọng Lư”, 5 năm trao giải một lần.
Năm 1995, lễ trao giải VHNT lần thứ I được tổ chức long trọng, năm 2000 lại tổ chức trao giải lần II và năm 2006 tổ chức trao lần III, thêm một lần nữa khẳng định tên tuổi Ông sẻ mãi mãi song hành cùng sự nghiệp văn học tỉnh Quảng Bình cũng như trong nền Văn học nghệ thuật cả nước.
Đến nay qua hơn 15 mùa thu có lẻ “ Lá thu rơi xào xạc”, Thi nhân đã trở về tọa lạc yên tỉnh trong ngôi nhà lưu niệm vĩnh hằng của đời mình nơi Quận 7- thành phố Hồ Chí Minh. Hẳn cùng từ đấy tháng ngày trong mùi trầm hương tỏa ngát, hồn thơ Ông lại tan hòa bay theo ngọn nồm hướng về nơi “ chôn rau cắt rốn”, mảnh đất từng chắp cánh cho một hồn Thơ. Nơi mảnh đất Hạ Trạch ấy có xây dựng một ngôi miếu đặt bàn thờ vọng của Ông để con cháu dòng họ Lưu hay du khách tham quan dự ngày “ Lễ hội rước thuyền Long Châu” đến viếng một hồn thơ phiêu lãng của quê hương xứ Hạ hoặc khi mỗi mùa thu đến ta lại lắng nghe đồng vọng đất trời “Tiếng thu” thầm thì mà thôi xao.
Bạn thấy bài viết này như thế nào?
Love
Haha
Wow
Sad
Angry
You have reacted on "Lưu Trọng Lư – Một trái tim thơ" A few seconds ago
No votes yet.
Please wait...

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận