Sau những thăng trầm do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, đến thời điểm này, kinh tế-xã hội nói chung, du lịch tỉnh ta nói riêng đã có bước phục hồi ngoạn mục. Sự khởi sắc chung đó có vai trò quan trọng của văn hoá, thể thao khi bản sắc văn hoá của từng vùng đất, hiệu quả quảng bá tích cực của thành tích thể thao trên đấu trường quốc tế đã và đang tạo ra tính độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn của sản phẩm du lịch, góp phần thu hút du khách.

Cùng với những tiềm năng, thế mạnh đã và đang được khai thác hiệu quả là hệ thống hang động kỳ vĩ khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, những bãi biển nổi tiếng, Quảng Bình còn là vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa và cách mạng tiêu biểu với 119 di tích đã được xếp hạng, trong đó, có 51 di tích cấp quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh, 15 điểm di tích quốc gia đặc biệt.

Có những điểm đến đã trở thành địa chỉ quen thuộc của du khách, như: Hang Tám Thanh niên xung phong, Bến phà Long Đại, hang Lèn Hà, Phà sông Gianh…. Du khách không chỉ đến một lần bởi những câu chuyện bi tráng gắn với từng di tích đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng họ. Cùng với những tên đất, tên làng, Quảng Bình còn có những danh nhân văn hoá tiêu biểu, như: Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Điệu múa mừng đám cưới của người dân tộc Bru-Vân Kiều (xã Trường Sơn, Quảng Ninh), nét văn hoá cần bảo tồn để góp phần xây dựng các sản phẩm du lịch
Điệu múa mừng đám cưới của người dân tộc Bru-Vân Kiều (xã Trường Sơn, Quảng Ninh), nét văn hoá cần bảo tồn để góp phần xây dựng các sản phẩm du lịch.

Những di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại, như: nghệ thuật bài chòi; di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia Hò khoan Lệ Thuỷ cũng là những vốn quý mà Quảng Bình đang sở hữu.

Trong tương lai, rất có thể Quảng Bình sẽ lại có thêm di sản phi vật thể cấp quốc gia mới là Lễ hội cầu ngư của các xã vùng biển. Những giá trị văn hoá đang từng ngày được khẳng định giá trị, lan toả trong cộng đồng, trở thành vốn quý cần lưu giữ và phát triển.

Và những lễ hội truyền thống đã gắn bó bao đời với người dân, như: Lễ hội đua thuyền ở Lệ Thuỷ, Lễ hội Rằm tháng ba (Minh Hoá), Lễ hội đập trống Ma-Coong (Bố Trạch)… sau những thăng trầm, giờ được khôi phục, phát triển mạnh mẽ, làm phong phú thêm bản sắc văn hoá của quê hương.

 

Ý thức được giá trị của những tài sản vô giá ấy, những năm qua, Quảng Bình đã xây dựng, tạo điểm đến có dấu ấn văn hóa đặc trưng, như: làng bích họa Cảnh Dương, bảo tồn các bản làng dân tộc thiểu số phục vụ các tuyến du lịch trải nghiệm về phong tục, tập quán, đời sống tâm linh, lối sống, trang phục, lễ hội, trò chơi dân gian…
Hiện nay, một số tour du lịch, như: Khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn (Minh Hóa), Tìm hiểu và khám phá văn hóa cộng đồng người Arem và Ma Coong (Bố Trạch) đã được triển khai. Và tới đây, cộng đồng dân tộc Bru-Vân Kiều ở Quảng Ninh và Lệ Thủy với những nét văn hoá riêng biệt cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn.
Sự gắn bó của du khách đối với các địa chỉ du lịch tâm linh, sự phát triển rộng rãi của các mô hình du lịch cộng đồng homestay, farmstay… một lần nữa khẳng định giá trị của văn hoá trong phát triển du lịch bền vững cũng như nhu cầu mà du khách hướng đến. Việc lưu giữ và phát triển một không gian văn hoá đặc sắc, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh chính là nền tảng để phát triển du lịch.

Thực tế đã chứng minh, nét đẹp văn hoá của vùng đất, sự hồn nhiên, mộc mạc của những cư dân… đã níu chân hàng triệu du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Nhờ đó, không ít những “ông tây” trên hành trình chinh phục miền đất mới, đã nhiều lần trở lại Quảng Bình.

