Thức dậy câu chuyện của… đá

Nổi bật

Hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm 20 năm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB) được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vừa được diễn ra không chỉ là diễn đàn trao đổi, thảo luận, mà với các nhà khoa học, đó như là một cuộc trở về. Với nhiều người, Quảng Bình và PN-KB như mái nhà chung. Bất cứ khi nào, họ cũng sẵn sàng trở về nhà, cùng miệt mài nghiên cứu, để đánh thức những giá trị còn ẩn sâu giữa mênh mang đại ngàn.

Đặt chân đến PN-KB từ những năm 70 của thế kỷ trước, GS.TS. Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh-Địa tầng Việt Nam, giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã dành trọn tình yêu cho vùng đất này. Với ông, nửa thế kỷ gắn bó, nghiên cứu chuyên sâu và miệt mài thức dậy những câu chuyện của đá, của PN-KB là quãng thời gian mang đến những trải nghiệm giá trị.
Tiếng gọi của miền đất kỳ bí
Không hiểu vì sao, khi nhìn GS. Tạ Hòa Phương phát biểu tại hội thảo, tôi lại nghĩ về những khối thạch nhũ ẩn sâu trong các hang động kỳ bí. Chúng hoang sơ, thô ráp nhưng lấp lánh một vẻ đẹp tinh khôi khó cưỡng. GS. Tạ Hòa Phương cũng vậy, ông có cách nói chuyện từ tốn, khiêm nhường nhưng đằng sau từng câu chữ dung dị là kết tinh bao kiến thức chuyên sâu, chắt lọc từ hàng chục năm trải nghiệm miệt mài, dày công nghiên cứu.
Suốt cuộc đời gắn bó với ngành Địa chất, bàn chân ông đã đi qua bao nhiêu vùng đất, cần mẫn thức dậy những bí ẩn của thế giới trong lòng đất. Đặt chân đến Phong Nha và các vùng lân cận nghiên cứu địa chất từ những năm 70 của thế kỷ trước, GS. và các cộng sự đã thực sự ấn tượng bởi khối đá vôi tại đây quá rộng lớn mà như một học giả người Pháp từng coi đó là hoang mạc đá vôi lớn nhất hành tinh.
Thời điểm ấy, ông đã nhận ra rằng, địa hình karst thường gắn liền với các danh lam thắng cảnh, nhất là hang động. “Biết là thế nhưng chúng tôi không có điều kiện để nghiên cứu sâu hơn, bởi khi đó đất nước vừa trải qua chiến tranh, còn bao việc cấp bách hơn cần được ưu tiên làm trước”, GS. Phương nhớ lại.
GS.TS Tạ Hòa Phương.
Chuyến đi đó là khởi đầu cho một cuộc hành trình không mệt mỏi ngược vào phía đại ngàn, khám phá bí ẩn bên trong những dãy núi đá vôi hùng vĩ. Tiếng gọi của miền đất kỳ bí Phong Nha luôn thôi thúc ông và các cộng sự quay trở lại.
Ông kể: “Năm 1990, trước khi sang Việt Nam, nhóm nghiên cứu hang động thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã đặt vấn đề hợp tác với các nhà khoa học thuộc Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Nhà trường đã cử thầy Phan Duy Ngà và tôi viết một đề cương nghiên cứu cho chuyến đi này. Dù còn đơn sơ nhưng đó cũng là sự khởi đầu cho những nghiên cứu bài bản của BCRA trong suốt hơn 30 năm qua với nhiều thành tựu hết sức quan trọng”.
GS.TS. Tạ Hòa Phương là nhà địa chất Việt Nam đầu tiên khám phá Sơn Đoòng.
Từ thực tế nhiều năm gắn bó và nghiên cứu địa chất vùng PN-KB mà GS. Tạ Hòa Phương được mời viết phần địa chất trong hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận VQG PN-KB là Di sản thiên nhiên thế giới. Những tài liệu địa chất sẵn có được kết hợp nhuần nhuyễn với những tri thức về lĩnh vực địa di sản tích lũy được đã giúp ông và các cộng sư xây dựng nên một hồ sơ di sản thành công. Với ông, đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là vinh dự, sự tự hào khi được đóng góp sức mình cho mảnh đất Quảng Bình mà ông luôn yêu mến.
Sau nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát, ông nhận ra, so với các vùng đất khác của Việt Nam thì hệ thống hang động vùng PN-KB có giá trị nổi bật. Trước hết, phải kể đến số lượng hang động karst rất lớn và chúng liên kết thành những hệ thống chặt chẽ. Trong đó, có nhiều hang động đạt kích thước khổng lồ.
Nhiều hang động còn sở hữu hệ thạch nhũ đa dạng, đẹp một cách huyền ảo, như: Thiên Đường, Hòa Hương Hang Va, Hang Hùng… Hấp dẫn, kỳ bí là thế nên nửa thế kỷ từ những ngày đầu tiên đặt chân đến PN-KB, mảnh đất này đến nay vẫn là niềm thương, nỗi nhớ đặc biệt thôi thúc ông trở lại.
Một Sơn Đoòng kỳ lạ khác thường
GS. Tạ Hòa Phương được coi là nhà địa chất Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Sơn Đoòng-động karst lớn nhất thế giới. Đó là chuyến đi vào vào tháng 3/2013, ông được mời tham gia cuộc thám hiểm hang Én và Sơn Đoòng cùng đoàn làm phim khoa học-thắng cảnh của Hong Kong TV và nhóm chuyên gia hang động BCRA.
Ông bảo, đó chính là hành trình có nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với PN-KB. Đêm đầu tiên dựng trại, qua đêm bên trong động Sơn Đoòng, khi thức giấc lúc nửa đêm, ông phát hiện ra, thỉnh thoảng có ánh sáng bừng lên, hắt vào từ phía hố sụp Khủng Long.
“Tôi đã không hiểu có chuyện gì xảy ra. Sáng hôm sau, tôi hỏi ông Howard Limbert thì mới biết đó chính là ánh chớp. Có nghĩa là trên mặt đất có mưa giông, sấm chớp nhưng chỉ ánh sáng lọt được xuống đáy hố sụp, còn tiếng sấm, sét thì “mắc lại” đâu đó, không vọng xuống được tới đáy hố”, ông nhớ lại.
GS.TS Tạ Hòa Phương (ở giữa) trong một chuyến khảo sát hang động tại Quảng Bình.
Đó cũng là trải nghiệm tuyệt vời để ông-dưới góc nhìn của một nhà địa chất-khám phá ra một Sơn Đoòng với những điểm kỳ lạ khác thường. Đó là sự có mặt của 2 hố sụp-nơi trần hang bị sụp đổ, tạo nên các “giếng trời” sâu xấp xỉ 300m. Tại các vị trí đó, ánh sáng mặt trời rọi xuống đã làm phát triển thảm thực vật và cả cánh rừng nhiệt đới đặc biệt, hiếm nơi có được.
Là động lớn nhất thế giới nên Sơn Đoòng sở hữu những thành tạo nhũ đá khổng lồ, đặc biệt có một khối nhũ mang dáng dấp một người phụ nữ cao sang. Bên trong động còn có vô vàn kiểu thạch nhũ nhỏ xinh, “mỏng manh đến ngỡ ngàng, đôi khi hiếm gặp”, như: Các thành tạo karst thực vật (phytokarst) hình thành nơi tranh tối, tranh sáng bên cạnh các hố sụp kể trên, hay các “rừng măng đá nghiêng” mà điều kiện hình thành của chúng cho đến nay còn là một bí ẩn đối với khoa học…
Trên vách động Sơn Đoòng còn ghi lại dấu ấn của một ám tiêu san hô khổng lồ và đẹp nhất so với các ám tiêu trong các hang động khác ở Việt Nam. Ở khoang cuối của động, có một hóa thạch thú móng guốc được hình thành theo một cách độc đáo và bảo tồn gần như nguyên vẹn-điều hiếm thấy ở trong các hang động karst khác.
Tình cảm sâu nặng với Quảng Bình
Nhiều năm trước, khi có chủ trương xây dựng cáp treo vào vùng lõi PN-KB, GS. Tạ Hòa Phương với tư cách là Chủ tịch Hội Cổ sinh-Địa tầng Việt Nam, nhiều lần lên tiếng khẳng định quan điểm không nên xây cáp treo vào hang Én, động Sơn Đoòng cũng như vùng lõi Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB. Theo ông, việc đó tiềm ẩn nguy cơ phá hoại hệ sinh thái rất dễ bị tổn thương và các thành tạo hang động tinh tế.
GS.TS. Tạ Hòa Phương (giữa) cùng chuyên gia BCRA.

