Vừa phục hồi sau sự cố môi trường biển, du lịch Quảng Bình một lần nữa đứng trước những thách thức mạnh mẽ. Dịch bệnh Covid-19 và mưa lũ liên tiếp đã khiến cho ngành du lịch gần như “đóng băng”. Nhưng trong cơn sóng dữ, du lịch Quảng Bình đã và đang nỗ lực mỗi ngày để tăng khả năng kháng cự, tạo sức bật nội lực, tìm kiếm cơ hội trong thách thức để khẳng định là “điểm đến an toàn và khác biệt”.
Vượt “phá băng” Covid-19
Trong những ngày đầu năm mới 2021, đã có hàng nghìn lượt khách đổ về khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, nhiều tour, tuyến du lịch bắt đầu hút khách. Sau những ngày đìu hiu vì dịch bệnh, vùng đất di sản bắt đầu đông vui trở lại. Du lịch đã có những tín hiệu xanh đầy hy vọng.
Trở lại thời điểm đầu năm 2020, du lịch Quảng Bình đặt ra mục tiêu sẽ đón khoảng 5,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 350 nghìn khách quốc tế.
Thế nhưng, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã giáng một đòn mạnh mẽ lên nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành du lịch. Có những thời điểm, các điểm du lịch buộc phải đóng cửa và không xác định được thời gian cụ thể để đón khách quốc tế trở lại. Khi đợt dịch đầu tiên tạm lắng, Quảng Bình được đánh giá là một trong số ít địa phương có sự phục hồi du lịch nhanh trong cả nước.
Khó khăn này chưa tạm qua, thử thách mới đã dồn dập khi các đợt sóng dịch liên tiếp xảy ra cùng với các trận mưa lũ lịch sử đã làm hư hại nhiều cơ sở kinh doanh du lịch. Hoạt động du lịch vốn đã cầm chừng nay càng thêm lao đao.
Vậy nhưng, nhờ việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, cùng quyết tâm thực hiện mục tiêu kép “vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế” của Chính phủ, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch bắt tay vào củng cố hoạt động kinh doanh với quyết tâm… vượt sóng dữ.
Dịch Covid-19 là phép thử lớn buộc các đơn vị phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới, nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ để tồn tại. Từ những sản phẩm du lịch sẵn có, nhiều đơn vị đã biết tận dụng tối đa lợi thế tài nguyên thiên nhiên, tập trung vào đối tượng khách du lịch nội địa. Nhiều chương trình giảm giá, kích cầu du lịch được tung ra, các chương trình liên kết phát triển được ký kết.
Ông Đặng Đông Hà, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình khẳng định: Hơn lúc nào hết, các chương trình kích cầu du lịch nội địa được quan tâm đầu tư, song song với đó là xây dựng các kịch bản tăng trưởng, chủ động đón du khách quốc tế trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Để vượt qua khó khăn và đối phó với dịch bệnh, du lịch Quảng Bình sẽ tập trung đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa lịch sử và du lịch cộng đồng… Muốn tập trung phát triển du lịch nội địa, các đơn vị kinh doanh du lịch cũng cần đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới. Tỉnh cũng cần kêu gọi đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch có thể hút được lượng khách lớn như các công viên chủ đề về du lịch mạo hiểm, thám hiểm hang động, các dịch vụ giải trí ban đêm…
Đương nhiên, muốn bền sức để “phá băng”, “vượt sóng”, cần có những định hướng lâu dài và bền vững hơn. Trước hết, muốn vậy, du lịch Quảng Bình cần xóa dần tính mùa vụ vốn đã mặc định lâu nay.
Xóa dần tính mùa vụ
Hành trình khám phá hệ thống hang Hổ của Công ty TNHH Jungle Boss là một trong những hành trình độc đáo và hoang sơ ở Phong Nha-Kẻ Bàng.
Theo anh Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss, trong hành trình này, du khách sẽ chinh phục ba hang động nối tiếp nhau với chiều dài gần 7km gồm hang Hổ, hang Over và hang Pygmy – hang động lớn thứ tư thế giới. Kèm theo đó là vô vàn trải nghiệm như đi bộ giữa rừng xanh, đu dây trong hang, cắm trại dưới lòng đất…
Mặc dù dịch bệnh cùng mưa bão triền miên nhưng trong mùa du lịch thấp điểm vừa qua, tour du lịch này vẫn có sức hút đối với một số lượng khách du lịch đam mê chinh phục, ưa thích trải nghiệm.
