Nhà thiết kế Hà Duy được chiêm ngưỡng những khối thạch nhũ hùng vĩ, chèo thuyền trên hồ trong hang Sơn Đoòng hay thấy những loài vật hình thù kỳ lạ.
Năm nay, các hang động ở Quảng Bình trở thành điểm du lịch hút khách, đặc biệt với các nghệ sĩ. Bên cạnh hang Tú Làn, hang Tiên – những hang động có độ khó trung bình, hang Sơn Đoòng vẫn là niềm mơ ước chinh phục của nhiều người. Nhà thiết kế Hà Duy đã ấp ủ chuyến đi này từ lâu và chuẩn bị thể lực rất chăm chỉ để đủ điều kiện tham gia. Hiện tại, anh vẫn chưa hoàn thành hành trình.
Chia sẻ với Ngoisao.net, nhà thiết kế cho biết: “Duy phải chờ đợi hơn 2 tháng để có chuyến đi lần này. Ngoài luyện tập thể lực, Duy cũng phải có chế độ ăn nghiêm ngặt, đảm bảo sức khoẻ ổn định trước ngày lên đường. Bản thân vốn là một người nhút nhát, sợ độ cao và sợ không gian tối nhưng Duy vẫn thích sự mạo hiểm, hơn nữa khi nhìn những bức hình trên mạng về Sơn Đoòng càng làm tôi háo hức và đăng ký luôn”.
Hà Duy phải chuẩn bị rất nhiều tư trang chuyên dụng từ giày trekking, quần áo đi rừng với chất liệu mau khô, khẩu trang, khăn, găng tay, tất, balo, găng tay dài, áo khoác nhẹ, các loại thuốc, một số loại đồ ăn tăng lực, bình nước, khăn ướt, pin sạc dự phòng… Danh sách này được hướng dẫn viên nhắc nhở trước.
Trước khi đi, anh cũng được hướng dẫn cách sử dụng dây bảo hiểm và cách đi rừng, đi trên núi đá, sử dụng đèn khi đi vào hang và dưới suối. Trong đó, Hà Duy được nhắc việc tránh một số loại cây dại gây ngứa như cây lá han, có thể gây mẩn ngứa cả tuần hay cách tránh các loại ong rừng. Cả đoàn cũng được khuyên nên đi tất dày, xịt thuốc chống côn trùng để tránh muỗi và vắt. Đoàn thám hiểm gồm 10 người, bao gồm 5 chuyên gia Việt Nam, một chuyên gia nước ngoài, luôn đi kèm từng bước chân du khách xem có gặp vấn đề gì không. Ngoài ra, đoàn còn có 25 porter để vác đồ, nấu ăn và chuẩn bị lều trại.
Hành trình của Hà Duy bắt đầu bằng việc đi bộ gần 10 km đường rừng, băng qua nhiều ngọn núi, con suối, lội nước lúc ngược dòng, lúc xuôi dòng. Trên đường đi, đoàn đi qua bản Đoòng – một bản làng của người dân tộc – sau đó đi qua những đoạn suối nguy hiểm. Các thành viên phải chia làm nhóm 3 người, choàng vào vai nhau, đi qua những đoạn nước xiết để không bị cuốn đi.
Địa điểm đầu tiên đặt chân đến là hang Én, nơi có rất nhiều chim én làm tổ. Vòm hang rất rộng và cao, đủ sức chứa hàng chục chiếc máy bay Boeing 787. “Vào tới đây, Duy được tìm hiểu thêm về các dòng nước đối lưu, khi chảy vào và chảy ra như thế nào. Tại sao dòng nước lại có chỗ nóng, chỗ lạnh hay cách mà người xưa đã leo trèo lên vách núi để bắt chim én ra sao”, nhà thiết kế nhớ lại. Sau một ngày trong hang Én, đoàn tiếp tục cuộc hành trình đi sâu vào lòng hang và đi ra cửa sau của hang Én, băng qua một con suối chảy rất xiết và một đoạn đường rừng rậm mà nếu như không có người dẫn đường chắc không ai có thể tìm ra.
