Năm 2024 được kỳ vọng là năm bùng nổ của du lịch Quảng Bình khi lượng khách những tháng đầu năm tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Để đạt và vượt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm 2024, ngành Du lịch đang nỗ lực để làm mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn nhất cho du khách.
Tín hiệu vui
Những ngày này, dù mùa du lịch cao điểm chưa thực sự bắt đầu nhưng tại nhiều địa điểm của du lịch Quảng Bình đã rộn ràng bước chân du khách. Tại trung tâm thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), sự có mặt của rất đông du khách quốc tế ở các cơ sở lưu trú hay địa điểm kinh doanh dịch vụ đã xóa dần những đánh giá vốn mặc định sẵn về tính thời vụ của du lịch Quảng Bình.
Số liệu từ Sở Du lịch cho thấy, 3 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế dự ước đạt 44.400 lượt, tăng 113,42% so với cùng kỳ. Những con số này đã khẳng định sức hút của du lịch Quảng Bình và những nỗ lực để từng bước phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19. Năm 2024, Quảng Bình đặt mục tiêu đón 200.000 lượt khách quốc tế. Du lịch Quảng Bình hoàn toàn có thể đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra khi có hàng loạt thay đổi về chính sách thị thực.
Đây được coi là dư địa để du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng tạo ra những đột phá trong năm 2024. Với chính sách thị thực mới, du khách quốc tế sẽ thuận lợi hơn khi đặt chân đến Việt Nam, đồng thời tăng thời gian lưu trú, chi tiêu nhiều hơn, có nhiều trải nghiệm tốt hơn.
Ngay từ những ngày đầu năm 2024, Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB) liên tục được xướng tên trong các bảng xếp hạng do các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế bầu chọn. Đầu tháng 3, hang Sơn Đoòng xếp thứ 6 trong 10 hang động do tạp chí chuyên về du lịch nổi tiếng Time Out của Anh bình chọn đẹp nhất thế giới. Nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Booking.com cũng vừa công bố bảng xếp hạng 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam trong khuôn khổ giải thưởng Traveller Review Awards lần thứ 12. Trong đó, Phong Nha của Quảng Bình là điểm đến xếp thứ 2 trong danh sách.
Những bình chọn này tiếp tục khẳng định sức hút của du lịch Quảng Bình và cũng là cơ hội quý để quảng bá du lịch địa phương ra với thế giới. Hiệu ứng từ các chương trình quảng bá, xúc tiến đã tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch Quảng Bình khi chỉ 3 tháng đầu năm, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình dự ước đạt hơn 961.400 lượt, tăng 48,18% so với cùng kỳ. Doanh thu từ khách du lịch ước đạt gần 1.106 tỷ đồng, tăng 50,81% so với cùng kỳ.
Nhiều hấp dẫn đang đón đợi
Làm mới các sản phẩm cũ nhằm tăng sức hấp dẫn đối với du khách chính là cách thức mà nhiều doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực hoàn thiện để khởi động mùa du lịch năm 2024. Chị Đoàn Thị Yên, Giám đốc Khu du lịch sinh thái Ozo Park (Bố Trạch) cho biết, năm nay, Ozo Park có sự chuẩn bị từ sớm trong khâu làm mới cảnh quan, các điểm check-in, đặc biệt chú trọng khu nhà hàng rừng xanh và khu trò chơi trên cây, dưới suối bảo đảm khả năng phục vụ lên tới hơn 1.000 lượt khách mỗi ngày.
“Chúng tôi cũng ra mắt homestay Sung Túc đủ tiện nghi cho các gia đình và nhóm bạn lưu trú qua đêm. Ozo Park cũng tập trung khai thác tour trải nghiệm lội suối băng rừng trong ngày. Chúng tôi còn dành riêng hai khu vực trò chơi cho trẻ em, giúp du khách dễ dàng hoạt động giữa núi rừng, khơi dậy tình yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường từ nhỏ. Những điểm mới mẻ này chắc chắn không chỉ thu hút các bạn nhỏ mà còn mang tới trải nghiệm vui vẻ cho cả gia đình”, chị Yên chia sẻ.
