Sự tráng lệ và thiên nhiên hùng vĩ, một lần nữa giúp Sơn Đoòng lọt vào top 20 điểm đến phá vỡ những kỷ lục của thế giới tự nhiên do báo Insider của Mỹ bình chọn.

Tiêu chí của cuộc bình chọn này dựa vào câu triết lý ngầm “khám phá sâu” (traveling deeper) của dân du lịch. Theo đó các địa điểm được bình chọn phải là một nơi mà họ có thể tận hưởng một cách sâu sắc nhất vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên.

Hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Ảnh: Oxalis Adventure.
Hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Ảnh: Oxalis Adventure.

Được phát hiện vào năm 2009 và được coi là hang động lớn và hùng vĩ nhất thế giới. Hang Sơn Đoòng nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Quảng Bình. Sự hùng vĩ của nó đáng ngạc nhiên đến độ có chiều cao đủ để chứa một tòa cao ốc chọc trời 40 tầng, có kích thước lớn tới mức một chiếc Boeing 747 có thể dễ dàng bay qua. Hang còn cả rừng rậm, sông ngầm, sương mù giăng lối và quan trọng nhất là cảnh quan nơi đây chưa bị con người tác động tới. Nhờ vậy mà hang Sơn Đoòng luôn được ví như một thế giới quan nhỏ tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Rạn san hô Great Barrier được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Ảnh: greatlakesledger.com.
Rạn san hô Great Barrier được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Ảnh: greatlakesledger.com.

Rạn san hô Great Barrier hay còn gọi là rạn san hô Đại bảo Tiều được mệnh danh là rạn san hô lớn nhất thế giới. Rạn có khoảng 3.000 tảng đá ngầm riêng biệt cùng 900 hòn đảo trải dài gần 2600km nhấn chìm giữa vùng biển khơi 350 ngàn km2 ở phía đông bắc Australia. Hệ sinh thái nơi đây cũng cực kỳ đa dạng và phong phú với nhiều loài sinh vật nằm trong sách đỏ đang gặp nguy hiểm. Với sự khổng lồ của mình, vào năm 1981, Great Barrier được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và được trang báo uy tín CNN coi là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên của thế giới và trở thành biểu tượng chính của bang Queensland.

Hồ Frying Pan (hồ chảo chiên) nằm ở thung lũng núi lửa Waimangu ở Rotorua, New Zealand. Ảnh: Trover.
Hồ Frying Pan (hồ chảo chiên) nằm ở thung lũng núi lửa Waimangu ở Rotorua, New Zealand. Ảnh: Trover.

Hồ Frying Pan (hồ chảo chiên) nằm ở thung lũng núi lửa Waimangu ở Rotorua, New Zealand và là một trong những hồ nước nóng lớn nhất thế giới. Ở phía tây của hồ là những bậc thềm đầy sắc màu còn phía đông là một miệng núi lửa lớn. Nước trong hồ có tính axit cao, luôn giữ ở mức nhiệt khoảng 50 độ C – 60 độ C quanh năm. Bề mặt hồ luôn sôi sục và bị che khuất bởi lớp hơi nước, khí hydro sunfua, carbon dioxide, sủi bọt trên bề mặt. Dù nhiệt độ cao như vậy nhưng hiện tại nơi đây vẫn là “mái ấm chung” của nhiều loài sinh vật chịu nhiệt và có thể phát triển ở nhiệt độ cao.

Biển Chết nằm ở biên giới của hai nước Israel và Jordan. Ảnh: Focus Asia Travel.
Biển Chết nằm ở biên giới của hai nước Israel và Jordan. Ảnh: Focus Asia Travel.

Biển Chết – “cái rốn của Địa cầu” nằm ở biên giới của hai nước Israel và Jordan và là một toạ độ thu hút nhiều du khách đến nghỉ dưỡng, sống ảo vì nhiều lý do cực thú vị. Nét độc đáo khi bạn đến đây du lịch là bạn có thể trải nghiệm cảm giác không biết bơi và không cần phao mà vẫn nổi do biển chứa lượng muối cực lớn. Vào những buổi hoàng hôn khi hơi nước bốc hơi mạnh thêm vào đó là màu đỏ của ánh chiều tà xen lẫn với màu xanh của nước biển làm cho khung cảnh nơi đây trở nên huyền diệu và bí ẩn hơn bao giờ hết.

Thác Victoria nằm giữa biên giới Zambia và Zimbabwe. Ảnh: AirPano.
Thác Victoria nằm giữa biên giới Zambia và Zimbabwe. Ảnh: AirPano.

