Lễ hội đập trống của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) được tổ chức một năm một lần vào dịp rằm tháng Giêng (từ ngày 16 đến 17 tháng Giêng âm lịch) và được xem như là lễ hội quan trọng nhất của dân tộc ít người này. Mục đích chính của lễ hội là cầu trời, đất cho mưa thuận, gió hòa, nương rẫy được tươi tốt, dân chúng được ấm no, khỏe mạnh, gia súc không bị dịch bệnh. Người Ma Coong chia lễ hội thành hai phần chính: Phần lễ tế trời đất và phần hội đập trống vui chơi của người dân. Trong đó phần đập trống luôn được mọi người mong chờ nhất.
Trống của người Ma Coong không giống như trống của người dưới xuôi. Tang trống được làm từ cây chi cúp – một loại cây thuốc rỗng, sống hàng mấy chục năm trong rừng sâu và có thể dùng hết năm này sang năm khác. Mặt trống được bịt bởi da một con trâu to khỏe. Trống trong lễ hội được chằng bằng sợi dây mây rừng xâu chéo với nhau, rồi lấy những nêm tre nêm chặt lại, kéo cho mặt trống có hình thù kỳ quặc như “quả cầu gai”. Tiếng trống là hiện thân của tâm linh, của tiếng nói thần kỳ, như tiếng của người Ma Coong giữa rừng xanh không bị khuất phục bởi gió, mưa, thú dữ… Sau phần lễ cúng với những quy định khắt khe là phần hội đập trống tưng bừng, náo nhiệt. Dưới ánh trăng, từng tốp người thay nhau đập trống, nhảy múa, uống rượu bên ánh lửa bập bùng. Không chỉ người Ma Coong mà người dân ở khắp nơi cũng đến đây cùng chung vui trong ngày hội. Cho đến khi trống bị đập vỡ, thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc, chung sức chung lòng bảo vệ dân làng, thì khung cảnh náo nhiệt tạm lắng xuống. Các đôi trai gái lâu nay đã thầm để ý nhau được phép dắt nhau ra suối, vào rừng… cùng tâm sự. Nhưng họ phải trở về nhà trước khi gà gáy sáng để quay trở lại với cuộc sống thường nhật của mình và hẹn gặp lại vào lễ hội năm sau.
Trải qua nhiều biến đổi, lễ hội đập trống của người Ma Coong vẫn còn nguyên đó những giá trị văn hóa không thể phai mờ, mà ẩn sâu bên trong là tín ngưỡng phồn thực trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, cầu mong sự hài hoà âm dương trong cuộc sống.
Không có bình luận