Và mỗi lần trở lại, họ đều phát hiện ra những vẻ đẹp mới mẻ, đầy hứa hẹn khám phá. Để rồi có nhiều người trong số họ đã trở thành cư dân Quảng Bình, miệt mài khám phá những tầng sâu văn hoá mới, làm lan toả vẻ đẹp ấy đến với thế giới bằng những câu chuyện, những hình ảnh, những trải nghiệm mà họ mang đến cho du khách.
Với chiều sâu của văn hóa truyền thống, đặc biệt là các điểm đến mang yếu tố tâm linh, các lễ hội đặc trưng, mang hồn cốt dân tộc và quê hương là những điểm đến níu giữ du khách. Đây chính là sự khác biệt giữa du lịch văn hóa với các loại hình du lịch khác. Vì vậy, cần lựa chọn sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở văn hóa, xây dựng các sản phẩm du lịch từ văn hóa nhằm đa dạng hóa sản phẩm và tạo sự phát triển bền vững cho du lịch.

 

Quảng bá du lịch thông qua các hoạt động văn hoá, thể thao cũng là một giải pháp hiệu quả khi Quảng Bình đã và đang ghi nhiều dấu ấn đẹp trong lĩnh vực này. Thời gian qua, những chương trình nghệ thuật, như: “Quảng Bình trong câu hát”; các chương trình nghệ thuật tại các địa danh lịch sử được truyền hình trực tiếp…, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả trong nước và quốc tế.
Trong lĩnh vực thể thao, thời gian gần đây, vận động viên (VĐV) tỉnh ta đã giành nhiều thành tích xuất sắc tại đấu trường quốc tế. Đó là 2 huy chương vàng (HCV), 1 huy chương bạc (HCB) tại Sea Games 29; 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ tại Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD 18).Trong đó, VĐV Nguyễn Huy Hoàng đã trở thành niềm tự hào của thể thao nước nhà khi giúp bơi lội Việt Nam lần đầu có HCB ASIAD và trở thành VĐV nam đầu tiên của nước ta đạt chuẩn A Olympic.
Một trận đấu tại giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc năm 2018 (thành phố Đồng Hới).
Một trận đấu tại giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc năm 2018 (thành phố Đồng Hới).
Ngoài ra, hàng năm, Quảng Bình còn đăng cai tổ chức các giải thể thao quốc gia. Trong đó, nhiều giải đấu có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng lớn. Mới đây nhất, tỉnh ta đã phối hợp tổ chức thành công chặng 5, giải Xe đạp quốc tế VTV Cúp năm 2018, với lộ trình 10 km dọc bờ sông và bãi biển Nhật Lệ có sự góp mặt của gần 100 VĐV đến từ 12 đoàn đua, trong đó có 6 đoàn đua quốc tế, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam. Đây là cầu nối để giới thiệu, quảng bá với du khách muôn phương về một Quảng Bình tươi đẹp, hùng vĩ, thân thiện và mến khách…

 

Với những đóng góp quan trọng và tiềm năng của văn hoá, thể thao trong hành trình phát triển du lịch bền vững, ông Trần Vũ Khiêm, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao chia sẻ, việc đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo các di tích tương xứng với giá trị và bề dày lịch sử cần được quan tâm chú trọng.

Trong phát triển hạ tầng du lịch, cần quy hoạch, xây dựng nhiều hơn nữa các công trình kiến trúc mang dấu ấn văn hóa, lịch sử nhằm tạo không gian văn hóa giữ chân du khách, tăng hệ số lưu trú.

Xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư cũng đóng vai trò quan trọng, do đó, cần được các cấp, ngành tăng cường phối hợp thực hiện bởi sự thân thiện, văn minh của người dân trong ứng xử, thể hiện được cốt cách văn hoá của con người, của vùng đất sẽ tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Hiện tại, ngành Văn hoá-Thể thao đang phát động sáng tác ca khúc về Quảng Bình và chuẩn bị cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh, 70 năm Ngày Quảng Bình quật khởi; phối hợp tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Hữu nghị ASIAN 2019”…

Cùng với những thành tích xuất sắc trong thể thao thời gian qua, những hoạt động này là cơ hội tốt để quảng bá sâu rộng hơn nữa về hình ảnh Quảng Bình, để mỗi bước đi, mỗi trải nghiệm của du khách sẽ thấm đẫm yếu tố văn hóa và những yếu tố văn hóa ấy sẽ chinh phục, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của Quảng Bình.

Theo Báo Quảng Bình

Để lại bình luận