Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nên trong những năm qua, Du lịch Quảng Bình luôn chú trọng sáng tạo, liên kết, phát triển các sản phẩm du lịch song song với đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến trong nước và quốc tế. Sau những ngày dài tạm “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Quảng Bình hiện là một trong những địa phương tích cực, chủ động bắt nhịp, đón đầu xu hướng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa du lịch phục hồi, phát triển.
Chủ động, sáng tạo trong phát triển sản phẩm
Hiện nay, ngoài các sản phẩm du lịch vẫn đang được chú trọng phát triển, như: Du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên và hệ thống hang động kỳ vĩ tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; du lịch sinh thái suối Nước Moọc, sông Chày-hang Tối, công viên Ozo Treetop Park… thì nhiều sản phẩm du lịch mới đã được đưa vào hoạt động và khai thác thử nghiệm nhằm đón đầu, mở cửa du lịch, như: Khám phá Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong, hành trình thám hiểm rừng sâu hang Ba, tour thăm làng văn hóa Cự Nẫm…
Để đáp ứng nhu cầu của du khách, tỉnh đã nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm và khám phá hang động; phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp làm việc từ xa cho nhóm khách chi tiêu cao; xây dựng chương trình trọn gói du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe… Bên cạnh đó, ngành Du lịch và các doanh nghiệp trong tỉnh cũng kết hợp đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, đồ lưu niệm đặc trưng.
Các hoạt động vui chơi, giải trí cũng được đa dạng hóa loại hình, như: Chạy bộ, đạp xe, đi thuyền quanh các làng quê, làng nghề khu vực Phong Nha, lướt ván, dù lượn cao tốc, chèo SUP, teambuilding tại các bãi biển Nhật Lệ, Bảo Ninh, Quang Phú… nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Sở Du lịch Quảng Bình cũng đã phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam tổ chức hội nghị giới thiệu điểm đến và kích cầu du lịch với chủ đề “Miền di sản diệu kỳ”. Những năm qua, du lịch 5 địa phương miền Trung đã vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam và khu vực châu Á. Nơi đây có hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú cùng hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch đồng bộ, trong đó nhiều sản phẩm, cơ sở lưu trú, điểm du lịch đạt đẳng cấp quốc tế.
Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến
Với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh và khẳng định thương hiệu du lịch “Quảng Bình-điểm đến thiên nhiên hấp dẫn và khác biệt” đến khách du lịch trong nước và quốc tế, Sở Du lịch đã triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch năm 2022, trong đó thị trường quốc tế là một hướng trọng tâm.
Theo đó, năm 2022, Quảng Bình sẽ triển khai hàng loạt hoạt động xúc tiến thị trường du lịch quốc tế, như: Hợp tác với các hãng phim, truyền thông quốc tế để quảng bá du lịch Quảng Bình; hợp tác quảng bá và xúc tiến thu hút khách du lịch từ thị trường Nhật Bản. Tỉnh cũng sẽ tham gia chương trình quảng bá du lịch 5 địa phương Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên Huế-Quảng Nam-Đà Nẵng tại Diễn đàn phát triển đường bay châu Á (Routes Asia 2022); tổ chức đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch tại Hàn Quốc; tham dự hội chợ quốc tế VITM Hà Nội…
Trong khuôn khổ SEA Games 31, tỉnh đã triển khai các hoạt động quảng bá du lịch đến thị trường quốc tế. Trong đó, sẽ có những phần quà và những ưu đãi đặc biệt dành cho các vận động viên, huấn luận viên xuất sắc và các phóng viên quốc tế tác nghiệp tại sự kiện.
Du lịch Quảng Bình cũng tiếp tục chú trọng khai thác các thị trường có khả năng tăng trưởng nhanh,nguồn khách lớn, mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, như: Bắc Mỹ, Tây Âu, Đông Bắc Á, Đông Âu…
Đối với thị trường trong nước, Quảng Bình cũng triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, như: Phát động, triển khai chương trình kích cầu du lịch “Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình”; tổ chức Tuần Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Lễ hội Rằm tháng ba Minh Hoá năm 2022; tham dự các hoạt động bên lề hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh, Tuần Văn hóa-Du lịch Đồng Hới năm 2022; Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 18… Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá du lịch Quảng Bình đến các thị trường quốc tế trên các nền tảng số: YouTube, Instargram, Facebook…
Những “tín hiệu xanh”
Quảng Bình hiện vẫn tiếp tục giữ vững thương hiệu là điểm đến an toàn, hấp dẫn được đánh giá cao tại Việt Nam và quốc tế sau khi thị trường du lịch mở cửa trở lại. Dựa trên 232 triệu đánh giá từ du khách “người thật việc thật”, 10 điểm du lịch hiếu khách nhất Việt Nam năm 2022 đã được “bật mí”, trong đó Quảng Bình có mặt hai điểm đến là Phong Nha và Đồng Hới. Theo Booking.com, những đánh giá này không bị chỉnh sửa dưới bất kỳ hình thức nàonên đây là nguồn tham khảo có tính xác thực về trải nghiệm thực tế của khách du lịch tại các nơi lưu trú trên nền tảng này.
Và gần đây nhất, Sơn Đoòng-một trong những kỳ quan thiên nhiên của Việt Nam được quảng bá trên trang chủ Google tìm kiếm của 17 quốc gia và lãnh thổ. Thông qua Doodle Sơn Đoòng, Google tiếp tục câu chuyện lan tỏa giá trị văn hóa, di sản đặc sắc của Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng ra thế giới.
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, khách đến Quảng Bình tăng cao, ước đạt trên 115.000 lượt, trong đó có khoảng 400 lượt khách quốc tế. Các cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên hoặc các homestay, farmstay… công suất phòng từ 95% trở lên. Các khách sạn lớn tại TP. Đồng Hới cơ bản đã kín phòng. Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng đột biến của du khách, các đơn vị vận tải đường bộ chặng Hà Nội-Đồng Hới cũng tăng chuyến và bổ sung thêm các chuyến khởi hành vào buổi sáng ngày 30/4 và 1/5. Các hãng hàng không đã tăng chuyến các chặng Đồng Hới-Hà Nội, Đồng Hới-TP. Hồ Chí Minh với khoảng 14-18 chuyến/ngày.
Chị Đoàn Lộc, Giám đốc Công ty lữ hành Tiktak Travel, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện nay có rất nhiều du khách quan tâm đến du lịch Quảng Bình, đặc biệt là khu vực miền Nam. Việc Quảng Bình đẩy mạnh các hoạt động quảng bá điểm đến tại các sự kiện lớn giúp cho doanh nghiệp và du khách tiếp cận thông tin và cập nhật sản phẩm địa phương, qua đó lựa chọn những điểm đến và lịch trình phù hợp. Tiếp tục tăng cường các phương tiện đi và đến Quảng Bình, đặc biệt là tăng các chuyến bay với khung giờ thuận lợi nhằm thu hút lượng khách lớn đến với địa phương”.
Những tín hiệu trên đây, dù chưa quá ấn tượng nhưng cũng có thể coi là khởi đầu thuận lợi, tín hiệu khích lệ cho ngành Du lịch Quảng Bình đang trên đà khởi sắc trở lại.
Lương Công Thành
Không có bình luận