“Trải nghiệm sởn da gà nhất của Duy là lần đầu tiên đu dây xuống miệng hang Sơn Đoòng, quá trơn và nguy hiểm. Lúc đu xuống phải biết một vài kỹ thuật như nắm dây thật chặt, đứng hai chân bằng vai hay đi trên bức tường đá dựng đứng mà bên dưới là một khoảng không tối om. Sau khi xuống hang, nỗi sợ tiếp theo là bóng tối, không có một chút ánh sáng nào bên trong hang, ngoài những ánh đèn từ đầu mỗi thành viên trong đoàn”, Hà Duy kể. Trải qua khoảng 3-4 tiếng đi bộ ròng rã trong hang, cả đoàn lại vượt qua những con suối chảy siết trên những chiếc cầu treo mà khi đi qua, ai cũng phải đeo dây bảo hiểm. Mọi cử động và di chuyển của các thành viên đều được các chuyên gia chú ý để không gây ra sai sót nào.
Bên cạnh sự nguy hiểm, hành trình mang lại cho nhà thiết kế những cảm xúc khó quên. Hà Duy nhớ lại: “Tôi đã được chiêm ngưỡng những khối thạch nhũ, những khối đá được thiên nhiên điêu khắc lên một cách hùng vĩ và quá sức tưởng tượng. Có những khối đất đá hoá thạch hay những bộ xương hoá thạch của động vật, được thời gian bồi đắp thêm cho những chất liệu xù xì mà con người sẽ không bao giờ tạo ra được”.
Sau khi đi một ngày trong hang, cả đoàn mới tới hố sụt 1 – nơi dựng lều cắm trại cho đêm thứ 2. Theo cảm nhận của Hà Duy, đây là nơi đẹp nhất trong suốt hành trình lần này, bởi nhiều yếu tố như âm thanh, không gian, khí hậu và độ rộng của hang cũng như hệ thực vật đa dạng. Ngày thứ 3 khởi động bằng một màn di chuyển yêu cầu độ khó cao, vừa phải bò, trườn, leo trèo, rồi chui vào trong hang để chỉ di chuyển ra khỏi hố sụt 1 của hang Sơn Đoòng. “Nhưng cũng chính ở đây, Duy đã có nhiều bức hình đẹp nhất, biết được cách thiên nhiên tạo hình lên khối thạch nhũ hình chiếc bánh cưới như thế nào hay các măng đá và các viên ngọc động được dòng nước tạo hình nên ra sao. Có quá nhiều điều thiên nhiên ban tặng cho con người và cần được giữ gìn”.
Hố sụt 2 của hang Sơn Đoòng là kỳ quan tiếp theo mà cả đoàn chinh phục được. Thiên nhiên hùng vĩ, rộng lớn. Hệ động thực vật trong lòng đất đa dạng hơn nhiều. Hà Duy được tắm ở dòng suối mát lạnh trong vắt, được thấy khối thạch nhũ lớn nhất. Đây là lần đầu tiên anh được nhìn thấy những loài vật trắng tinh như những chú cá trắng, không mắt vì sống trong hang không có ánh sáng hay những con bọ trắng tinh, những con dế có râu rất dài. Đêm đó, cả đoàn ngủ lại trong hang. Hang rộng và vang nên chỉ cần một tiếng động nhỏ của lều phía xa cũng có thể nghe thấy.
Ngày thứ 4, khi đã thấm mệt vì hành trình dài và mất sức thì cả đoàn lại đối mặt với thử thách khó nhất là chèo thuyền trên hồ trong hang. Hà Duy ngỡ ngàng khi thấy giữa hang lại có hồ rộng tới vậy. Điểm cuối cùng của cuộc hành trình chính là “bức tường Việt Nam”, cao gần bằng một toà nhà 30 tầng, dựng đứng và trơn tuột. “Nhìn lên trên, Duy cùng mọi người đều hốt hoảng vì quá cao, sợ không đủ sức trèo nhưng khi nắm lấy sợi dây, ai cũng dùng hết sức để kéo, đi lên bằng những kỹ thuật đã được dạy. Cuối cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia, mọi người đều vượt qua thành công chặng đường đầy gian nan và mất sức ấy”, anh nhớ lại.
Hành trình dù có mệt và khó khăn, cả đoàn không ai than vãn hay kêu ca, mọi người đều cổ vũ, động viên nhau vượt qua khó khăn. Chuyến đi đã cho Hà Duy nhiều kiến thức quý báu về thiên nhiên, cây cối, hang động, dòng nước… Nhà thiết kế cũng học được nhiều kỹ năng sinh tồn từ cách phân bổ sức lực hợp lý cho chặng đường dài, cách ăn uống, đi lại, kỹ năng bơi lội, leo núi. Đặc biệt, anh đã biết cách vượt qua cảm giác sợ độ cao và bóng tối nhờ sự động viên của những người bạn đồng hành.
Xem tiếp hình ảnh chuyến thám hiểm Sơn Đoòng của NTK Hà Duy |
Theo ngoisao.net