Cứ vào ngày rằm tháng ba âm lịch hằng năm, người dân ở huyện miền núi rẻo cao Minh Hóa (Quảng Bình) lại vào hội rằm tháng ba. Dù lễ hội này theo thời gian đã có nhiều đổi thay so với trước đây, nhưng lễ hội năm nay vẫn mang nhiều đặc tính riêng biệt của con người và núi rừng nơi đây…
Từ xa xưa, người dân Minh Hóa đã dặn lòng với nhau rằng: “Thà ốm mà nằm, ai mà bỏ chợ rằm tháng ba…”. Ai đã từng đến dự lễ hội rằm tháng ba ở Minh Hóa, dẫu chỉ một lần thôi cũng sẽ không bao giờ quên được những ấn tượng đặc biệt của nó. Đó là vẻ huyền ảo của ánh trăng rằm miền sơn cước quyện trong tiếng hát đúm (một điệu hát giao duyên của người Nguồn) bày tỏ tình yêu lứa đôi…
Từ sớm tinh sương của ngày rằm, các đoàn đại diện cho các làng, xã cùng nhau đến vùng thác Bụt ở Dốc Cáng, xã Yên Hóa. Tại đây họ dâng hương cúng Bụt (như ông Bụt trong truyện cổ tích). Chính từ nơi đây đã xuất hiện lễ hội rằm tháng ba Minh Hóa. Người già còn kể lại: ngày xưa có ba anh em nhà nọ lên lèn ông Ngoi tìm mật ong. Họ đi lạc vào một hang động. Trong đó có cơ man nào là tượng Bụt bằng đá…
Ba anh em họ mỗi người vác một tượng về. Đến thác Bụt họ xuống suối tắm. Nhưng khi vác tượng lên lại để trở về nhà thì không tài nào vác được nữa. Mãi sau họ mới vác được một tượng về đến Hói Chàm và đặt ở đó. Từ đó đến nay dòng thác mà ba anh em nhà kia tắm và để tượng Bụt lại, được gọi là thác Bụt. Vậy là mỗi năm, cứ đến lễ hội rằm tháng ba mọi người lại đến đây cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc chuẩn bị cho một lễ hội rằm mới.
Người già ở Minh Hóa cho biết ngày xưa, lễ hội rằm tháng ba của đồng bào người Nguồn ở Cơ Sa, Kim Linh gồm ăn tết rằm tháng ba, hội chợ rằm tháng ba vào ngày sáu (tức là ngày 16-3 âm lịch). Ngày rằm đó, tất cả mọi nhà của người Nguồn đều làm cỗ bàn, xôi thịt cúng ông bà tổ tiên. Dân làng ở tổng Cơ Sa đem xôi oản lên chùa cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc cho mọi nhà yên vui, thịnh vượng.
Còn dân làng ở tổng Kim Linh thì làm lễ cầu đảo, cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm làng bình yên. Người từ bốn phương trong tỉnh, ngoài tỉnh và trong vùng Cơ Sa, kinh Linh đổ về dự chợ Sạt-hội chợ rằm-với đủ các loại hàng hóa lâm thổ sản. Đặc biệt là những thức ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa như ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn…
Đối tượng được ưu tiên đi dự hội chợ rằm tháng ba của người Nguồn là trẻ em và nam thanh nữ tú. Thanh niên đến dự hội chợ rằm là dịp gặp gỡ tìm hiểu nhau. Họ mặc những bộ áo quần đẹp nhất, chiếc ô đủ sắc màu thổ cẩm… Nhiều cặp nam nữ dù ở cách xa nhau hàng ngày đường núi, nhưng qua hội chợ rằm tháng ba đã nên vợ thành chồng. Dưới ánh trăng rằm, nam nữ quây quần bên nhau hát đúm.
Từ sáng ngày rằm, thị trấn Qui Đạt đã chật ních người. Nhiều nhất vẫn là thanh niên nam nữ… Hàng ngàn người ở khắp nơi về đây xem văn nghệ do các đội văn nghệ của các làng, xã biểu diễn bằng các tiết mục truyền thống như hát đúm, hò thuốc, hò kéo nôốc (thuyền), hát sắc bùa, hát nhà trò, múa tiên, múa lăm tơi (điệu múa của người Lào). Các làng, xã thi nấu cơm, giã hạt ngô làm bồi, chế biến món ăn truyền thống từ sản vật của địa phương… trong không khí náo nhiệt.
Bây giờ vào hội rằm tháng ba, không chỉ có người dân ở Dân Hóa, Hóa Sơn, Hóa Phúc của Minh Hóa, mà người từ Đồng Hới, Tuyên Hóa, Quảng Trạch hay du khách cũng tìm lên góp vui với hội rằm, mua bán hàng hóa thổ sản. Từ khu chợ bò cho đến chợ chim… nơi nào cũng đông kín người. Mấy năm gần đây, huyện Minh Hóa còn tổ chức cả hội thi thể dục thể thao dân tộc như bắn nỏ, ném xoay, đi cà kheo… cho lễ hội thêm phần tấp nập.
Không có bình luận