Phần thứ hai:
MỤC TIÊU PHÍA TRƯỚC VÀ KHÁT VỌNG VƯƠN LÊN
1. Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 377/QĐ-TTg, ngày 12/4/2023 đã xác định rõ về 4 trụ cột phát triển kinh tế (KT), 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị và 3 hành lang KT. Đó chính là công thức, là cơ sở quan trọng tạo bước đột phá cho KT Quảng Bình.
Cụ thể, 4 trụ cột trong phát triển KT là: Du lịch, công nghiệp (CN), nông nghiệp (NN) công nghệ cao và KT biển. 2 trung tâm động lực tăng trưởng cho Quảng Bình là Khu du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng (PN-KB), với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và Khu KT Hòn La, với mục tiêu trở thành khu KT động lực góp phần cho tăng trưởng KT.
3 trung tâm đô thị là trung tâm đô thị TP. Đồng Hới và vùng phụ cận, lấy Đồng Hới làm hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối, gồm: Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười; trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là TX. Ba Đồn gắn với trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, các khu KT Hòn La, Tiến Hóa; trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh, gồm: Lệ Ninh và Áng Sơn. 3 hành lang KT bao gồm: Hành lang KT đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1, đường ven biển; hành lang KT Đông-Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo-TX. Ba Đồn-cảng biển Hòn La; hành lang KT trung du và miền núi, gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Ngành Điện đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm cung ứng điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của khách hàng.
Ngành Điện đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm cung ứng điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của khách hàng. Ảnh: M.V
1.1. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030
Bảo đảm tăng trưởng KT nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng Quảng Bình trở thành nền KT năng động ở khu vực miền Trung, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật; CN sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; NN công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững. Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (XH) đồng bộ, hiện đại.
Đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, siết chặt kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn XH. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến năm 2030, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra các đột phá phát triển như sau:
Thứ nhất, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó ưu tiên những lĩnh vực, dự án quan trọng tạo sự đột phá và có sức lan tỏa lớn: Hệ thống giao thông bảo đảm kết nối thông suốt (tập trung hoàn thành đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông trước năm 2025); hạ tầng du lịch; hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong Khu CN, Khu KT; hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền KT số, XH số, chính quyền số; các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong một số lĩnh vực then chốt như du lịch, CN.
Thứ hai, đổi mới hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách bảo đảm cho huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tháo bỏ các rào cản, phục vụ phát triển KT-XH. Tăng cường vai trò kiến tạo của các cơ quan quản lý nhà nước; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực chuyển đổi số nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thu hút nhân tài.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu các ngành CN mới, du lịch giá trị cao. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trong dạy nghề, giải quyết việc làm để phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; từng bước hoàn thiện và nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập KT quốc tế.
1.2. Tầm nhìn đến năm 2050
Quảng Bình sẽ là một nền KT phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư KT Bắc-Nam, Đông-Tây (hướng ra biển). Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia PN-KB, định vị Quảng Bình là điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú; nơi nghỉ dưỡng và giải trí thể thao cao cấp gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển du lịch bền vững.
2. Phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh
2.1. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
Xây dựng nền NN theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên cơ sở phát triển NN công nghệ cao, NN thông minh, NN sạch thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,5-4%/năm (trong đó, NN tăng 3,6%, thủy sản 4,8%, lâm nghiệp 3,7%/năm).
Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông-lâm-thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết 12%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông-lâm-thủy sản được sản xuất theo các quy trình thực hành sản xuất NN tốt (GAP) hoặc tương đương đạt khoảng 10%. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm 55-60% giá trị sản xuất NN. Tổng sản lượng thủy sản đạt 122.000 tấn. Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận 25%.
2.2. Công nghiệp
Phát triển CN trở thành ngành trọng điểm mang tính động lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu KT theo hướng CN hóa, hiện đại hóa. Chú trọng các ngành CN chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, như: CN điện và năng lượng tái tạo; chế biến nông, lâm, thủy sản (tập trung các phân ngành: chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, chế biến thực phẩm và nông sản xuất khẩu); sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, xi măng chất lượng cao, vôi chất lượng cao, gạch không nung); CN dệt may và các ngành CN hỗ trợ… gắn với nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo, khai thác tốt cách mạng công nghệ lần thứ tư.
Đẩy mạnh phát triển tiểu thủ CN và ngành nghề nông thôn; khôi phục, củng cố, mở rộng các làng nghề, làng nghề truyền thống; tập trung phát triển một số các sản phẩm phục vụ du lịch, xuất khẩu có giá trị gia tăng cao. Đến năm 2030, giá trị sản xuất CN (theo giá so sánh 2010) đạt 48.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 14-14,5%/năm; chỉ số sản xuất CN (IIP) tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 13%/năm.
2.3. Du lịch
Phát triển du lịch thực sự trở thành ngành KT mũi nhọn và là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển KT-XH và chuyển dịch cơ cấu KT gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững. Định vị Quảng Bình là một trong các điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam, trung tâm du lịch mạo hiểm của khu vực châu Á gắn với những hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc, như: Du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch hang động, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch thể thao, du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp… Vườn Quốc gia PN-KB được công nhận là khu du lịch quốc gia, giữ vững các tiêu chí được UNESCO hai lần công nhận di sản thiên nhiên thế giới. Đến năm 2030, tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch đạt 10-12% GRDP của tỉnh.
2.4. Kinh tế biển
Phấn đấu đưa KT biển của tỉnh cơ bản đạt các tiêu chí về phát triển bền vững; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đến năm 2030, các ngành KT thuần biển đóng góp khoảng 15-20% GRDP của tỉnh; KT của các huyện, thị xã, thành phố ven biển ước đạt 85-90% GRDP của tỉnh. Có trên 50% diện tích vùng biển được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường. 100% khu KT, khu CN và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
                                                                  (Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
                                                                                              (Còn nữa)

Để lại bình luận