Mùa du lịch năm 2022 khởi động bằng con số ấn tượng với 30.000 lượt khách đến tham quan vào dịp giỗ Tổ 10/3. Với những người làm du lịch, đây là nguồn năng lượng tích cực để vực dậy sau khó khăn bởi đại dịch trong suốt 2 năm qua. Phía trước là muôn vàn thử thách và cả cơ hội để bứt phá đòi hỏi du lịch Quảng Bình cần nhìn lại những gì đã qua hđể sẵn sàng bước tiếp trên chặng đường mới.
“Liều doping” tinh thần
Hai năm đại dịch gần như “đánh gục” ngành Du lịch. Nhiều người làm du lịch phải bỏ nghề để mưu sinh. Những hàng quán, dịch vụ gần như đóng cửa, cầm cự qua ngày. Với những người tâm huyết và yêu du lịch Quảng Bình, đó là những ngày thật buồn.
Để rồi hôm nay, khi những đoàn khách đến với Quảng Bình, những con phố đã rộn rã hơn bởi những chuyến xe ngoại tỉnh, nhiều cơ sở lưu trú phải từ chối nhận khách bởi đã hoạt động hết công suất thì người làm du lịch như thể được tiếp thêm động lực để bước tiếp trên hành trình phía trước. Và quý hơn cả những tấp nập, rộn rã ngoài kia, những phản hồi tích cực, những yêu thương chưa bao giờ nguội của du khách dành cho du lịch Quảng Bình ngày trở lại chính là “liều doping” tinh thần vực họ dậy sau bao uể oải và cả bất lực.
Trên diễn đàn lớn về du lịch Quảng Bình, chị Phạm Cẩm Vân, du khách đến từ TP. Vinh (Nghệ An) hào hứng chia sẻ: “Quảng Bình đẹp quá, bình yên! Người dân thật thà, hiền lành và nhiệt tình vô cùng. Thực sự quý mến mảnh đất, con người nơi này. Được trải nghiệm 2 ngày, 2 đêm ở đây, giờ mình mạnh dạn phát biểu rằng sẽ còn quay lại với Quảng Bình quê ta ơi!”.
Trò chuyện trực tiếp cùng chị, vị khách đến từ xứ Nghệ không giấu được cảm xúc sau chuyến du lịch Quảng Bình. Chị bảo, đoàn của chị gồm 12 người, tự lái xe từ Nghệ An vào đến Quảng Bình. Trải nghiệm hầu như tất cả những điểm du lịch nổi tiếng và thưởng thức đặc sản của Quảng Bình, điều gì cũng khiến cả đoàn chị cảm thấy ấn tượng.
“Trở về nhà, đặt vali xuống là tôi vội vã lên facebook để viết bài cảm nhận ngay. Bởi vì những điều gia đình nhận được trong chuyến đi này để lại những cảm xúc quá sâu sắc dù đây đã là lần thứ 7 tôi đến với Quảng Bình. Kể cả cách mà những người làm du lịch ở Quảng Bình xử lý sự cố nhỏ cũng làm chúng tôi hài lòng. Tôi hiểu, những bình luận chân thực của du khách chắc chắn sẽ tiếp thêm động lực rất lớn cho những người làm du lịch-những con người dễ thương, chân chất và đầy nhiệt tình mà tôi đã gặp. Tôi cũng muốn được cảm ơn họ bởi những điều đẹp đẽ ấy”, chị Vân chia sẻ.
Sau dịp giỗ Tổ, trên khắp các diễn đàn về du lịch Quảng Bình đều nhận được những bài viết phản hồi của du khách từ khắp hơn trên cả nước. Họ không ngại ngần chia sẻ cảm nhận và “review” chỗ ăn, nghỉ, những góp ý chân thành, thẳng thắn về các điểm đã đi qua, những nơi đã đến.
Một du khách từ tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Chỉ hai ngày ở đây nhưng tôi cực kỳ thích con người Quảng Bình. Cảm ơn sự dễ thương, thân thiện và nồng hậu của người dân Quảng Bình. Có dịp chắc chắn tôi sẽ quay trở lại. Hẹn gặp lại Quảng Bình”.
“Gạn đục, khơi trong”
Khởi động lại sau hai năm trầm lắng, các đơn vị kinh doanh du lịch chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, nhất là khi, lượng khách đổ về đông, mà “khoảng trống” về nhân lực du lịch vẫn chưa được lấp đầy. Nhiều cơ sở kinh doanh lúng túng vì thiếu người làm. Nhiều người làm thì bị “khớp” bởi trở lại guồng quay công việc khi mà tất cả những kỹ năng chưa kịp rèn dũa lại. Nhiều hàng quán, cơ sở lưu trú vẫn chưa tươm tất bởi đã vắng khách quá lâu, chưa kịp tu sửa hoàn chỉnh.
