Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) của tỉnh Quảng Bình là một trong những mẫu hình riêng biệt, đẹp nhất ở Việt Nam và thế giới.Giám đốc BQL VQG PN-KB Phạm Hồng Thái: ‘Giá trị cốt lõi của VQG PN-KB không chỉ ở quy mô Quảng Bình, Việt Nam mà mang tầm toàn cầu. Hiện hữu trên vùng núi đá vôi rộng lớn này là các quần thể động, thực vật đa dạng, quý hiếm và hàng trăm hang động đã được khám phá, những đặc điểm địa chất, địa mạo, khí hậu và sinh thái nơi đây đã tạo ra các cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà tiêu biểu là hệ thống hang động kỳ bí, hùng vĩ. Bởi thế, cần tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư khai thác, phát huy các giá trị, tiềm năng du lịch; phấn đấu trong mỗi nhiệm kỳ đưa 3-5 tuyến điểm, sản phẩm du lịch vào khai thác, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch…’
Sự có mặt của VQG PN-KB trong bản đồ di sản đã mở ra một hướng phát triển mới, đó là, vừa bảo vệ, bảo tồn vừa phát huy giá trị tài nguyên để phát triển du lịch nhằm đưa PN-KB trở thành thương hiệu của Quảng Bình, Việt Nam và vươn tầm thế giới…
Giám đốc Ban Quản lý (BQL) VQG PN-KB Phạm Hồng Thái chia sẻ, PN-KB được mệnh danh là “Vương quốc hang động”. Với gần 400 hang động lớn nhỏ đã được đo, vẽ với tổng chiều dài hơn 240km, Quảng Bình đã và đang hướng đến xây dựng thương hiệu về du lịch mạo hiểm vươn tầm quốc tế. Các tour khám phá hang động Phong Nha, Tú Làn, hang Tiên, hang Én, hang Va, hố sụt Kong, hang Pygmy và đặc biệt nhất là tuyến du lịch khám phá Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực, đóng góp hết sức to lớn trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, Quảng Bình và PN-KB trên khắp thế giới…
Cũng theo Giám đốc BQL VQG PN-KB, để bảo đảm vừa phát huy giá trị tài nguyên để phát triển du lịch, vừa bảo tồn di sản bền vững, BQL Vườn luôn chú trọng việc theo dõi, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng của các hoạt động du lịch lên các hang động để có hướng bảo tồn phù hợp; tích cực hợp tác với các đơn vị nghiên cứu về địa chất, các yếu tố môi trường hang động nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát triển du lịch; nghiên cứu, điều tra về hang động, đa dạng sinh học, điều tra xã hội học, thu thập số liệu ô định vị sinh thái rừng quốc gia và hợp tác điều tra, khám phá hang động…
Với quan điểm xác định, du lịch PN-KB là bộ mặt, trái tim của du lịch Quảng Bình, BQL VQG PN-KB đã có nhiều biện pháp nhằm đưa du lịch mang diện mạo mới và từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp với nhiều loại hình du lịch hướng đến sử dụng tài nguyên bền vững và các giá trị được chia sẻ.
“BQL VQG PN-KB đã từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ cả 3 hình thức tổ chức khai thác du lịch bao gồm tự thực hiện, liên doanh liên kết và cho thuê dịch vụ môi trường rừng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cũng như từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; chủ động phối hợp xúc tiến, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới tại VQG PN-KB…”, Giám đốc BQL VQG PN-KB cho biết thêm.
Giám đốc Trung tâm Du lịch PN-KB Hoàng Minh Thắng cho hay, từ chỗ chỉ có một điểm tham quan động Phong Nha-Tiên Sơn, đến nay, PN-KB đã có 15 tuyến, điểm du lịch đi vào hoạt động với nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng: Khám phá thiên nhiên, khám phá hang động, camping, trekking, zipline…
Đặc biệt, tuyến du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới” được đánh giá là tour du lịch mang đẳng cấp quốc tế, được báo chí nước ngoài bình chọn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của thế giới. Giai đoạn 2003-2023, tổng lượng khách du lịch đến tham quan tại VQG PN-KB đạt trên 9,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,1 triệu lượt; doanh thu từ phí và lệ phí đạt trên 1.742 tỷ đồng…
“Đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh VQG PN-KB, các sản phẩm du lịch, dịch vụ bằng nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện truyền thông, trên các kênh truyền hình trong nước và quốc tế, báo điện tử, báo giấy, internet, mạng xã hội; xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch hàng năm để triển khai thực hiện; xây dựng lại phương án đón tiếp và phục vụ nhằm bảo đảm sự hài lòng tối ưu đối với du khách để tạo hiệu ứng quảng bá du lịch hướng mạnh ra thị trường quốc tế…”, Giám đốc Trung tâm Du lịch PN-KB chia sẻ.
Du lịch ở VQG PN-KB không chỉ đóng góp phát triển kinh tế cho tỉnh mà còn là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản, giảm áp lực lên tài nguyên thông qua tạo việc làm cho người dân; tạo ra xu hướng dịch chuyển lao động trước đây từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang phát triển du lịch, dịch vụ…, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng đệm, làm giảm đáng kể áp lực lên tài nguyên VQG, tạo điều kiện thuận lợi để làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn di sản.
Hiện, có hơn 3.000 người dân vùng đệm tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch, dịch vụ, như: Ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, sản xuất hàng lưu niệm; tham gia vào các tổ bảo vệ rừng, nhóm bảo tồn thôn bản, hướng dẫn viên du lịch, porter, đội thuyền phục vụ khách du lịch, nhân viên chụp ảnh… Có thời điểm, tại khu vực thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) và vùng lân cận có đến 114 cơ sở lưu trú với hơn 1.000 phòng.
Hai lần được vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới đã khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của VQG PN-KB; đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến với VQG PN-KB.
Giám đốc BQL VQG PN-KB Phạm Hồng Thái cho biết, để thương hiệu du lịch PN-KB ngày càng vươn tầm thế giới, BQL vườn đã xác định, thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh công tác phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý để phát triển các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch phù hợp, nhất là loại hình du lịch sinh thái theo hướng bền vững; chú trọng chất lượng và sự độc đáo, phát triển tuyến điểm mới theo lộ trình và trên cơ sở ngưỡng, sức chứa môi trường rừng.
Đồng thời, kêu gọi, khuyến khích các dự án đầu tư dịch vụ du lịch ở khu vực vùng đệm, tạo điều kiện để cộng đồng địa phương được tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch nhằm giảm áp lực lên tài nguyên di sản; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp; áp dụng công nghệ 4.0 và đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho ngành Du lịch…
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá để lan tỏa hình ảnh VQG PN-KB-Di sản thiên nhiên thế giới ra cộng đồng trong và ngoài nước sâu rộng hơn; chủ động kết nối, thực hiện liên kết vùng, nhất là các địa phương có di sản để thực hiện tốt hơn công tác quảng bá hình ảnh du lịch; thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội, của các tập đoàn lớn để đầu tư các dự án, phát triển các sản phẩm du lịch mới có chất lượng cao mang tầm khu vực và quốc tế; phấn đấu đưa du lịch PN-KB trở thành khu du lịch quốc gia, trở thành kinh đô du lịch mạo hiểm của châu Á…
Theo TTTĐT Báo Mới
Không có bình luận