Khởi động mùa du lịch biển năm nay, nhiều địa điểm du lịch tại các bãi biển Nhật Lệ, Bảo Ninh… cũng đang dần hoàn thiện, làm mới không gian để du khách có thêm nhiều trải nghiệm. Đưa vào hoạt động từ đầu mùa hè năm 2022, mô hình du lịch Blue Sea QB với việc tận dụng hoàn toàn không gian của bãi cát trên bờ biển Nhật Lệ đã tạo được ấn tượng cho du khách.
Để sẵn sàng cho mùa du lịch biển 2024, theo chị Ngô Thanh Hiền, đại diện Blue Sea cho biết, cơ sở này đã được đầu tư thêm nhiều dịch vụ, “khoác áo mới” cho không gian check-in. Du khách đến đây vừa trải nghiệm đồ uống, nghe nhạc, vừa thỏa sức ngắm không gian biển Nhật Lệ. Blue Sea được kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm nhấn ấn tượng, thu hút du khách trên không gian biển Nhật Lệ trong mùa du lịch hè 2024 này.
Nhiều điểm dịch vụ du lịch dọc bờ biển Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh đang rục rịch để chuẩn bị cơ sở vật chất, dịch vụ, chuẩn bị cho ngày “căng buồm” đón một mùa du lịch sôi động. Các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch sắp diễn ra sẽ là cơ hội tốt để du lịch biển Quảng Bình tiếp tục tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, năm 2024, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành, đơn vị kêu gọi, khuyến khích phát triển các dịch vụ thể thao trên biển, như: Lướt ván, mô tô nước, dù bay, đua thuyền buồm; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu nghỉ dưỡng, giải trí thể thao tại điểm du lịch bãi biển. Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp phát triển thêm các nhóm sản phẩm du lịch mới, như: Du lịch lễ hội, du lịch MICE, các sản phẩm du lịch đường sông trên các tuyến thủy nội địa Nhật Lệ-Long Đại, sông Gianh, sông Son, sông Chày; các dịch vụ giải trí ban đêm…
Những bước đi dài
Đầu năm 2024, UBND tỉnh đã có Quyết định số 153/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn Quốc gia (VQG) PN-KB, giai đoạn 2021-2030. Theo ông Hoàng Hải Vân, Phó Giám đốc VQG PN-KB, việc thực hiện đề án này sẽ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, hệ thống hang động, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc khu vực VQG.
Trong năm 2024, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai nội dung về phát triển du lịch Quảng Bình trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời tạo điều kiện để thu hút đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh, như: Điểm dừng chân du lịch, các khu vui chơi giải trí, chợ đêm, công viên, khu dịch vụ, nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống bãi đỗ xe du lịch tại TP. Đồng Hới…
“Đây cũng là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương; xây dựng các tuyến, các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí làm cơ sở để thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tại VQG PN-KB”, ông Vân chia sẻ.
Theo đề án, giai đoạn năm 2024-2025, mục tiêu đặt ra là lượng khách du lịch đến tham quan VQG PN-KB tăng bình quân tối thiểu 12,5%. Đến năm 2025, số lượng khách du lịch đạt 1,5 triệu lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 500 tỷ đồng. Giai đoạn đến năm 2030, VQG PN-KB có 9 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí ưu tiên phát triển với quy mô khoảng 342ha, trong đó, chú trọng các sản phẩm du lịch cao cấp. Đồng thời tập trung khai thác có hiệu quả các sản phẩm khám phá trải nghiệm hiện có, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch động Thiên Đường, động Phong Nha, động Tiên Sơn, suối Nước Moọc, Vườn thực vật, sông Chày-hang Tối, Ozo Park…
Tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có, du lịch Quảng Bình nói chung và PN-KB nói riêng đang từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn. Và rõ ràng, một khi các điểm du lịch được quan tâm đầu tư, du khách khi đến với Quảng Bình sẽ có thêm nhiều trải nghiệm tốt hơn, tăng thời gian lưu trú và khả năng chi trả.
Không có bình luận