Thác Victoria nằm giữa biên giới Zambia và Zimbabwe (ở châu Phi) được xem là một trong những thác nước lớn nhất và đẹp nhất thế giới với chiều rộng lên tới 1.676m. Thác có độ cao hơn 100 mét nên khi nước từ trên đột ngột rơi xuống sẽ tạo nên một khung cảnh hùng vĩ, tuyệt đẹp. Nhất là khi mùa mưa, thác cuồn cuộn đổ xuống như những trận đánh cuồng phong khiến bọt nước cuộn trắng xóa giữa núi ngàn và rền vang âm thanh hàng km.

Núi Mauna Kea ở Hawaii với độ cao 10.204m. Ảnh: The Office of Hawaii Affairs.
Núi Mauna Kea ở Hawaii với độ cao 10.204m. Ảnh: The Office of Hawaii Affairs.

Trên Trái Đất vẫn còn có ngọn núi cao hơn cả Everest nhưng ít ai nhận ra đó là núi Mauna Kea ở Hawaii với độ cao 10.204m. Núi là một ngọn núi lửa chết ở quần đảo Hawaii, hình thành từ những biến động địa chất cách đây khoảng một triệu năm. Mauna Kea còn có tên gọi khác là “Núi Trắng” bởi cứ hễ đông tới là đỉnh núi lại khoác lên mình một lớp áo tuyết trắng xóa.

Bãi biển Praia do Cassino ở Brazil có chiều dài ấn tượng lên đến 244km. Ảnh: ourtripguide.com
Bãi biển Praia do Cassino ở Brazil có chiều dài ấn tượng lên đến 244km. Ảnh: ourtripguide.com

Bãi biển Praia do Cassino ở Brazil là một bãi biển có chiều dài ấn tượng lên đến 244km kéo dài từ bang Rio Grande do Sul tới biên giới Uruguay. Bãi biển chạy dọc theo bờ biển miền nam Brazil. Giáp với nam Đại Tây Dương. Nơi đây nổi tiếng không chỉ nhờ cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn bởi lòng hiếu khách của người dân địa phương. Đến với Praia do Cassino du khách có thể được trải nghiệm nhiều hình thức vui chơi khác như tắm biển, lướt sóng, chèo thuyền, lặn ống thở.

Cây General Sherman là một “nhân chứng” sống lâu nhất trên hành tinh. Ảnh: kyluc.vn.
Cây General Sherman là một “nhân chứng” sống lâu nhất trên hành tinh. Ảnh: kyluc.vn.

Cây General Sherman là một “nhân chứng” sống lâu nhất trên hành tinh có chiều cao 83m và đường kính kinh ngạc hơn 10m. Tuy đây chưa phải là cây tùng sequoia cao lớn nhất thế giới nhưng nó lại sở hữu chiều rộng lớn nhất thế giới. Cây đã sống hơn 2.200 năm và vẫn phát triển đều qua từng năm. Hiện tại cây đang được chăm sóc ở Vườn quốc gia Sequoia, California, Mỹ.

Châu Nam Cực là hoang mạc lớn nhất thế giới. Ảnh: Expert Vagabond.
Châu Nam Cực là hoang mạc lớn nhất thế giới. Ảnh: Expert Vagabond.

Châu Nam Cực là hoang mạc lớn nhất thế giới. 98% lục địa này bị bao phủ bởi lớp băng dày gần 2km. Các nhà khoa học cho rằng nếu như toàn bộ băng ở đây tan hết thì mực nước biển trên thế giới sẽ dâng cao khoảng 70m, nhấn chìm khoảng 2,2 triệu km2 diện tích đất liền. Ở đây còn có dòng sông Lambert nổi tiếng là dòng sông băng lớn và di chuyển nhanh nhất thế giới.

Ngoài các địa điểm trên, Insider đưa vào danh sách các điểm đến khác, gồm núi lửa hoạt động mạnh nhất thế giới Kilauea ở Hawaii (Mỹ), thác cao nhất Angel ở Venezuela, hồ Baikal ở Nga là hồ sâu và rộng nhất, sông dài nhất Nile của Ai Cập, mạch nước nóng ngầm phun mạnh và cao nhất Steamboat, Iceland là đảo núi lửa lớn nhất, Kuliah ở Pakistan là sông băng dâng lên nhanh nhất, đỉnh núi độc lập cao nhất Kilimanjaro (Tanzania), Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất, và Bangladesh – đất nước có rừng đước lớn nhất.

Theo Travelmag.vn

Để lại bình luận