Du lịch biển đảo: Đợi ngày vươn ra “biển lớn”

Tin tức
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch biển đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chủ đạo, có lợi thế của du lịch Việt Nam. Sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển đảo, thế nhưng, không riêng Quảng Bình, du lịch biển của các tỉnh, thành miền Trung vẫn đang loay hoay tìm hướng đi phù hợp để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vốn có, đợi ngày vươn ra “biển lớn”.
Từ câu chuyện chung…
Với đường bờ biển dài 3.200km đi qua 28 tỉnh, thành phố cùng những nét văn hóa đặc trưng của vùng miền, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch biển. Những năm trở lại đây, du lịch biển đảo trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, trong đó, phát triển mạnh mẽ là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tàu biển…
Mới đây, một hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng VITM 2022 đã gợi mở những hướng đi mới, tìm kiếm giải pháp tận dụng tiềm năng, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch biển đảo. Tuy nhiên, các đại biểu tham dự hội thảo đều thẳng thắn nhìn nhận rằng, dù ngày càng phong phú các sản phẩm, cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư tại tất cả các địa phương ven biển nhưng du lịch biển đảo vẫn chưa phát triển xứng tầm so với tiềm năng và lợi thế vốn có.
Theo ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group-đơn vị kinh doanh du lịch có nhiều sản phẩm du lịch biển nổi tiếng, các hoạt động du lịch biển tại hầu hết các địa phương vẫn khá tự phát, manh mún, thiếu quy chuẩn an toàn, thiếu đồng bộ. Trang thiết bị cơ sở hạ tầng phục vụ khách và hàng hóa được sử dụng chung, quản lý cơ sở vật chất yếu kém nên chưa thực sự hấp dẫn du khách đi tour, đặc biệt là khách đi du lịch tàu biển.
Tháng 10/2022, du thuyền cao cấp Le Lapérouse của hãng Ponant (Pháp) cập Cảng Hòn La, mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch tàu biển của Quảng Bình.
Tháng 10/2022, du thuyền cao cấp Le Lapérouse của hãng Ponant (Pháp) cập Cảng Hòn La, mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch tàu biển của Quảng Bình.
Bổ sung thêm về nhận định này, ông Vũ Duy Vũ, chuyên gia du lịch tàu biển, nguyên Phó tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist khẳng định, du lịch biển, đặc biệt là du lịch tàu biển đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, thu hút một lượng lớn du khách quốc tế. Nhưng Việt Nam hiện chưa có cảng hành khách chuyên dụng tại một số thành phố cảng vốn đang là điểm đến phổ biến của các tàu và khách du lịch tàu biển. Các cảng còn thiếu những tiện ích khác, như: Trạm điện thoại, quầy đổi tiền, nhà hàng, cửa hàng miễn thuế, nhà vệ sinh… làm cho hành khách cảm thấy rất bất tiện, không thoải mái.
Đó là bài toán khó mà hầu hết các địa phương ven biển đều đang gặp phải, mà muốn tìm ra lời giải cần có sự chung tay, vào cuộc đồng bộ. “Mỗi địa phương có biển cần có những sản phẩm du lịch biển đảo riêng đặc trưng như OCOP, nhiều trải nghiệm không chỉ bó hẹp ở bãi biển, càng đa dạng càng tốt, khách hàng có nhiều lựa chọn cho trải nghiệm mà du khách thích”, Chủ tịch Lux Group bày tỏ. Việc đầu tư, khai thác phát triển sản phẩm du lịch biển đảo cần tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương nhưng đòi hỏi phải bảo đảm các yếu tố môi trường. Đó chính là điều kiện để hướng đến xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng cho biết, các địa phương ven biển cần đầu tư phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường, phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp. Đặc biệt, phải chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và dành ngân sách thỏa đáng cho bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo tài nguyên. “Hơn nữa, cần chú trọng sự tham gia của cộng đồng, người dân địa phương và quyền lợi của họ trong phát triển du lịch, gắn phát triển du lịch biển với bảo tồn, tôn tạo văn hóa bản địa”, ông Tuấn khẳng định.