Anh Phan Thanh Dũng, Giám đốc Vũng Chùa Travel thẳng thắn bày tỏ: “Chúng tôi chưa dám nhận nhiều khách bởi vì không đủ khả năng đáp ứng. Hiện tại, hướng dẫn viên còn thiếu khá nhiều. Số xe chở khách du lịch thì đã lâu chưa được nâng cấp. Trong khi giá phòng, giá dịch vụ đã bắt đầu tăng gấp 2, 3 lần”.
Cũng theo anh Dũng, mặc dù ngành đường sắt đã tăng thêm hai chuyến tàu phục vụ khách du lịch đến Quảng Bình nhưng việc di chuyển của du khách còn khó khăn, nhất là những dịp đông khách. Trước dịch, số chuyến bay và tàu hỏa về Quảng Bình đã bị cắt giảm nhiều mà chưa bổ sung trở lại. Hiện tại, giá vé, lịch tàu cũng chưa được cập nhật đầy đủ.
Sau những phản hồi tích cực, một số du khách cũng thẳng thắn góp ý cho du lịch Quảng Bình bởi những trải nghiệm “không như mong muốn”. Đó là tình trạng chèo kéo khách biển số xe ngoại tỉnh của các quán ăn, nhà hàng ngay tại cửa ngõ trung tâm du lịch Phong Nha; một số nhà hàng trên địa bàn TP. Đồng Hới “chặt chém” khách du lịch; một số điểm du lịch phục vụ còn thiếu chuyên nghiệp…
Đó là những “hạt sạn” cần được gạt bỏ để xây dựng một môi trường du lịch Quảng Bình an toàn, thân thiện và mến khách. Đặc biệt là trong thời điểm trở lại đường đua rất cần ở những người làm du lịch sự tỉnh táo và những quyết định đúng hướng để phát triển bền vững hơn.
Chủ động thay đổi-sẵn sàng bước tiếp
Trong cuộc trò chuyện với anh Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng, người thủ lĩnh của trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh này không giấu được niềm vui bởi những hồi sinh của ngành Du lịch sau bao ngày ảm đạm đã qua. Thời điểm đó, dù là buổi cuối cùng của dịp nghỉ lễ giỗ Tổ nhưng du khách vẫn rộn rã đổ về bến thuyền Phong Nha-cảnh tượng hiếm thấy trong suốt hai năm vật lộn với đại dịch.
Vui, hạnh phúc và khấp khởi hy vọng nhưng anh Thắng vẫn ôn tồn bảo: “Đây chỉ là tín hiệu tích cực để khởi động lại ngành Du lịch sau những ngày ảm đạm chứ không thể tự tin khẳng định rằng du lịch Quảng Bình đã phục hồi hoàn toàn và vươn lên mạnh mẽ như trước dịch. Chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận lại những điều đã không còn phù hợp để chủ động thay đổi và sẵn sàng bước tiếp”.
Tại hội thảo “Du lịch Quảng Bình: Thích ứng mới, vận hội mới”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Viettralvel khẳng định: “Với số lượng khách du lịch chưa thể phục hồi như trước dịch, cần phải tập trung vào “chất” hơn là “lượng”.
Để làm được điều này, nhanh chóng phục hồi và nâng cấp chất lượng cơ sở phục vụ du lịch, đa dạng hóa các dịch vụ cộng thêm ngoài tour để khách du lịch sẵn sàng chi nhằm bù đắp lại khoảng thời gian bị níu chân do ảnh hưởng bởi dịch bệnh”.
Cũng theo ông Kỳ, sau dịch, nhu cầu du lịch và mục đích du lịch đã thay đổi nhiều. Xu hướng du lịch nhanh, ít chạm và mang tính cá nhân, gia đình hoặc những nhóm bạn bè nhỏ được nhiều người nhắc đến nhưng đây không phải là xu thế lâu dài.
Tuy nhiên, du lịch xanh lại khác, khách quốc tế đã quá quen với loại hình du lịch này và vẫn sẽ phát triển mạnh trong thời gian sắp đến. Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch Quảng Bình cần dựa vào những lợi thế sẵn có để tập trung phát triển loại hình du lịch này, từ đó, mới có thể phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Việc Chính phủ có những chỉ đạo liên tiếp về vấn đề khôi du phục ngành Du lịch, đồng thời ban hành một số văn bản về các chính sách, biện pháp áp dụng trong tình hình mới phản ánh sự quan tâm của Chính phủ đối với ngành Du lịch trong giai đoạn mới. Đây là giai đoạn “gay cấn” đòi hỏi ngành Du lịch Quảng Bình triển khai thực hiện nhiều biện pháp để “chớp lấy” cơ hội. Đây cũng là thời điểm buộc các doanh nghiệp du lịch đứng trước những quyết định thay đổi trong điều hành, quản lý và phát triển sản phẩm, dịch vụ. Và hơn lúc nào hết, du lịch Quảng Bình cần nhìn lại… để thấy rõ hơn những thế mạnh, hạn chế để sẵn sàng tăng tốc trên đường đua mới.
theo quangbinh.vn
Bạn thấy bài viết này như thế nào?
You have reacted on "Du lịch Quảng Bình: Nhìn lại để… thấy xa hơn"
A few seconds ago