Phát huy tiềm năng du lịch vốn có của địa phương, đồng thời tạo sinh kế, mang lại thu nhập bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, các tổ du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã được thành lập, bước đầu cho thấy hiệu quả và kỳ vọng những bước phát triển mới trong tương lai. Bên cạnh đó, tham gia tổ DLCĐ còn giúp bà con, nhất là chị em phụ nữ, thêm năng động, tự tin, sáng tạo, thích ứng với những đòi hỏi, yêu cầu của thị trường du lịch giai đoạn mới.
Đầu tháng 3 vừa qua, một tổ DLCĐ được ra mắt tại xã Tân Hóa (Minh Hóa). Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Minh Hóa Đinh Thị Ngọc Lê, đây là mô hình nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ DLCĐ tại khu du lịch Tú Làn, xã Tân Hóa; đẩy mạnh, tăng cường quảng bá DLCĐ tiến tới phát triển du lịch bền vững. Đáng chú ý, mô hình sẽ bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư, cải thiện sinh kế cho người dân tại địa phương và đời sống của phụ nữ thông qua các hoạt động du lịch, tạo cơ hội việc làm và thu nhập bền vững.
“Bên cạnh đó, mô hình được xây dựng bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, bền vững, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, thu hút sự tham gia đông đảo của phụ nữ; tạo sức lan tỏa trong cộng đồng; phát huy tính chủ động, sáng tạo nhằm triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình theo lộ trình”, bà Đinh Thị Ngọc Lê chia sẻ thêm.
Tổ du lịch văn hóa cộng đồng-phụ nữ Bru-Vân Kiều ở bản Hà Lẹc (xã Kim Thủy, Lệ Thủy) mang lại những trải nghiệm ẩm thực độc đáo cho du khách.
Tổ du lịch văn hóa cộng đồng-phụ nữ Bru-Vân Kiều ở bản Hà Lẹc (xã Kim Thủy, Lệ Thủy) mang lại những trải nghiệm ẩm thực độc đáo cho du khách.
Tổ DLCĐ gồm 24 thành viên. Sau thành lập, tổ sẽ triển khai các hoạt động, như: Thành lập các tổ nhóm văn nghệ, dàn dựng những tiết mục văn nghệ truyền thống biểu diễn trong các hoạt động giao lưu cùng khách tham quan trải nghiệm, dựa trên các làn điệu dân ca (hò thuốc cá, hát bội…) và các điệu múa, biểu diễn nhạc cụ đặc trưng của người dân Minh Hóa. Tổ còn xây dựng, thành lập tổ phục vụ ẩm thực với các món ăn đặc sản truyền thống từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, như: Bồi, ốc, măng rừng, cá khe, rau rừng… và phục vụ du khách cùng trải nghiệm phương thức làm bồi, rang cốm… Gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm truyền thống, nông sản của địa phương sẽ được xây dựng để phục vụ du khách trải nghiệm khi tham gia hoạt động mô hình.
Thành viên tổ du lịch sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện lẫn nhau cùng hoạt động phát triển ngành nghề, bảo đảm ổn định kinh tế trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi ích như nhau.
Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hóa Đinh Thị Lữ cho hay, trước khi tổ DLCĐ được thành lập, chị em phụ nữ địa phương cũng đã tích cực tham gia các hoạt động du lịch do Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) triển khai. Nay có tổ DLCĐ, chị em lại càng hăng hái, chủ động, sáng tạo hơn trong làm du lịch. Ngoài ra, chị em cũng nhận làm dịch vụ nấu ăn, phục vụ nhu cầu của khách du lịch, người dân địa phương, do đó, thu nhập ổn định và tích cực, hứng khởi hơn trong công việc.
Để tổ DLCĐ đi vào vận hành hiệu quả, các hoạt động đào tạo nghề, tập huấn kỹ năng marketing bán hàng, tiếp thị sản phẩm trên nền tảng số, bình đẳng giới trong việc làm, phát triển sinh kế gắn với bảo vệ môi trường bền vững và xây dựng các sản phẩm truyền thông cũng được triển khai hiệu quả. Đồng thời, hoạt động quảng bá, truyền thông, giới thiệu mô hình và liên kết, quảng bá, phối hợp tổ chức cho du khách trải nghiệm mô hình cũng được chú trọng. Cụ thể, xây dựng các sản phẩm truyền thông quảng bá hoạt động, hình ảnh trên các trang mạng xã hội; tạo kênh quảng bá; kết nối cộng đồng với thị trường du lịch và phối hợp với Oxalis để giới thiệu, tổ chức cho du khách đến trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực mang nét bản sắc riêng của quê hương Minh Hóa.
Bên cạnh tạo sinh kế, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của ĐBDTTS và miền núi, các tổ DLCĐ ra đời còn là một cách thức hiệu quả để phát huy vai trò của phụ nữ trong việc cải thiện đời sống gia đình. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong cộng đồng, bảo đảm bình đẳng giới. 
Còn tại xã Kim Thủy (Lệ Thủy), tổ du lịch văn hóa cộng đồng (DLVHCĐ)-phụ nữ Bru-Vân Kiều do Hội LHPN tỉnh triển khai tại bản Hà Lẹc đã mang lại một sức sống mới cho bản làng nơi đây. Chị Hồ Thị Hà, Tổ trưởng tổ DLVHCĐ chia sẻ, kể từ khi ra mắt từ cuối tháng 12/2024 với 20 thành viên, tổ đã đi vào hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đón khách du lịch đến trải nghiệm thực tế giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực của ĐBDTTS Bru-Vân Kiều, chị em trong tổ còn nhận làm dịch vụ nấu ăn cho khách du lịch và người dân địa phương.
Trưởng bản Hà Lẹc Hồ Nhiều bảo rằng, anh rất vui khi căn nhà của gia đình anh là địa điểm để du khách trải nghiệm văn hóa bản địa. Bên cạnh có thêm thu nhập ổn định, anh còn có cơ hội chung sức để giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mình đến khách du lịch, như: Ẩm thực, phong tục tập quán, dân ca Bru-Vân Kiều…
Chị Hồ Thị Hà cho biết thêm, thời gian tới, tổ DLVHCĐ bản Hà Lẹc rất mong muốn được hỗ trợ thêm trong công tác quảng bá, giới thiệu đến với khách du lịch gần xa. Hiện tại, tổ đang kết hợp với Bang Onsen Spa & Resort để đón khách đến trải nghiệm với những tín hiệu khả quan. Sắp tới, bên cạnh nhà anh Hồ Nhiều, tổ sẽ liên kết với một số nhà dân trong bản hội đủ điều kiện để làm điểm cho du khách tham quan, trải nghiệm.
Thực tế cho thấy, các mô hình tổ DLCĐ ngày càng phát huy lợi thế và mang lại những kết quả thiết thực trong phát triển du lịch địa phương, tạo sinh kế bền vững cho ĐBDTTS và miền núi. Bên cạnh những hỗ trợ trước mắt, bà con vẫn cần những hoạt động sát cánh lâu dài của các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và địa phương, nhất là trong liên kết hoạt động, quảng bá, giới thiệu mô hình và xây dựng các sản phẩm du lịch thực sự mang dấu ấn đậm nét của đồng bào, độc đáo, không “đụng hàng”. Có như vậy, các tổ DLCĐ mới thực sự có sức sống lâu bền.
Nguồn: Mai Nhân – baoquangbinh.vn

Để lại bình luận