Tân Hóa là vùng đất có cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, ẩn chứa nhiều tiềm năng sinh thái với hệ thống hang động kỳ vỹ, tráng lệ, như: Hang Tú Làn, hang Chuột… Nhưng hãy thử hình dung chuyến du lịch thám hiểm hang động của du khách sẽ ra sao nếu thiếu vắng hơi thở đời sống bản địa. Tất cả mọi thứ dù lung linh huyền ảo, dù hoành tráng tuyệt vời đến mấy nếu không có hồn cốt văn hóa sẽ trở nên đơn điệu và nhàm chán, bởi văn hóa mãi là yếu tố sống còn tạo ra sức hấp dẫn cho du lịch. May mắn thay nơi đây đang có những người Nguồn hiền lành chất phác, chăm chỉ và rất giàu bản sắc.
Nếu hệ thống các hang động huyền ảo như cõi tiên giữa trần ai là đích đến của du khách thì người Nguồn và văn hóa Nguồn luôn thu hút níu giữ bước chân lữ thứ. Dù chưa phải là dân tộc nhưng người Nguồn có “nền” văn hóa vô cùng hấp dẫn, từ hình thức lao động sản xuất, cách ăn-mặc-ở đến tín ngưỡng, phong tục, lễ hội. Nổi bật: Trong lao động sản xuất có nghề thuốc cá tập thể, trong tín ngưỡng có thờ Pụt, trong ẩm thực có món bồi, trong phong tục hiếu hỷ có tục giỗ sống cha mẹ.
Đặc biệt, người Nguồn có kho tàng văn học nghệ thuật dân gian rất giàu bản sắc, gồm: Truyện cổ, ca dao-tục ngữ-thành ngữ và dân ca. Những làn điệu dân ca cổ, như: Hát sắc bùa, hát nhà trò, hò thuốc cá, hò kéo đò, hò đối đáp giao duyên cho đến ngày nay vẫn còn được lưu truyền và lan tỏa khá rộng rãi bởi tính độc đáo, khác biệt của nó.
Sẽ thật may mắn nếu một ngày đến đây, khi thả lỏng lang thang trên những nẻo nhỏ trong làng, du khách được nghe tiếng hát ru vẳng ra từ ngôi nhà cũ: “Ơ…Ơ…ha…Con bướm/chừ/nó đậu côi rừng/Lấy nhau không được xin đừng tăm tiếng tăm…”. Tiếng ru trầm trầm, buồn buồn mà xuyên tim khủng khiếp. Không hoàn toàn vì nội dung câu hát mà bởi tiếng ru được cất lên bởi giọng, điệu đậm chất Nguồn, lại vắt vào không gian mênh mênh mang mang buổi chiều tà, khi nắng đang treo óng vàng trên chóp núi mà hoàng hôn thì đã rình rập buông màn tím mờ xuống thung lũng.
Ngoài tham gia tour thám hiểm hang động, du khách sẽ thú vị khi trải nghiệm đời sống của người dân bản địa, ăn bữa cơm dân dã, tham gia lao động sản xuất và hòa vào thiên nhiên. Sáng, lên xe địa hình rất ngầu khám phá rừng lim cổ thụ để biết rằng thiên nhiên đã đãi đằng chúng ta thật nhiều. Chiều, đạp xe trên thảo nguyên nghe phơi phới gió thổi qua tai hay chèo thuyền trên sông Rào Nan để cảm nhận được êm đềm lắng trong của không gian miền sơn cước.
Tối, lặng yên lắng nghe điệu hát “Hôi lên là hôi lên” rộn ràng, mời gọi: “Trời mưa chừ nước chảy hồi quanh hồi/ Hôi lên là hôi lên/ Anh không chừ lấy vợ ai đâm pồi ăn anh ăn/Hôi lên là hôi lên” rồi nhẹ nhàng chìm dần vào giấc ngủ an lành. Bản sắc Nguồn đã đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm trải nghiệm sự mới lạ của du khách ở nơi có sự khác biệt về văn hóa.
Thực tế quá trình phát triển du lịch ở Quảng Bình nói chung và Tân Hóa nói riêng, văn hóa-du lịch có sự cộng sinh mật thiết và tạo hiệu ứng khá tích cực. Văn hóa cũng chính là sản phẩm du lịch, là nền tảng cho du lịch phát triển bền vững. Ngược lại, du lịch là con đường đưa văn hóa đi muôn nơi, là cơ hội để tái đầu tư và bảo tồn văn hóa. Ở một không gian độc đáo như Tân Hóa với hang động và đời sống văn hóa đặc trưng của người Nguồn thì thực sự du lịch ở đây đã đạt đến đẳng cấp “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”.
Văn hóa Nguồn hết sức đa dạng và riêng biệt, từ nền nếp sinh hoạt đến ăn, mặc, ở. Không tồn tại sự căng cứng của đời sống hiện đại, người Nguồn ở đây vẫn giữ nguyên phong thái thủng thẳng, an nhiên làm công việc của mình. Ai ra đi từ làng đến xứ Nguồn sẽ được trở về làng, sẽ sống trong những nếp nhà gỗ đơn sơ, tối giản mà chứa chan ký ức. Đa số nhân dân sống trong những ngôi nhà cột gỗ hiền lành thân thiện. Đông ấm. Hè mát. Con người-ngôi nhà và không gian có sự tương thích đến kỳ lạ, làm cho khung cảnh trở nên trữ tình vô đối, hài hòa mà giàu chất bản địa.
Chiều… cứ phải là chiều, bởi đó là khoảng thời gian nhạy cảm nhất trong ngày, sau khi rong ruổi hít thở khắp thảo nguyên, trở về tuổi thơ với mấy trò chơi dân gian xưa xắc mà đầy thương nhớ, sẽ vòng vèo trên con đường quanh quanh co co mềm mại, chợt ngỡ ngàng mùi thơm cũ thoảng ra từ căn bếp nhỏ. Mùi cơm. Mùi cá kho. Thuần khiết và đậm đà. Và những món riêng của người Nguồn: Pồi ngô, ốc đực. Ngô trồng ngoài bãi sông, chả có gì ngoài nắng gió để trổ cờ kết trái.
Pồi là món truyền thống, chế biến cũng cần truyền thống. Giã nhỏ. Dần mịn. Nhồi kỹ. Đánh tơi. Và hôông trên bếp củi. Mùi ngô nếp quyện cùng mùi khói sẽ thật là kích động. Hai cánh mũi phồng lên. Và tiếng bụng sôi… Cảm giác thèm được ăn thứ gì đó đã tắt từ lâu lắm bất ngờ trở lại. Bằng đôi tay lặng lẽ của người đàn bà, nói không với máy móc ồn ào xay xát, vậy pồi mới dẻo mịn, thơm bùi và vàng óng. Và ốc đực! Ốc cào trong khe núi, ngâm sạch rồi hấp chín.
Ốc đực chấm cheo-một loại muối sống giã nhuyễn cùng hạt rừng, đơn giản vậy để vẫn nguyên vị ngọt của nước suối đầu nguồn. Pồi ngô và ốc đực vừa đủ để cho các giác quan ta tỉnh táo, thân tâm ta lành mạnh. Đó là cặp đôi hoàn hảo bắt cả mũi lẫn miệng, đến đây rồi thì chưa ăn chưa về, ăn rồi thì sẽ chẳng thể nào quên. “Trông cho mau đến mùa pồi/Nhớ con ốc đực đang ngồi trên mâm”.
Trong những năm gần đây, du khách tham quan thám hiểm hang động Tú Làn thường lưu trú lại Tân Hóa chẳng phải do văn hóa Nguồn, bản sắc Nguồn sao?! Điều đó chứng tỏ văn hóa luôn có sức hút mãnh liệt đối với du khách, cũng là không gian quan trọng để bảo tồn bản sắc độc đáo trong sự giao lưu văn hóa đa dạng giữa du khách với người dân bản địa.
Nhiều năm trở lại đây, du khách đến tham quan và lưu trú tại Quảng Bình càng ngày càng nhiều hơn. Trong thành công đó chắc chắn có một nguyên nhân chủ quan hết sức quan trọng là các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương đã khai thác hiệu quả những giá trị đặc sắc của văn hóa bản địa. Cộng hưởng giữa văn hóa và du lịch đã tạo ra sự lan tỏa văn hóa mạnh mẽ và sức hút mãnh liệt về du lịch. Tân Hóa với văn hóa Nguồn, bản sắc Nguồn là một dẫn chứng đầy sức thuyết phục.
Theo Trương Thu Hiền – Báo Quảng Bình