Di sản Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) đầy kỳ ảo, tráng lệ bởi bên trong có 425 hang động lớn nhỏ. Cùng với đó là hệ sinh thái trong hang động phong phú, đa dạng. Mỗi lần các nhà sinh học đặt chân đến đều công bố cho thế giới những loài mới.
Xã nhiều hang động hùng vĩ
Nếu Phong Nha-Kẻ Bàng là trái tim của “vương quốc hang động” Việt Nam thì xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch) là trái tim của vương quốc hùng vĩ đó.
Đinh Hoe, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch kể: “Tổ tiên người A Rem sống trong hang đá. Những người già nhất bản sinh ra đã thấy hang đá, tuổi thơ gắn với hang đá, lớn lên trong hang đá, trí nhớ xa xưa cũng kể về những hang đá rộng lớn. Đi đâu trong rừng Kẻ Bàng cũng gặp hang đá”
Với người A Rem, hang đá là lẽ sống, nơi sinh tồn. Mỗi chuyến đi rừng, họ thường định vị các hang đá để có thể thành nơi nghỉ trưa, ngã lưng ban tối hoặc cất trữ lương thực khi gặp mưa rừng hoặc những trận lũ lớn bất chợt. Và bên trong đó, vô số các ký hiệu bên vách hang là những ẩn ngữ của riêng họ để nhớ về các sự kiện, những vấn đề dân sinh mà dân bản viết lên.
Ngày nay, trong cuộc sống, người A Rem tự hào quê hương họ sở hữu những hang động lớn nhất thế giới, tráng lệ toàn cầu, hùng vĩ số một Việt Nam. Vừa nói, Đinh Hoe vừa mở điện thoại khoe: “Hang Sơn Đoòng, công bố năm 2009 lớn nhất thế giới ở xã Tân Trạch của mình”.
Người A Rem còn sở hữu hang lớn thứ 3 thế giới là hang Én, với chiều dài gần 2km, cửa hang lớn nhất và nổi tiếng nhất có chiều cao 120m và chiều rộng 140m. Hang động lớn thứ 4 thế giới là hang Pygmy, cũng thuộc Tân Trạch với chiều dài 845m, chiều cao và rộng hơn 100m. Điều đặc biệt là hang Pygmy lại cùng hệ thống với hang Hổ, hang Over.
Đinh Hoe còn nói thêm: “Xã mình còn có đền thờ liệt sĩ hang Tám Cô, hang Y Tá, hang Va, Đại Ả, Bông Cá Chình, Rục, A Cù 1, A Cù 2, Chim, Cô Rai, Cờ Rùng, Lỗ Pổ và hàng chục hang động khác chưa đặt tên. Xã mình nhiều tiềm năng lắm, nếu mà biến các tiềm năng này cho xã mình giàu lên là hay lắm. Giờ đang nghèo quá”.
Mê cung kỳ vĩ
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Báo SGGP, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, tính đến nay các chuyên gia hang động đến từ Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã phát hiện được 425 hang động trong khu vực.
425 hang động này thuộc 7 hệ thống hang khác nhau. Bao gồm hệ thống hang Phong Nha, hệ thống hang Nước Moọc, hệ thống hang Vòm, hệ thống hang Cha Lo, hệ thống hang Tú Làn, hệ thống hang Quảng Ninh, hệ thống hang Lâm Hóa.
Trong số 425 hang động, đã có 389 hang động được đo vẽ thành công bởi đội tìm kiếm hang động Hoàng gia Anh với tổng chiều dài 243km. Theo ông Thái, việc đo vẽ 243km hang động được kéo dài hàng chục năm, bên trong các hang động đều ghi nhận cảnh quan tráng lệ, tạo ra “vương quốc hang động” phong phú, đa dạng. Việc đo vẽ thành công 243km hang động có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm, đóng góp hết sức to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, tạo sinh kế cho người dân phát triển du lịch.
Trái tim cho việc đo vẽ này là nhóm trưởng Howard Limbert, một người đàn ông hiền lành nhưng am tường kỹ thuật, các cuộc tìm kiếm hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng đều tự ông bỏ tiền túi cùng đồng đội tìm kiếm.
Sự cuốn hút của hang động nơi đây đã tạo hấp dẫn cho nhiều đoàn làm phim, các hãng truyền hình. Trước khi các hãng phim ghi hình thì tạp chí National Geographic đã có 4 dự án vinh danh Sơn Đoòng (một phần của mê cung 243km) trên toàn cầu, một điều chưa bao giờ có trong lịch sử tạp chí trứ danh chỉ với một địa chỉ trên giới.
National Geographic đã làm phim, thuê nhiếp ảnh gia hàng đầu và các cây viết nổi tiếng đến Sơn Đoòng làm việc, bởi lẽ họ xem việc phát hiện hang động này như một phát kiến lớn của thế kỷ 21. Bộ phim tài liệu dài hơn 45 phút phát đi 200 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện đang cuốn hút độc giả trên trang web của tạp chí và các nền tảng mạng xã hội cho thấy điều đó.
Phong phú đa dạng loài
Bên trong hệ thống hang động này có một hệ sinh thái động thực vật khá phong phú và đa dạng.
Mới đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu sự đa dạng của hệ thực vật, côn trùng và động vật chân khớp tại hệ thống hang động Sơn Đoòng và phụ cận thuộc Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và cho kết quả bất ngờ. Đã ghi nhận bổ sung 2 loài thực vật cho Việt Nam là một loài khổ diệp và họ đậu, đồng thời có 4 mẫu nghi ngờ là loài mới đang xác minh thêm.
Đặc biệt, về ngành chân khớp hình nhện ghi nhận 80 loài, 37 giống, 22 họ, 5 bộ (Araneae, Scorpiones, Pseudoscorpiones, Opiliones và Schizomida). Trong tổng số 80 loài được ghi nhận,có 57 loài đã xác định tên khoa học, ghi nhận sự có mặt của 10 loài mới công bố trong thế kỷ 21, 13 loài chưa định danh chính xác và có thể là những loài mới cho khoa học.
Về sinh cảnh, ghi nhận 20 loài phân bố ở hang Én, 49 loài phân bố ở hang Sơn Đoòng, 35 loài phân bố ở vùng sáng (vùng cửa hang), 22 loài phân bố ở hố sụt (hố sụt – rừng trong hang Sơn Đoòng), 23 loài phân bố trong vùng tối và đặc biệt đã ghi nhận 23 loài đặc hữu ở khu vực nghiên cứu.
Nhà sinh vật học người Đức, TS Anette Becher, khi đặt chân vào sâu bên trong 2 khu rừng ở Sơn Đoòng đã phát biểu: “Đó là chén thánh của các nhà sinh học”. Bởi bà đã nhận dạng được hơn 200 loài thực vật nhiệt đới.
Bà nói: “Một thế giới bị thất lạc che giấu hệ sinh thái độc đáo”. Và trong thế giới này, bà đã tìm ra một loài vật màu trắng, thân chia nhiều đốt. Nó được gọi tên tiếng Việt là “mọt gỗ”. Nó không có mắt, sống vĩnh viễn trong bóng tối của Sơn Đoòng.
Bằng con mắt của người nghiên cứu cổ sinh vật, PGS-TS Tạ Hòa Phương đánh giá: “Nó là đại diện của lớp không cánh (Apterygota) thuộc ngành chân khớp. Từng xuất hiện trên trái đất từ kỷ Devon cách đây 415-355 triệu năm”. Đó là một dạng hóa thạch sống quý hiếm bên trong lòng hang.
Thật sự 425 hang động này là kỳ quan của thế giới. Các nhà thám hiểm tin rằng, còn một lượng lớn hang động chưa tìm ra ở khu vực này do có nhiều nơi chưa có dấu chân người. Chúng hoàn toàn là kho tàng của Việt Nam được bảo hộ toàn cầu bởi UNESCO. Chúng được ví là nơi không có ở bất cứ đâu trên hành tinh này và nó đại diện cho những gì tiềm ẩn vẻ đẹp Việt Nam ra với thế giới.
Không có bình luận