Quan điểm bảo tồn di sản của ông không chỉ xuất phát từ trách nhiệm của một người nghiên cứu chuyên sâu về địa chất mà còn là tiếng nói của một người yêu quý Quảng Bình, trân trọng PN-KB. Trong cuộc chuyện trò, GS. Phương nhắc nhiều lần về việc khai thác du lịch hang động cần gắn với việc bảo vệ hệ thống thạch nhũ và nên nghĩ tới cách để kéo dài tuổi thọ cho những hệ nhũ đẹp được du khách thường xuyên thăm viếng nhưng đang có nguy cơ thoái biến.

GS.TS. Tạ Hòa Phương sinh năm 1949, tại Thái Nguyên. Là nhà địa chất nhưng đồng thời là nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, ông đã gửi gắm tình cảm sâu nặng với Quảng Bình, đặc biệt là PN-KB qua nhiều bài thơ, được in rải rác trong các tập thơ: “Tiếng vọng”, “Hồn đá” và “Hóa thạch một cuộc chiến”.

Ngay trước thềm hội thảo, GS. Tạ Hòa Phương đã cho xuất bản cuốn sách “Kỳ quan hang động Quảng Bình, Việt Nam”. Đây không đơn thuần là cuốn sách ảnh giới thiệu về hang động, mà là cuốn sách chuyên khảo đầu tiên về hang động ở Quảng Bình và Việt Nam.

Phần viết về hang động giúp người đọc và các hướng dẫn viên du lịch có được những hiểu biết cơ bản về hang động karst và rất nhiều dạng thạch nhũ thuộc về 5 kiểu chính phổ biến trong các hang động karst trên thế giới. Cuốn sách cũng là bản nối tiếp của cuốn chuyên khảo “Thiên đường hang động Quảng Bình” ra đời cách đây 4 năm.

Ở tuổi 74, đôi bàn chân đã không còn vững chãi cho những chuyến ngược rừng, chinh phục hang động nhưng tình yêu cho PN-KB thì vẫn luôn tròn đầy trong ông. Tình yêu ấy thôi thúc GS. Tạ Hòa Phương tiếp tục dành thời gian để chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện những gì mình đã viết, để có một cuốn sách tốt nhất, đầy đủ nhất về hang động của Quảng Bình. Với ông, đó là cách để tri ân mảnh đất đã cưu mang ông trong suốt mấy chục năm tìm tòi, nghiên cứu khoa học.
Theo Diệu Hương – Báo Quảng Bình
Bạn thấy bài viết này như thế nào?
Love
Haha
Wow
Sad
Angry
You have reacted on "Thức dậy câu chuyện của… đá" A few seconds ago
No votes yet.
Please wait...

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận