Quảng Bình có nhiều lợi thế về phát triển du lịch bền vững. |
Đa dạng hóa các sản phẩm
Bên cạnh việc sở hữu nhiều bãi tắm đẹp, Quảng Bình còn có hệ thống hang động đồ sộ với hơn 300 hang động lớn nhỏ khác nhau. Nhiều trong số đó đã được đưa vào khai thác du lịch như động Phong Nha, hang Va, động Thiên Đường, hang Sơn Đoòng, hang Tối…, góp phần không nhỏ vào việc thu hút hàng triệu lượt khách đến địa phương mỗi năm.
Những năm gần đây, đặc biệt sau thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển và đại dịch Covid-19, Quảng Bình tiếp tục phát triển thêm các loại hình du lịch mới như khám phá thiên nhiên, du lịch thám hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện)…, góp phần đưa du khách trở lại với Quảng Bình sau 2 năm đại dịch.
Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Bình, năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt 4,5 triệu lượt, cao gấp 2,14 lần so với năm 2022 và đạt 128,86% kế hoạch. Trong đó, khách nội địa gần 4,4 triệu lượt, khách quốc tế 118.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 5.096,3 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so năm 2022 và đạt 128,86% kế hoạch đề ra.
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Công ty Netin Travel, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Bình cho biết, bước vào mùa du lịch 2024, nhiều doanh nghiệp Quảng Bình cố gắng làm mới lại các sản phẩm du lịch, khảo sát các điểm đến, các khách sạn, xây dựng nhiều gói combo để phục vụ du khách.
“Netin Travel đang số hóa các bài viết thành các video để dễ dàng truyền tải thông điệp cho du khách; tăng cường làm mới các sản phẩm đang khai thác, đưa vào thử nghiệm nhiều trải nghiệm mới cho du khách. Chúng tôi cũng đã mời một số đối tác Hàn Quốc đến khảo sát các sản phẩm của Công ty, với hy vọng có thể thu hút du khách nước này đến với Quảng Bình”, ông Cương cho hay.
Theo ông Cương, Quảng Bình cần xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới như du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp, du lịch kết hợp thể thao… để du khách có thêm nhiều lựa chọn. Bên cạnh đó, tỉnh cần tạo điều kiện để quảng bá các sản phẩm sinh thái mới như Phá Hạc Hải, suối đá, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong…
Du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên là một sản phẩm mới đầy hấp dẫn của du lịch Quảng Bình |
Chiến lược dài hạn
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hoàng Xuân Tân nhận định, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn quá trình phát triển của du lịch Quảng Bình. Sau đại dịch Covid-19, để thích ứng với điều kiện mới, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc, phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Trong đó, tỉnh Quảng Bình tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp như: đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; bảo đảm môi trường du lịch thuận lợi, an ninh an toàn để thu hút khách du lịch; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp đối mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch…
“UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 593/KH-UBND ngày 5/4/2024 thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển du lịch với phương châm “Liên kết chặt chẽ – Phối hợp nhịp nhàng – Hợp tác sâu rộng – Bao trùm toàn diện – Hiệu quả bền vững”. Phấn đấu đến năm 2025, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Bình”, ông Hoàng Xuân Tân nói.
Khách du lịch trải nghiệm bữa ăn tối cùng một gia đình bản địa tại làng du lịch Tân Hóa, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. |
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, Quảng Bình đã được định vị là một trong những điểm đến hấp dẫn tại Việt Nam, là điểm sáng của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Với lợi thế cạnh tranh về tài nguyên, Quảng Bình định hướng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Theo ông Quý, để làm được điều này, Quảng Bình sẽ tập trung đầu tư, phát triển các dịch vụ bổ trợ; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe; các sản phẩm du lịch sinh thái; phát triển các sản phẩm du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa lịch sử, các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; các nhóm sản phẩm du lịch mới như du lịch lễ hội (festival tour), du lịch MICE, du lịch ban đêm, city tour…
Đồng thời, kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng thu hút được nguồn khách du lịch lớn, có tính động lực thúc đẩy du lịch phát triển trên nguyên tắc bền vững theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, như các công viên chủ đề, các phức hợp nghỉ dưỡng, các dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ giải trí đêm.
“Bên cạnh việc thực hiện các chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nghị quyết của HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh và hỗ trợ, đồng hành với các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện các sản phẩm du lịch, Sở Du lịch Quảng Bình đang phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch mới, du lịch cộng đồng”, ông Quý thông tin.
Hiện nay, Sở Du lịch Quảng Bình đã làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để hợp tác, liên kết quảng bá du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch qua đường sắt nhằm thu hút thêm lượng khách đến Quảng Bình bằng tàu hỏa. Sở Du lịch đã thống nhất với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nâng cao số lượng tàu đến Quảng Bình trong dịp 30/4, 1/5 và dịp hè, trong đó dịp 30/4 chạy mã tàu QB1/2, dịp hè có thể huy động thêm các mã tàu QB3/4 và QB5/6. Đây cũng là giải pháp quan trọng thay thế các chuyến bay bị cắt giảm…