Giới thiệu tổng quan Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Khu Phong Nha-Kẻ Bàng nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn thuộc địa phận các huyện Bố Trạch; Minh Hoá; Quảng Ninh; cách thành phố Đồng Hới 50 km về phía Tây Bắc, cách thủ đô Hà Nội 500 km về phía nam. Được đánh giá là một trong 238 sinh thái quan trọng trên toàn cầu, với các dãy núi đá vôi phát triển hầu nhu liên tục và thành phần tương đối đồng nhất, được đánh giá là vùng Karst rộng nhất với diện tích trên 200.000 ha, là một mẫu điển hình của quá trình địa chất về thể loại Karst và hình thành hang động đang diễn biến toàn cầu không chỉ ở lĩnh vực đa dạng sinh học mà còn là một khu vực thắng cảnh hang động bậc nhất thế giới.
Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có tổng diện tích 343.638,04 ha. Trong đó: Vùng lõi của VQG PNKB có diện tích 125.729,6 ha, bao gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 64.894 ha; phân khu phục hồi sinh thái 17.449 ha; phân khu hành chính dịch vụ 3.411 ha; khu vực mở rộng 31.070 ha (gồm các xã Thượng Hóa và Hóa Sơn huyện Minh Hóa); đất rừng đặc dụng 8.364.5 ha; đất chưa có rừng 173,6 ha; đất khác 367,5 ha. Vùng đệm 217.908,44 ha bao gồm 13 xã giáp ranh thuộc 3 huyện Bố Trạch, Minh Hóa, Quảng Ninh.
Khu Phong Nha-Kẻ Bàng có một quần thể hơn 300 hang động lớn nhỏ phong phú, kỳ vỹ được mệnh danh là “ Vương quốc hang động”, nơi tiềm ẩn nhiều điều kỳ lạ hấp dẫn, là thiên đường cho các nhà khoa học hang động, các nhà thám hiểm và du lịch. Cho đến nay, hơn 170 hang động với tổng chiều dài hàng trăm Km đã được Đoàn khảo sát Hoàng gia Anh phối hợp với Khoa Địa lý Đại học Quốc gia Hà Nội khảo sát có hệ thống, kỹ lưỡng và được đánh giá là một trong những kỳ quan đẹp nhất với các đặc trưng: có sông ngầm đẹp nhất, có cửa hang cao và rộng nhất, các bãi cát, bãi đá ngầm đẹp nhất, có hồ nước ngầm đẹp nhất, có hang khô rộng và đẹp nhất, có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, là hang nước dài nhất. Trong các hang động thì Phong Nha thật sự nổi bật bởi chiều dài khảo sát gần 8 km, chủ yếu với sông ngầm, hang Vòm dài trên 15km, hang thiên đường dài 31,4 km được xếp vào danh sách hang động có sông ngầm dài nhất thế giới. Đặc biệt là hang Sơn Đoòng được đánh giá là một trong những hang động đẹp và lớn nhất thế giới.
Cùng với hệ thống hang động kỳ diệu, sông Troóc, sông Chày, sông Son trong khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng với dòng nước trong xanh chảy giữa vùng núi đá có rừng tạo nên cảnh đẹp thơ mộng như bức tranh thuỷ mặc quyến rũ du khách.
Rừng nguyên sinh Phong Nha-Kẻ Bàng có hàng chục đỉnh núi cao trên 1.000 m, hiểm trở chưa từng có vết chân người, là các điểm hấp dẫn thể thao leo núi và thám hiểm. Điển hình là các đỉnh Co Rilata cao 1.128 m, Co Preu cao 1.213 m. Xen kẻ giữa các đỉnh núi trên 1.000 m là những thung lũng và các đỉnh cao từ 800 m đến 1.000 m, thích hợp cho du lịch sinh thái và leo núi nhu Phu Sinh 965 m, Ma Ma 835 m. Đặc biệt, đỉnh Mã Tác cao 721 m có thung lũng với mặt bằng rộng 70 ha.
