Bản Còi Đá, xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nằm giữa thung lũng rộng lớn, được bao bọc bởi các dãy núi đá vôi với nhiều hang động lớn nhỏ và những dòng suối trong xanh. Với nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp cùng nét văn hóa bản địa đặc sắc, bản Còi Đá có nhiều ưu thế để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.

anh 1 1
Nét hoang sơ ở thung lũng Còi Đá. Ảnh: Netin

Nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân tộc, kể từ năm 2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã đưa vào khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru – Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy”. Trong đó điểm nhấn là tìm hiểu, khám phá văn hóa cộng đồng dân tộc Bru – Vân Kiều ở bản Còi Đá, xã Ngân Thủy. Đây là sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên kết hợp với tham quan hang động và tìm hiểu văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều trên địa bàn. Khi tour “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru – Vân Kiều” đưa vào khai thác, cũng là lúc người Bru – Vân Kiều ở bản Còi Đá bắt đầu làm quen với du lịch. Nhiều gia đình trong bản đã được Công ty TNHH Nettin (đơn vị đang khai thác tour nơi đây) hướng dẫn, hỗ trợ sửa sang, sắp xếp lại nơi ăn, chốn ở để đón du khách cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá những nét đẹp văn hóa của người Bru – Vân Kiều.

Mặc dù mới bắt đầu làm quen với việc làm du lịch nhưng với bản tính hiền lành, chịu thương chịu khó, sự mộc mạc, chân chất của mình, đồng bào Bru Vân Kiều ở bản Còi Đá đã tạo được sự yêu mến, tin tưởng đối với du khách.

Khi có du khách đến tham quan, thanh niên trong bản Còi Đá được thuê dẫn đường, phụ nữ chuẩn bị đồ ăn, nước uống. Sau khi tham quan, khám phá cảnh quan thiên nhiên, đời sống đồng bào Bru – Vân Kiều theo lịch trình đã chọn, du khách thường ở lại bản qua đêm để trải nghiệm, giao lưu văn hóa, đốt lửa trại, thưởng thức những món ăn, thức uống mang đậm sắc thái bản địa do chính người dân địa phương chuẩn bị…

anh 2 1 scaled
Du khách tham quan trải nghiệm bản Còi Đá. Ảnh: Netin

Anh Hồ Văn San (35 tuổi, ở bản Còi Đá) là nhân viên khuân vác hợp đồng với Công ty Nettin chia sẻ: “Trước đây mình sống dựa vào rừng, vất vả nhưng thu nhập không ổn định. Từ khi được vận động tham gia làm du lịch, đời sống của gia đình mình đã được cải thiện, thu nhập ổn định hơn”. Còn bà Hồ Thị Hương (người nấu ăn cho khách du lịch) phấn khởi cho biết: “Du khách rất thích thú với món ăn và sản vật của người dân bản địa. Mình mong muốn cả bản sẽ cùng tham gia làm du lịch để đời sống vươn lên”.

Trung bình mỗi tháng gia đình anh Hồ Trinh đón từ 3 – 5 đoàn khách du lịch đến tham quan, khám phá và trải nghiệm cuộc sống, văn hóa cộng đồng dân tộc Bru – Vân Kiều. Gia đình Hồ Trinh đã đầu tư cải tạo lại 2 phòng ngủ và phòng khách rộng rãi để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống ngay tại gia đình mình. Kết hợp với việc buôn bán, làm dịch vụ du lịch và đón tiếp các đoàn khách đến trải nghiệm, hàng tháng gia đình anh Trinh có thu nhập khoảng 3 – 5 triệu đồng.

Hiện có khoảng 10 – 15 người Bru – Vân Kiều ở bản Còi Đá thường xuyên tham gia vào hoạt động du lịch như dẫn đường, gùi thức ăn đồ uống, biểu diễn các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Mỗi lao động được trả từ 250 – 300 ngàn đồng/người/ngày, có thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguồn thu nhập tương đối khá so với mức thu nhập của nhiều người dân ở bản Còi Đá hiện nay.

Bên cạnh đó, nắm bắt nhu cầu của du khách khi đến tham quan, khám phá, trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại địa phương, nhiều hộ dân ở bản Còi Đá, xã Ngân Thủy đã mở dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi phục vụ khách du lịch và mua bán, trao đổi các sản phẩm đặc trưng của địa phương… mang lại thu nhập khá, góp phần ổn định đời sống.

anh 3 1
Người dân ở bản Còi Đá làm du lịch Ảnh: Netin

Để giúp người Bru – Vân Kiều ở bản Còi Đá làm du lịch, Sở Du lịch Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan đưa 10 hộ gia đình thuộc xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) đến các tỉnh bạn lân cận để tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng.

Còi Đá là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp như khe Nước Lạnh, hang Văn Công, hang Chà Lòi,… cùng những nét văn hóa bản địa đặc sắc. Bản hiện có 66 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, 100% dân số là đồng bào Bru – Vân Kiều.

Điều đáng mừng là nhờ tham gia làm du lịch, người Bru – Vân Kiều ở bản Còi Đá có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống. Đồng bào Bru – Vân Kiều vui mừng vì bản sắc văn hóa của mình được bạn bè, du khách trong và ngoài nước yêu mến. Đặc biệt, nhờ làm du lịch, nhiều sản phẩm truyền thống của người dân địa phương cũng đã thu hút sự quan tâm của du khách và được bán với giá cao hơn…

Sau khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch trở lại, nhiều đoàn du khách trong nước đã đến với bản Còi Đá. Đây thực sự là tín hiệu vui đối với sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng ở vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều cảnh đẹp, đối với những người dân bản Còi Đá mộc mạc và mến khách.

DH-CT

Để lại bình luận