Hội thi cá trắm sông Son được tổ chức thường niên vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 trên địa bàn huyện Bố Trạch là hoạt động nhằm quảng bá thương hiệu cá trắm trên sông Son, tôn vinh những người nông dân nuôi cá giỏi; đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần của người dân địa phương.
Hội thi độc đáo
Đến thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, ngoài hoạt động du lịch, du khách sẽ có cơ hội tham gia trải nghiệm các lễ hội văn hóa, truyền thống của huyện Bố Trạch được tổ chức tại đây. Đặc biệt, hội thi cá trắm sông Son là hoạt động thú vị, thu hút đông đảo người xem.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bố Trạch cho biết: “Năm 2016, thị trấn Phong Nha phối hợp với Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng (thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng) lên kế hoạch tổ chức hội thi cá trắm sông Son. Từ đó, hội thi được tổ chức hàng năm vào dịp nghỉ lễ 30/4,1/5, góp phần quảng bá thương hiệu cá trắm và tạo thêm sân chơi, làm đa dạng, phong phú các hoạt động văn hóa, du lịch trên miền đất di sản”.
Tại hội thi cá trắm sông Son, các tổ dân phố của thị trấn Phong Nha sẽ được tham gia những phần thi, như: Bắt cá nhanh; cá to, cá đẹp; chế biến các món ăn ngon từ cá trắm. Ngoài ra, có năm, hội thi còn tổ chức các trò chơi: Kéo co, ném rìu vào lửa, vớt rong…
Trong các phần thi, phần thi cá to, cá đẹp là nội dung hấp dẫn, hồi hộp nhất. Trước đó, để chuẩn bị cho phần thi này, người dân các tổ dân phố đã tập trung bàn bạc và tìm ra con cá trắm to, khỏe, đẹp nhất để dự thi.
Ông Nguyễn Viết Tâm, tổ trưởng tổ dân phố Na, thị trấn Phong Nha cho hay: “Hội thi cá trắm sông Son đã được thị trấn Phong Nha tổ chức 6 lần. Trong cả 6 lần đó, tổ dân phố chúng tôi đều tham gia. Vui nhất là phần thi cá to, cá đẹp. Những con cá to, đẹp nhất đã được các tổ dân phố trên địa bàn thị trấn mang đến, đặt trong các tủ kính cho bơi lội để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Sau đó, những con cá này lần lượt được mang ra cân. Mỗi lần cá đặt lên cân, mọi người lại hồi hộp, trầm trồ và vui mừng khi cá có trọng lượng lớn”.
Được biết, từ trước đến nay, con cá đạt kỷ lục tại phần thi cá to, đẹp có cân nặng lên đến 13kg. Tuy nhiên, theo người dân nơi đây thì trọng lượng đó vẫn chưa phải là lớn nhất của cá trắm sông Son, nhưng vì cá thu hoạch không đúng dịp hội thi nên không tham gia được.
Bên cạnh nội dung thi cá to, cá đẹp, phần thi chế biến các món ăn ngon từ cá trắm cũng đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, chu đáo của các đội thi. Những món ăn ngon, hấp dẫn được bày trí đẹp mắt đã khiến người xem không khỏi bất ngờ, hào hứng. Các tổ dân phố sẽ trổ tài với khoảng 5-7 món ăn được chế biến từ cá trắm, như: Cá kho, chả cá, cá hấp, cá chiên, cá nướng…
Từng tham gia tư vấn đánh giá các món ăn tại phần thi chế biến món ăn ngon từ cá trắm năm 2022, “vua đầu bếp” Phạm Tuấn Hải đã chia sẻ: “Tôi hết sức bất ngờ khi nhìn thấy những món ăn mà bà con ở đây làm được từ loài cá trắm sông Son. Trước giờ, tôi nghĩ với loài cá này, bà con chỉ có thể hấp, kho… đơn giản. Nhưng qua cuộc thi này, từ những món như chả cá đuôi phượng, cá sốt chanh dây…, tôi rất bất ngờ và ấn tượng trước tài nấu ăn của bà con Quảng Bình”. Vị đầu bếp này cũng mời gọi du khách hãy đến thị trấn Phong Nha để có trải nghiệm giống như ông về cá trắm vùng di sản.
Nâng tầm thương hiệu cá trắm sông Son
Hội thi cá trắm sông Son đến nay đã trải qua 7 lần tổ chức, trong đó thị trấn Phong Nha tổ chức 6 lần và từ năm 2023 hội thi do UBND huyện tổ chức. Hội thi là hoạt động được tổ chức thường niên vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5tại thị trấn Phong Nha, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia. |
Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết, trên địa bàn huyện Bố Trạch hiện có hơn 1.000 lồng nuôi cá trắm, trong đó, nuôi cá trắm trên sông Son là 829 lồng (thị trấn Phong Nha 568 lồng, xã Hưng Trạch 221 lồng và xã Liên Trạch 40 lồng).
Với lợi thế nguồn nước sông Son trong lành, người dân đã tận dụng để nuôi cá trắm trong lồng. Cá nuôi trong lồng không khác gì cá ngoài tự nhiên, thức ăn chủ yếu là sinh vật phù du và rong rêu. Vì vậy, thịt cá săn chắc, béo và không có mùi tanh khó chịu như cá được nuôi bằng thức ăn công nghiệp.
Mô hình cá trắm nuôi lồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho hàng trăm lao động sống dọc sông Son. Ông Nguyễn Viết Tâm, tổ trưởng tổ dân phố Na chia sẻ: “Mỗi lồng cá thường được các hộ dân nuôi từ 150-200 con. Trước đây, khoảng 3 năm, cá đã xuất bán, nhưng những năm gần đây, do ảnh hưởng của môi trường nước, đặc biệt là việc một số người dùng xung điện bắt cá trên sông, khiến cho cá trắm chậm lớn, phải gần 5 năm mới xuất bán được. Cá chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng du lịch, cửa hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, với giá bán dao động từ 100-110.000 đồng/kg”.
Cá trắm sông Son đã trở thành một thương hiệu ẩm thực của vùng đất di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, làm phong phú, đa dạng thêm các món ăn phục vụ khách du lịch. Đồng thời, sức hút du khách cũng gia tăng khi những lồng cá trắm sông Son tạo nên một vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên để du khách thưởng ngoạn, khám phá. Hội thi cá trắm sông Son chính là hoạt động nhằm giới thiệu, nâng tầm thương hiệu cá trắm, khuyến khích, tạo thêm động lực cho người dân nuôi cá.
Với những ý nghĩa đặc biệt đó, hội thi cá trắm sông Son năm 2023 đã được UBND huyện Bố Trạch quyết định mở rộng quy mô, nâng tầm tổ chức. Cụ thể, hội thi năm nay do UBND huyện tổ chức, với sự tham gia của 3 xã có nuôi cá trắm lồng trên sông Son, gồm: Thị trấn Phong Nha, xã Hưng Trạch và xã Liên Trạch.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng cho biết: “Hội thi cá trắm sông Son là hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm cá trắm đến với khách du lịch, từng bước xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường đối với sản phẩm cá trắm sông Son. Thông qua các hoạt động của hội thi còn thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, tạo không khí vui tươi sôi nổi và trở thành điểm nhấn quảng bá về du lịch tại khu vực Phong Nha nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung”.
Theo Lê Mai – Báo Quảng Bình
Không có bình luận