… Đến bài toán riêng
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển đã đóng góp hơn 70% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước. Với dải cát ven biển dài hơn 116km, có thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 20.000km2 cùng với nhiều bãi tắm mang nét đẹp hấp dẫn, Quảng Bình là một trong những tỉnh thuộc tốp các địa phương giáp biển có doanh thu dẫn đầu về du lịch.
Với địa phương, du lịch biển có vai trò quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân vùng ven biển và lao động trên biển. Từ phát triển du lịch biển đã nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân ven biển, ý chí bám biển, bám làng để bảo vệ môi trường, giữ vững toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia trên biển. Những năm qua, Quảng Bình đã thu hút đầu tư nhiều dự án về cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, thể thao, vui chơi giải trí ở khu vực ven biển. Những dự án này đã và đang tạo sự chuyển biến về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, diện mạo đô thị và tiềm lực cung ứng sản phẩm du lịch biển, tạo ra các điểm đến mới, hấp dẫn du khách.
Tuy nhiên, ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch thẳng thắn nhìn nhận, các sản phẩm du lịch biển của Quảng Bình chưa đa dạng, chủ yếu là du lịch tắm biển, du lịch nghỉ dưỡng biển. Trong số 36 sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có 2 điểm du lịch địa phương là bãi tắm biển Bảo Ninh và bãi tắm biển Nhật Lệ, chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm chưa nhiều.
“Sự thiếu hụt các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên, nhất là khu vực ven biển đã hạn chế việc phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh. Ngoài ra, hạ tầng cầu cảng còn thiếu nên việc đón tàu du lịch quốc tế, khai thác hoạt động du lịch ngắm cảnh trên du thuyền… chưa được triển khai. Bên cạnh yếu tố cơ sở vật chất, công tác tổ chức và dịch vụ đi kèm cũng chưa thực sự hiệu quả”, ông Hà cho biết thêm.
Tháng 10/2022, du thuyền cao cấp Le Lapérouse của hãng Ponant (Pháp) đã đưa gần 100 khách du lịch quốc tế đến từ các quốc gia: Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Bỉ, Thụy Sĩ… ghé tham quan Quảng Bình. Đây là lần đầu tiên Quảng Bình đón du thuyền cao cấp, mở ra nhiều cơ hội cho du lịch đường biển, đồng thời mang theo kỳ vọng sẽ phá vỡ tính thời vụ vốn sẵn của du lịch địa phương. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, bến bãi vẫn chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu của du khách. Lần đầu tiên đón du thuyền cao cấp nên việc tiếp đón, phục vụ vẫn còn nhiều lúng túng.
Thời gian tới, dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La đang triển khai đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng với 4 bến cập tàu, trong đó giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Khi dự án đưa vào sử dụng, Quảng Bình sẽ có khả năng đón các tàu biển quốc tế quy mô lớn, các siêu du thuyền để đưa du lịch tàu biển trở thành một trong những loại hình sản phẩm du lịch nổi bật trên địa bàn tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt khẳng định, nghỉ dưỡng biển là hướng đi đúng đắn để khách du lịch quay trở lại nhiều lần-điều này không những góp phần thu hút khách du lịch đến Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, đồng thời còn có một ý nghĩa quan trọng đối với an ninh, quốc phòng, khơi dậy được lòng tự hào dân tộc, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường biển và nhận thức về chủ quyền quốc gia. Vì thế, các tỉnh, thành ven biển, trong đó có Quảng Bình cần chú trọng khai thác các sản phẩm du lịch biển đảo theo hướng bền vững, khai thác được tiềm năng, lợi thế vốn sẵn nhưng vẫn phải bảo đảm được việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương ven biển.
Theo baoquangbinh.vn
Bạn thấy bài viết này như thế nào?
Love
Haha
Wow
Sad
Angry
You have reacted on "Du lịch biển đảo: Đợi ngày vươn ra “biển ..." A few seconds ago
No votes yet.
Please wait...

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận