Nhờ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với sự đa dạng sinh học cùng hệ thống hang động kỳ vĩ ít nơi nào sánh bằng, Quảng Bình được mệnh danh là “vương quốc hang động”. Trên cơ sở nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, hấp dẫn này, tỉnh đang nỗ lực tạo ra những sản phẩm du lịch thế mạnh, qua đó định vị thương hiệu du lịch Quảng Bình và phát triển theo hướng “xanh” và bền vững.
Du khách cắm trại trong hang Sơn Đoòng
Hang động kỳ vĩ và bãi biển hoang sơ
So với các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, Quảng Bình có diện tích hẹp nhất do nằm ở phần “thắt nút” trên bản đồ đất nước hình chữ S, có nơi chiều ngang tính từ biển đến biên giới Việt – Lào chỉ 50km. Đây là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện địa hình đồng bằng, rừng núi, sông biển, hải đảo. Không những thế, Quảng Bình còn sở hữu những khu rừng nguyên sinh hay các khu bảo tồn thiên nhiên nổi tiếng như Khe Nét, Khe Ve, Giăng Màn… Đặc biệt, phải kể đến Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 2003 nhờ những giá trị đặc biệt về địa chất, địa mạo, nơi sở hữu nhiều loài động, thực vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Từ lâu, khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng đã được mệnh danh là “vương quốc hang động” nhờ sở hữu hệ thống hang động kỳ vĩ như Phong Nha, Tiên Sơn, hang Tối, hang Vòm… Trong đó, động Phong Nha được các nhà khoa học đánh giá là một trong những hang động đẹp nhất với các đặc trưng hang nước dài nhất, có sông ngầm đẹp nhất, cửa hang cao và rộng nhất, có hồ nước ngầm đẹp nhất, có hang khô rộng và đẹp nhất, có hệ thống thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất…
Nhắc đến “vương quốc hang động” cũng không thể không nhắc tới hang Sơn Đoòng được Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đánh giá là “hang động đẹp, lớn nhất thế giới” và từng khiến cả thế giới phải ngạc nhiên khi xuất hiện trong chương trình “Good morning America” của Đài truyền hình ABC (Mỹ) năm 2015. Ngoài ra, Quảng Bình còn có nhiều hang động tuyệt đẹp khác như hang Én, hang Dơi, Tú Làn, hang Tố Mộ nhỏ, Tố Mộ lớn…
Bên cạnh hệ thống hang động kỳ vĩ, Quảng Bình còn có nhiều thắng cảnh hấp dẫn khác như đèo Ngang – Hoành Sơn, đèo Lý Hòa, suối khoáng nóng Bang, phá Hạc Hải… Sở hữu đường bờ biển dài 116km với các bãi biển hoang sơ, nước trong xanh cùng những đồi cát trắng mịn trải dài, Quảng Bình có nhiều tiềm năng phát triển loại hình nghỉ dưỡng biển cao cấp… Đó là tiềm năng dồi dào để Quảng Bình phát triển ngành “công nghiệp không khói” theo hướng “xanh” và bền vững.
Nỗ lực tạo “làn gió mới”
Là một trong những doanh nghiệp đưa nhiều khách về Quảng Bình trong thời gian qua, ông Hồ Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch, Thương mại và Đầu tư Hà Nội (Hanotours) đánh giá: “Quảng Bình sở hữu tiềm năng du lịch vô cùng phong phú, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá và du lịch mạo hiểm. Nét hoang sơ cùng những con người hiếu khách cũng là những điểm mạnh gây ấn tượng với du khách. Nhưng tỉnh cần có tầm nhìn xa và sự đầu tư có chiều sâu để phát triển các sản phẩm mang tính độc đáo, khác biệt nhằm thu hút khách trong tương lai”.
Để khắc phục những hạn chế trong phát triển du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Đặng Đông Hà cho biết: “Trong bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh đã và đang nỗ lực tìm cách khắc phục hậu quả, trong đó phát triển sản phẩm du lịch là một trong những việc được quan tâm hàng đầu nhằm thu hút khách trở lại sau dịch. Thời gian qua, tỉnh vẫn tiếp tục chỉ đạo khai thác các sản phẩm du lịch thế mạnh như khám phá thiên nhiên Hóa Sơn – hang Rục Mòn – hồ Yên Phú; khám phá Sơn Đoòng, hang Va – Nước Nứt theo lộ trình khác biệt… Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa vào khai thác thử nghiệm các sản phẩm mới như khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; du thuyền ngắm cảnh trên sông Nhật Lệ kết hợp tham quan các danh thắng, di tích lịch sử…”.
Cũng theo ông Đặng Đông Hà, giai đoạn 2021 – 2025, bên cạnh việc chú trọng các sản phẩm khám phá hang động cao cấp, Quảng Bình sẽ phát triển các dịch vụ bổ trợ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng. Cụ thể là kêu gọi, khuyến khích phát triển các dịch vụ thể thao trên biển như lướt ván, dù bay, đua thuyền buồm, lặn biển ngắm san hô; đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu nghỉ dưỡng, giải trí thể thao tại điểm du lịch bãi biển Bảo Ninh, bãi biển Nhật Lệ – Quang Phú, bãi Đá Nhảy; hình thành các khu cắm trại du lịch ven biển…
Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường du lịch sẽ mang lại một “làn gió mới”, giúp ngành “công nghiệp không khói” của Quảng Bình định vị thương hiệu và phát triển theo hướng “xanh”, bền vững.
Không có bình luận