Hơn 30 năm gắn bó nặng sâu với Quảng Bình, ông Howard Limbert cùng những người cộng sự thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đã khám phá, nghiên cứu hơn 300 hang động lớn nhỏ, đóng góp vào sự phát triển của ngành Du lịch Quảng Bình. Hành trình ấy vẫn chưa dừng lại. Bàn chân của họ vẫn miệt mài theo những chuyến ngược rừng, kiếm tìm hang động trên vùng đất Quảng Bình.
Những ngày cuối tháng 3, thông tin về một hệ thống hang động vừa được BCRA phát hiện tại huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa đã nhen nhóm lên hy vọng về một tương lai phát triển du lịch, tạo việc làm cho người dân tại những địa phương còn nghèo khó này.
– Phần lớn hàng trăm hang động được tìm thấy ở Quảng Bình đều nhờ người dân địa phương đi rừng phát hiện rồi báo lại. Còn những hang động gần đây thì sao ạ?
– Chuyến khảo sát lần này của các nhà khoa học đến từ Anh, Úc, New Zealand kéo dài 3 tuần, chia làm 3 đợt. Chúng tôi tìm kiếm ở vùng Minh Hoá và Tuyên Hoá thông qua sự hỗ trợ của một vài hướng dẫn viên ở Phong Nha. Trong số họ có người có bạn bè sinh sống ở đó.
Người này làm nghề đánh cá và thường xuyên đánh bắt bên trong các hang động. Sau khi được anh ấy kể về những hang động mới, chúng tôi quyết định đi đến và tìm hiểu ngay. Tại xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa), xã Hóa Sơn và Hóa Phúc (Minh Hóa), chúng tôi tìm thấy rất nhiều hang động. Đợt này, BCRA cũng phát hiện thêm 2 hang động nữa ở huyện Bố Trạch, thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB). Tổng số hang động được khám phá trong chuyến thám hiểm lần này là 22 với tổng chiều dài là 11,7km.i
– Đó là một kết quả rất ấn tượng! Và chắc chắn những chuyến đi này sẽ còn tiếp tục?
– Đúng vậy! Có một hang sâu 278m với thác nước chảy xuống và chắc chắn nó vẫn còn sâu nữa nhưng chúng tôi không có đủ dây thừng để xuống đáy. Vì vậy, chúng tôi sẽ còn quay lại đó để khảo sát. Và vẫn còn rất nhiều hang để khám phá ở Lâm Hoá (Tuyên Hoá).
– Hẳn Lâm Hóa đã mang đến cho các chuyên gia rất nhiều điều thú vị?
– Cực kỳ thú vị. Chúng tôi đã có 14 ngày để khảo sát các hang động ở khu vực này. Xung quanh một vùng núi nằm giữa hai xã Lâm Hóa và Hóa Phúc mà chúng tôi đã tìm thấy được đến 11 hang động lớn, nhỏ với tổng chiều dài hơn 10km. Và chắc chắn sẽ còn nhiều hơn con số đó nữa. Điều đó có nghĩa là sẽ còn rất nhiều việc để chúng ta phải làm, nghiên cứu tại đây.
– So với hàng trăm hang động đã được phát hiện trước đây, những hang động mới mẻ này có điểm gì đặc biệt về địa chất, địa mạo?
– Đây là những hang còn khá trẻ và đa phần là hang ướt. Chúng là những hang động nhỏ nhưng lại khá thú vị, đặc biệt so với nhiều hang động mà chúng tôi đã tìm thấy ở Quảng Bình. Nếu Sơn Đoòng, hang Én và nhiều hang động khác chỉ có một lối chính để vào thì hệ thống hang mới này lại có rất nhiều hướng ra vào khác nhau. Một số hang còn thông nhau, tạo ra nhiều lối đi ngang làm cho những chuyến đi vòng quanh bên trong trở nên rất thú vị.
– Về mặt kiến tạo thì sao ạ?
– Có một số phần của những lối đi ngang không bị ngập hoàn toàn, chúng có kiến tạo rất đẹp. Sẽ rất thú vị khi khám phá chúng bằng thuyền sup.
– Thú vị nhưng theo ông, liệu chúng có thích hợp để khai thác du lịch không?
– Có rất nhiều hang động hoàn toàn không phù hợp cho du lịch. Nhưng có một số hang mà từ kinh nghiệm chúng tôi tin rằng sẽ rất thú vị cho du khách khám phá. Không giống như ở hang Én hay Sơn Đoòng, ở các hang này sẽ rất thích hợp với trải nghiệm chèo thuyền sup bên trong lòng hang. Tôi nghĩ đó sẽ là những chuyến khám phá tuyệt vời. Tuy nhiên, trước khi tổ chức các tour, chúng ta cần nghiên cứu, kiểm tra kỹ lưỡng độ an toàn, độ cao trần, dòng chảy… Chúng tôi muốn quay lại khu vực đó để đưa ra các gợi ý về hang nào có thể khai thác các hoạt động du lịch, như: Cắm trại trong hang, tổ chức tour 1, 2 hay 3 ngày.
Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng Quảng Bình có thể làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch, không chỉ dừng lại ở thám hiểm hang động, mà hãy để du khách đến đây trải nghiệm nhiều hoạt động khác, như: Chèo thuyền kayak, đạp xe, leo núi, đi bộ băng rừng. Chúng ta có đủ tiềm năng để làm điều đó.
– Nhưng để khai thác du lịch thì tiềm năng thôi là chưa đủ!
– Tất nhiên! Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch cần phải gắn với yếu tố an toàn, bảo tồn, bảo vệ môi trường và có sự tham gia của cộng đồng địa phương. Nếu bạn không có cộng đồng địa phương đứng về phía mình, tạo việc làm cho họ, cho họ sinh kế, thì chắc chắn bạn sẽ không thể thành công.
Đối với những hang động mà chúng tôi vừa phát hiện, nếu chúng được đưa vào khai thác du lịch thì sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân tại đây. Nhưng đó không phải là việc có thể nói là làm được ngay mà cần có thời gian, từ việc thiết lập, xây dựng tour đến việc đào tạo, tập huấn cho họ. Qua 3 tuần được làm việc cùng người dân tại đây, tôi tin họ sẽ là những người bạn đường tuyệt vời của du khách. Bởi vì sẽ không có gì thú vị hơn là đi vào rừng cùng một người am hiểu về rừng.
– Dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu hang động của mình trên toàn thế giới, ông đánh giá như thế nào về giá trị của hệ thống hang động tại Quảng Bình?
– Các bạn có biết là mình rất may mắn không? Bởi nếu ở Anh, nhiệt độ trong hang chỉ 5oC, không ai muốn vào đó cả. Còn hang ở Quảng Bình lại 22oC, rất thích hợp cho các hoạt động khám khá, trải nghiệm. Và thêm nữa, không có nơi nào trên thế giới có thể so sánh được với Quảng Bình về kích thước hang động, đặc biệt ở khu vực VQG PN-KB, nơi có hang Én, hang Sơn Đoòng…
Một số tỉnh ở Việt Nam cũng đã phát hiện được nhiều hang động rất đẹp, như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa… Những hang động ở Bắc Trung bộ và miền Bắc Việt Nam cũng đẹp như mọi nơi khác, nếu không muốn nói là đẹp nhất trên thế giới.
– Đẹp nhất trên thế giới ư?
– Đúng vậy! Tôi chắc chắn về điều đó. Không phải là tôi thiên vị đâu nhé, hoàn toàn khách quan. (cười)
– Ông có nghĩ rằng trên thế giới sẽ có một hang động chưa khám phá có giá trị tương tự hoặc thậm chí tốt hơn cả Sơn Đoòng?
– Tôi không nghĩ là có bất cứ thứ gì giống như Sơn Đoòng trên thế giới bởi vì nó thực sự rất đặc biệt. Và thường những hang động rộng lớn như vậy thì đã được khám phá rồi vì không khó để tìm thấy nó.
– Còn ở Việt Nam thì sao?
– Ở Việt Nam, đây là vùng có khả năng nhất, bởi vì còn quá nhiều điều chưa được khám phá. Có đến 70% diện tích VQG PN-KB chúng ta chưa từng đặt chân đến và tìm kiếm hang động bởi vì nó quá rộng và rất xa xôi. Nhìn vào bản đồ, dựa vào địa chất, tôi sẽ nói là không. Nhưng bạn có thể không bao giờ nói không về hang động. Và những điều thú vị còn chờ đợi chúng ta phía trước.
– Dự định của ông trong tương lai gần là gì?
– Sắp tới, khoảng tầm tháng 5, 6, chúng tôi sẽ cùng với đại diện VQG PN-KB đến làm việc với các VQG ở Anh để chia sẻ cùng nhau cách vận hành, phát triển giá trị các VQG. Sau đó, tôi muốn quay lại Lâm Hoá để tiếp tục công việc nghiên cứu của mình.
– Ông đã từng chia sẻ là ông muốn có quốc tịch Việt Nam. Dự định đó đã thành công chưa?
– Tôi đã làm hồ sơ xin quốc tịch Việt Nam nhưng gặp một chút trục trặc. Tuy nhiên, tôi sẽ không từ bỏ ý định đó.
– Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị này! Chúc ông sức khỏe và đạt được nhiều thành công hơn nữa!
Theo baoquangbinh.vn
Bạn thấy bài viết này như thế nào?
You have reacted on "Howard Limbert: Quảng Bình còn rất nhiều điều c..."
A few seconds ago