“Mùa mưa, những cung đường trở nên mát mẻ, đẹp hơn, cũng là thời điểm mà các hang động được tô vẽ thêm nhiều hồ nước xanh trong, cực kỳ thú vị. Đặc biệt, cung đường khám phá tuyến này đi qua nhiều con thác rất đẹp nên Jungle Boss đang khuyến khích du khách đi trekking vào mùa mưa để khám phá được những khác biệt mà mùa khô không có. Điều này sẽ góp phần xóa bỏ dần tính du lịch mùa vụ vốn cho du lịch Quảng Bình. Tất nhiên, vừa là các tour mạo hiểm, vừa trong mùa mưa nên yếu tố an toàn luôn được đặt lên hàng đầu”, giám đốc Jungle Boss cho biết thêm.
Cũng theo anh Dũng, Quảng Bình có thế mạnh du lịch hang động nên để phát triển du lịch vào mùa mưa, xóa tính thời vụ thì tốt nhất là tập trung vào các tour mạo hiểm, khám phá thiên nhiên. Các sản phẩm này tuy kén khách nhưng với những người yêu thích thiên nhiên thì thời tiết không là vấn đề.
Khi mùa du lịch sôi động qua đi, những người làm du lịch ở Quảng Bình lại đối diện với muôn vàn khó khăn do mưa bão, lũ lụt triền miên. Thay vì chỉ nghĩ đến chuyện phòng chống và khắc phục hậu quả lũ lụt, chấp nhận chờ đợi cơ hội thì nhiều ý tưởng bắt đầu được thực hiện để “sống chung với lũ”, ứng phó với thiên tai.
Khi nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mưa lũ triền miên, các hoạt động du lịch hoàn toàn bị tê liệt thì tour tham quan Hung Trâu và khám phá bản làng người Rục của Công ty TNHH Oxalis Holiday ra đời. Thời điểm này, con đường dẫn vào các bản làng người Rục đều ngập sâu trong nước lũ, tạo nên một vẻ đẹp siêu thực. Để khám phá, du khách chỉ có thể trải nghiệm bằng thuyền, kayak, sup hoặc xuồng hơi. Mỗi năm, nơi đây sẽ bị ngập sâu trong lũ khoảng 1 tháng. Vậy là trong khoảng thời gian này, du khách vừa được khám phá văn hóa độc đáo của người Rục, vừa có thể trải nghiệm thiên nhiên ngay tại thời điểm mà thiên tai, mưa lũ bủa vây.
Những ngày cuối năm 2020, Oxalis tiếp tục cho ra mắt tour du lịch bảo tồn Chinh phục Tú Làn và ngắm Voọc quý hiếm. Trong hành trình tour, du khách sẽ được trải nghiệm cắm trại tại xã Tân Hoá, nơi được xem là vùng “rốn lũ” của Quảng Bình và cùng ăn tối tại nhà người dân địa phương để tìm hiểu cách người dân sống chung với lũ.
Điểm nhấn của tour bảo tồn này là tận mắt quan sát, tìm hiểu về đàn Voọc quý hiếm, nghe những câu chuyện về hành trình bảo vệ đàn Voọc từ nhóm tình nguyện viên địa phương. Đây là nỗ lực biến những bất lợi thành có lợi, “bám” thiên tai để khai thác phát triển du lịch. Đồng thời, với việc đóng góp quỹ bảo tồn của mỗi tour khám phá sẽ góp phần tạo nên tính bền vững cho phát triển du lịch.
Làn sóng dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và sẽ còn kéo dài. Việc xây dựng các kế hoạch du lịch không chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt mà cần đảm bảo tính dài hạn, chú trọng phát triển du lịch bền vững. Với ngành du lịch, muốn vượt sóng dữ, cần phải là con thuyền vững chãi, đi đúng hướng và bền bỉ trước sức mạnh của bão tố.
Theo baoquangbinh.vn
Không có bình luận