Tối 18/2, UBND huyện Lệ Thủy phối hợp với Ban Trụ trì chùa Hoằng Phúc tổ chức lễ khai hội Di tích lịch sử quốc gia chùa Hoằng Phúc lần thứ VII năm 2025.

Quang cảnh lễ hội.
Quang cảnh lễ hội.
Đến dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Lương Bình, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Lê Văn Bảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Xuân Tân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng đông đảo chư tôn đức tăng ni, phật tử và người dân trên địa bàn.

Các đại biểu tham dự lễ hội.
Các đại biểu tham dự lễ hội.

Chùa Hoằng Phúc tọa lạc ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy). Chùa có lịch sử hơn 710 năm và là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung. Năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phúc đức cho dân. Lúc đó, chùa Hoằng Phúc là am Tri Kiến. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên chùa là Kính Thiên tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan. Trải qua thời gian, chùa đã bị hư hại, đến năm 2014 chùa Hoằng Phúc được phục dựng, tôn tạo; công trình hoàn thành và khánh hạ vào năm 2016. Nhân dịp này, chùa Hoằng Phúc được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Các Chư tôn đức tăng ni tham gia lễ hội.
Chư tôn đức tăng ni tham gia lễ hội.

Lễ hội chùa Hoằng Phúc năm 2025 diễn ra với nhiều hoạt động, như: Lễ cầu mưa thuận gió hòa tại đền Trôốc Vực; lễ thả cá đầu xuân; lễ khai ấn; lễ cầu Quốc thái dân an; thuyết pháp, quy y tam bảo; lễ phát lộc và thả đăng cầu nguyện cùng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, hấp dẫn…

Đại diện lãnh đạo huyện Lệ Thủy phát biểu tại lễ hội.
Đại diện lãnh đạo huyện Lệ Thủy phát biểu tại lễ khai hội.

Phát biểu tại lễ khai hội, lãnh đạo UBND huyện Lệ Thủy nhấn mạnh, lễ hội Di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc được tổ chức hàng năm đã thu hút đông đảo du khách, phật tử khắp mọi miền về tham gia.

Đông đảo nhân dân, phật tử tham dự lễ hội.
Đông đảo nhân dân, phật tử tham dự lễ hội.

Thông qua lễ hội nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc; gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp linh thiêng về mảnh đất và con người Lệ Thủy; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, cùng nhau xây dựng quê hương Lệ Thủy ngày càng giàu đẹp, văn minh…

Đại diện lãnh đạo huyện Lệ Thủy đánh trống khai hội.
Đại diện lãnh đạo huyện Lệ Thủy đánh trống khai hội.

 Nguồn: Ngọc Hải – baoquangbinh.vn

Để lại bình luận