Trong Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng còn tồn tại một khu rừng nhiệt đới nguyên sinh ít bị tác động với độ che phủ trên 96,2% và có tính đa dạng sinh học cao. Tại vùng này theo số liệu điều tra, bước đầu có nhiều loại thực vật đặc hữu của rừng núi đá vôi như Chò đãi, Chò nước, Trầm hương, Nghiến, Sắng, Ba kích và Sao… Thực vật bậc cao có mạch gồm 1.762 họ, 511 chi, 876 loài. Trong đó có 38 loài được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam và 25 loài được ghi vào Sách Đỏ của IUCN ( Hiệp hội bảo tồn Thiên nhiên Thế giới) và 13 loài đặc hữu ở Việt Nam. Gần đây các nhà khoa học phát hiện thêm nhiều loài thực vật quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng cao ngoài tự nhiên như Bách xanh đá, Lan hài đốm, Lan hài xanh, lan hài soắn và nhiều thực vật quý hiếm khác cũng được ghi nhận. Ngoài tài nguyên thực vật đa dạng, đối với động vật đã xác đinh được 140 loài thú lớn, có 35 loài được mô tả trong Sách Đỏ Việt Nam và 19 loài được liệt kê trong Sách Đỏ của IUCN; 356 loài chim, có 15 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, 19 loài liệt kê trong Sách Đỏ của IUCN; 99 loài bò sát và lưỡng cư, trong đó 4 loài bò sát mới được phát hiện như Thằn lằn tai, Tắc kè Phong Nha, Rắn lục Trường Sơn, Rắn mai gầm thành, có 18 loài được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam và 6 loài được đư trong Sách Đỏ của IUCN; 259 loài bướm; 162 loài cá, trong đó có 4 loài đặc hữu đối với Quảng Bình; 47 loài ếch nhái. Đặc biệt rừng trên núi đá vôi là nơi phân bố nhiều loài Linh trưởng nhất Việt Nam, gồm 10 loài được ghi nhận, chiếm khoảng 50% tổng số loài thuộc bộ Linh trưởng ở Việt Nam, 7 loài thuộc bộ Linh trưởng được liệt kê vào Sách Đỏ Việt Nam. So với các khu bảo tồn và vườn quốc gia khác ở Việt Nam thì độ phong phú của các loài động vật ở Phong Nha-Kẻ Bàng còn khá cao. Các loài quý hiếm, đặc biệt Linh trưởng có số lượng cao nhất nước.
Ngoài sinh cảnh thảm thực vật và động vật hoang dã, Khu Phong Nha-Kẻ Bàng còn là nơi đã từng tồn tại và đang hiện diện cả một hệ di tích lịch sử văn hoá có giá trị cho nhiều thời đại như các di tích khảo cổ học thời tiền sử, văn hoá Chămpa và Việt cổ, di tích căn cứ kháng chiến chống Pháp của vua Hàm Nghi cuối thế kỷ XIX tại núi Ma Rai và những địa danh nổi tiếng trên đường mòn Hồ Chí Minh như bến phà Xuân Sơn, bến phà Nguyễn Văn Trỗi, đường 20 quyết thắng đã đi vào huyền thoại gắn liền với những chiến công hiển hách và sự hi sinh cao cả của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc.
Thêm nữa, trong khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng sinh sống chủ yếu là người Chứt, một số ít người Việt và Bru-Vân Kiều. Dân tộc Chứt ở Quảng Bình bao gồm các tộc người: Sách, Mày, Rục, Arem, Mã Liềng, có khoảng 3.500 người phân bố chủ yếu ở các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá và một số ít người ở Bố Trạch. Trong khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, người Chứt có mặt ở hai huyện Minh Hoá và Bố Trạch gồm hầu hết các tộc người, trừ Mã Liềng, với khoảng 2.450 người. Người Chứt (được gọi là Chứt Poong) và ngôn ngữ của họ với đoán định được tách ra từ tiếng Việt-Mường đầu tiên vào khoảng thế kỷ V-VI. Danh xưng “Chứt” có nghĩa là “Rèm Đá”, “Núi Đá”. Người Chứt ở Phong Nha-Kẻ Bàng dù là dân cư nông nghiệp, nhưng trước đây họ chủ yếu săn bắt, hái lượm, sống trong tình trạng hết sức lạc hậu, hoang dã. Đại bộ phận các tộc người Chứt sống du canh, du cư trong rừng núi, trong các hang động rèm đá… Hiện nay đời sống tinh thần và vật chất của người Chứt đang từng bước được cải thiện. Người Chứt văn hoá vật thể và phi vật thể của họ là đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học và đồng thời là địa chỉ hấp dẫn của loại hình du lịch văn hoá dân tộc ít người ở vùng Phong Nha-Kẻ Bàng.
Trong những năm qua, Khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đã trở thành địa chỉ yêu thích của du khách. Số lượng khách du lịch đến tham quan Phong Nha ngày càng đông, nhất là từ khi Vườn quôc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di Sản Thiên Nhiên Thế Giới. Cùng với Thánh Địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, Cố đô Huế, Di Sản Thiên Nhiên Thế Giới Phong Nha-Kẻ Bàng, tuyến du lịch độc đáo “ Con đường Di sản Miền Trung” hình thành và lan rộng, tạo nên sức hấp dẫn đối với khách du lịch.
Không có bình luận