Ngày 4/11, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân viên phục vụ – là bà con Vân Kiều- tại các sản phẩm ở khu vực xã Kim Thủy và Ngân Thủy (Lệ Thủy – Quảng Bình).
Việc tập huấn này giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực du lịch là người bản địa nhằm hỗ trợ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch khai thác các tour tuyến trên địa bàn, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vùng đồng bào dân tộc.
Tỉnh Quảng Bình là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch khám phá, mạo hiểm và những điểm du lịch này thường nằm ở những vùng khó khăn do vậy rất cần nhiều nhân viên, nguồn nhân lực chất lượng và am hiểu về du lịch để phục vụ việc phát triển các sản phẩm du lịch.
Anh Hồ Đua, Trưởng thôn Rum Ho xã Kim Thủy (Lệ Thủy – Quảng Bình) tâm sự: Đời sống của bà con bản Ho Rum trước đến nay sống dựa vào nương rẫy nên đời sống còn quá nhiều khó khăn. Từ khi có công ty dưới xuôi lên khảo sát làm du lịch bà con ở đây được phục vụ du khách nên có tiền công, bà con mừng lắm.
“Những lúc có đoàn khách, mấy anh chị cần người kêu chúng tôi đi gùi đồ cho họ đi tham quan các suối trong khu bảo tồn, mỗi ngày có 200-300 ngàn thì cũng đỡ. Cũng ưng sao khách đến tham quan nhiều để thanh niên trai tráng có thêm được việc làm kiếm tiền, bà con ở nhà bán được con gà, nắm xôi và một số đặc sản riêng của vùng thì cuộc sống sẽ đỡ rất nhiều cho bà con”… anh Hồ Đua nói.
Ông Trần Xuân Cương, giám đốc Công ty TNHH NETIN, là đơn vị khai thác tour du lịch trải nghiệm Động Châu – Khe Nước Trong ở khu vực xã Kim Thủy (Lệ Thủy – Quảng Bình) chia sẻ: Chúng tôi khai thác sản phẩm du lịch khám phá, mạo hiểm nên rất cần đến nguồn nhân lực phục vụ cho những chuyến đi của du khách và thực sự chúng tôi cần người dân bản địa, họ là những người thông thạo những cánh rừng, có sức khỏe nên sẽ hỗ trợ rất nhiều cho du khách.
“Những lớp tập huấn này được sở Du lịch Quảng Bình tổ chức cho bà con ở đây rất hữu ích. Hi vọng rằng người dân sẽ nắm được đầy đủ thực sự người dân bản địa chính là nguồn nhân lực chúng tôi mong muốn nhất trong mỗi chuyến đi của khách du lịch”… ông Cương khẳng định.
Ông Trần Xuân Quang, Chánh văn phòng Sở Du lịch Quảng Bình mong muốn kết thúc khóa tập huấn này bà con sẽ nắm vững kiến thức, kĩ năng về nghiệp vụ du lịch, tăng thêm sinh kế cho bà con người dân tộc Vân Kiều tại bản Rum Ho phục vụ cuộc sống mưu sinh tại địa phương. Nâng cao chất lượng đội ngũ khuân vác, nấu ăn… phục vụ khách du lịch trên các tuyến du lịch khám phá, mạo hiểm trên địa bản huyện Lệ Thủy, tăng cường tính chuyên nghiệp cho nguồn nhân lực du lịch của tỉnh và đảm bảo các quy định liên quan đến Đề án khai thác các tuyến du lịch này.
Theo toquoc.vn
Không có bình luận