20 năm khoác “tấm áo” di sản, Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) đã đón hơn 9,5 triệu lượt khách, trong đó có 1,1 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu từ phí và lệ phí đạt hơn 1.742 tỷ đồng. Những giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, sinh thái đã tạo nên một di sản duy nhất, hấp dẫn, trở thành “nơi mong đến, chốn mong về” của du khách trong và ngoài nước. PN-KB cũng đang nỗ lực mỗi ngày để phát triển đa dạng các sản phẩm thu hút khách du lịch, khẳng định vị thế là “trái tim” du lịch của Quảng Bình.
“Trái tim” du lịch Quảng Bình
Hơn 20 năm trước, PN-KB mới chỉ là cái tên mờ nhạt trên bản đồ du lịch Việt Nam. Làng Phong Nha ngày đó vẫn còn quẩn quanh trong thiên tai, khó nghèo. Khi Vườn Quốc gia (VQG) PN-KB được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, các hoạt động du lịch, dịch vụ trở nên sôi động, cuộc sống người dân vùng di sản bắt đầu bước sang trang mới.
Nếu thời điểm ban đầu, du lịch PN-KB chỉ mới là tour tham quan động Phong Nha-Tiên Sơn thì sau hai thập kỷ ngành Du lịch cùng khai thác, phát huy giá trị của tài nguyên di sản, PN-KB đã phát triển 15 tuyến, điểm du lịch. Nơi đây được ví là trái tim du lịch của Quảng Bình khi hội tụ đủ đầy các loại hình du lịch về khám phá, trải nghiệm cùng thiên nhiên và thăm lại các di tích lịch sử. Đến với PN-KB, du khách được trải nghiệm đa dạng, phong phú các sản phẩm, vừa được khám phá hang động, vừa camping, trekking và đu zipline…
Với 425 hang động lớn, nhỏ đã được khảo sát VQG PN-KB thực sự là thiên đường của loại hình du lịch khám phá, mạo hiểm. Trong số các sản phẩm hiện đang được khai thác, nhiều sản phẩm đã định vị được trên bản đồ du lịch mạo hiểm của thế giới. Tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới” do Công ty TNHH MTV Chua Me Đất khai thác được đánh giá là một trong những tour du lịch mang đẳng cấp quốc tế, được báo chí nước ngoài bình chọn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của thế giới.
Tour du lịch này luôn kín chỗ, mặc dù giá vé chinh phục Sơn Đoòng luôn ở mức cao hơn nhiều so với các sản phẩm du lịch mạo hiểm khác. Với sự kỳ vĩ, hoang sơ và tráng lệ, với nhiều người, Sơn Đoòng trở thành điểm đến đáng mơ ước, mong được một lần được đặt chân đến trong đời.
Cùng với tour đại trà và tour 4.500m của sản phẩm du lịch “Phong Nha-Kỳ quan đệ nhất động”, hiện VQG PN-KB đang có nhiều sản phẩm du lịch khám phá hang động khác, như: Tham quan động Thiên Đường, khám phá hang Đại Ả-Over-Pygmy, khám phá thung lũng Sinh Tồn-hang Thủy Cung, khám phá thiên nhiên rào Thương-hang Én”, sản phẩm “Hang Va, hang Nước Nứt-những trải nghiệm khác biệt”… Ngoài ra, một số các sản phẩm du lịch khám phá hang động đang trong quá trình thử nghiệm, như: Khám phá hang Ô Rô-hang Hoàn Mỹ, khám phá hang Ba và khám phá hung Thoòng cũng đang dần tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.
Cùng với hệ thống hang động kỳ vĩ, PN-KB đã khẳng định là điểm đến thiên nhiên hấp dẫn và khác biệt khi sở hữu nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm. Trong đó, điểm du lịch sinh thái suối Nước Moọc, sông Chày-hang Tối, điểm du lịch sinh thái và diễn giải môi trường vườn thực vật… cũng là lựa chọn của rất đông du khách, đặc biệt trong những dịp lễ, cao điểm du lịch. Lượng khách đến với PN-KB mỗi năm đã khẳng định được sức hút của một trung tâm, “trái tim” du lịch của Quảng Bình.
Riêng năm 2019, VQG PN-KB đã đón hơn 954 nghìn lượt khách. Sau dịch Covid-19, đây vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, nhất là khách du lịch nội địa. Chỉ tính riêng trong ngày 1/5/2023, động Phong Nha đã đón hơn 7.300 lượt khách. Đây là lượng khách tham quan động Phong Nha trong ngày lớn nhất từ trước đến nay.
Phát triển di lịch gắn bảo tồn di sản
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG PN-KB cho biết, để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế thiên nhiên, Ban Quản lý vườn đã từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ cả 3 hình thức tổ chức khai thác du lịch, bao gồm: Tự thực hiện, liên doanh liên kết và cho thuê dịch vụ môi trường rừng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cũng như từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Trong đó, đơn vị luôn chủ động phối hợp xúc tiến, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới tại vườn. Hoạt động du lịch đã có nhiều khởi sắc, mang diện mạo mới và từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp với nhiều loại hình du lịch hướng đến sử dụng tài nguyên bền vững và các giá trị được chia sẻ.
Hiểu rõ giá trị của di sản đối với phát triển du lịch theo hướng bền vững, các đơn vị khai thác du lịch tại VQG PN-KB luôn chú trọng công tác bảo tồn tài nguyên. Ngoài việc xây dựng chất lượng và sự độc đáo cho sản phẩm, điều quan trọng là phát triển tuyến điểm mới theo lộ trình và trên cơ sở ngưỡng, sức chứa môi trường rừng. Với các tour mạo hiểm đang khai thác tại PN-KB, bên cạnh các tiêu chí an toàn thì yếu tố bảo tồn, bảo vệ môi trường và có sự tham gia của cộng đồng cũng là yếu tố tiên quyết. Các hoạt động trong tour đều phải được bảo đảm không tác động đến môi trường, hệ sinh thái rừng.
Từ việc tham gia và trở thành mắt xích quan trọng trong vận hành tour, người dân địa phương đã có ý thức bảo vệ tài nguyên rừng, trân trọng di sản cũng chính là trân trọng sinh kế bền vững của chính mình. Nhiều làng quê ở Phong Nha, Cự Nẫm và các vùng phụ cận đã đổi thay bộ mặt nhờ vào các hoạt động du lịch. Thay vì ngược vào rừng khai thác tài nguyên, họ đã và đang xây dựng nên một cộng đồng làm du lịch bằng việc tham gia vào các vị trí: Chèo thuyền du lịch, đội thợ ảnh, porter, hướng dẫn viên hoặc tự mở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ông Jake Brunner, điều phối viên chương trình quốc gia của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Việt Nam (IUCN) khẳng định: “Sau nhiều năm gắn bó với PN-KB, IUCN nhận thấy, việc phát triển du lịch ở VQG không chỉ đóng góp phát triển kinh tế cho khu vực mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản, giảm áp lực lên tài nguyên thông qua tạo việc làm cho người dân. Việc sử dụng lao động địa phương đã làm giảm đáng kể những ảnh hưởng tiêu cực đến di sản và vì thế mà tài nguyên rừng đang dần phục hồi đáng kể”.
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phấn đấu là đưa du lịch PN-KB trở thành khu du lịch quốc gia, trở thành kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á với các sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch thám hiểm hang động và các loại hình du lịch chính, như: Du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, văn hóa, lịch sử, nghiên cứu đa dạng sinh học… VQG PN-KB đang nỗ lực mỗi ngày để thực hiện tốt hơn công tác quảng bá hình ảnh du lịch, từ đó, thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội, của các tập đoàn lớn để đầu tư các dự án, phát triển các sản phẩm du lịch mới có chất lượng cao mang tầm khu vực và quốc tế.
Theo Diệu Hương – Báo Quảng Bình
Không có bình luận