Tại xã Thượng Hóa, Quảng Bình một bản làng của đồng bào người Rục được biết đến là em út trong cộng đồng của các dân tộc Việt Nam, đó là bản Mò O Ồ Ồ.
Bản Mò O Ồ Ồ nằm gần biên giới Việt – Lào thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Người Rục có hơn 80 hộ với gần 400 người. Do đặc thù của khu vực nằm sâu trong các dãy núi đá vôi nên vào mùa mưa, lũ nước không thoát kịp và cả cánh rừng nhiệt đới tạm thời ngập sâu trong nước và mùa hè thì lại thiếu nước nghiêm trọng.
Cuối năm 1959, bộ đội Biên phòng Cà Xèng đóng tại Thượng Hóa trong một lần tuần tra đã phát hiện nhóm “người rừng” nhút nhát, không mảnh vải che thân, leo trèo trên vách đá, chuyển cành nhanh như thú hoang. Dường như người Rục không biết đến sự tồn tại của các tộc người khác, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tóc dài quá lưng, không mặc quần áo, chỉ che thân bằng những tấm vỏ cây sơ sài là hình ảnh của người Rục bấy giờ. Sau nhiều tháng tiếp cận, bộ đội đã vận động được họ rời hang đá về định cư ở 3 bản trong đó có bản Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa. Người Rục dẻo dai và có phần khá “hoang dại”, họ quen với việc leo trèo cây để săn bắt, hái lượm. Món ăn của họ chủ yếu là những loại thú hoang nhỏ, ngoài ra còn có bột nhúc, bột đoác được giã thô sơ bằng đá.
Tộc người Rục được các nhà khoa học ghép vào nhóm người Chứt bởi có những nét tương đồng về nhân chủng, ngôn ngữ,… nhưng trong đời sống của mình, người Rục vẫn ẩn chứa những bản sắc rất riêng, nhưng mang nét bí ẩn chưa được khám phá. Chính vì điều này mà các sản phẩm du lịch khám phá Bản làng người Rục càng trở nên thú vị hơn. Đến với bản làng của người Rục, du khách sẽ được thưởng thức các món đặc sản của người Rục là món Ốc Lèn và Rượu Đoác. Ốc Lèn là một loại ốc sống trên núi, chuyên ăn các loại lá cây vào ban đêm, người Rục bắt về hấp ăn với muối Cheo ngon tuyệt vời. Ngoài ra, du khách còn được khám phá hang đá của người Rục từng sống nhiều năm về trước, tại đây bạn được chính người Rục tái hiện lại cuộc sống xưa kia qua lời kể của họ và tự mình trải nghiệm đời sống của người Rục.
Cùng với sự hỗ trợ và giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng, Công an, cán bộ địa phương mà đồng bào người Rục cũng như bản làng Mò O Ồ Ồ đã hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng hiện đại. Nếu có dịp, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu về văn hóa của họ để càng hiểu thêm về sự đa dạng của văn hóa Việt Nam được tại nên từ 54 dân tộc anh em.