Giữa không gian của thung lũng rào rạt gió, cụ ông Phạm Văn Táng và vị khách người Úc hào hứng chuyện trò dù bất đồng ngôn ngữ. Nhưng nhìn nụ cười của hai con người khác biệt về nhiều thứ đủ hiểu họ đã hạnh phúc thế nào khi gặp được nhau. Tang’s Farm không chỉ là điểm du lịch mà còn là nơi thân thương níu chân người đàn ông ngoại quốc này quay lại nhiều lần.
Nằm giữa thung lũng bốn bề xanh mướt, Tang’s Farm (xã Hưng Trạch, Bố Trạch) đang nổi lên như một điểm đến thú vị dành cho du khách quốc tế. Không chỉ đơn thuần là một trang trại, Tang’s Farm còn là một câu chuyện về sự nỗ lực, sáng tạo và lòng đam mê trong phát triển du lịch nông thôn.
Phủ xanh lên hố bom ngày cũ
Chủ của Tang’s Farm là anh Phạm Văn Hùng nhưng người mang đến cho du khách cảm hứng mỗi khi đặt chân đến đây lại chính là bố anh-ông Phạm Văn Táng, một cựu chiến binh trở về từ chiến trường Quảng Trị. Ở tuổi 86 nhưng vóc dáng khỏe khoắn cùng làn da đỏ au và đặc biệt, cách nói chuyện hóm hỉnh, lạc quan khiến du khách nước ngoài luôn bị ông thu hút. Câu chuyện cuộc đời của ông, với những dấu vết chiến tranh còn hằn in trên cơ thể già nua, thực sự gây ấn tượng sâu sắc cho bất kỳ ai đặt chân đến Tang’s Farm.
Du khách nước ngoài với trải nghiệm một ngày làm nông dân.
Du khách nước ngoài với trải nghiệm một ngày làm nông dân.
Hơn 40 năm trước, trở về từ chiến trường ác liệt, ông Táng quyết định lên với vùng đồi Hưng Trạch để khai hoang, dựng nhà. Ông nhớ lại, nơi này, thời điểm ấy là vùng núi đồi thâm u, chỉ rặt cỏ dại và lởm chởm những hố bom. Nhìn ngọn đồi khô cằn, tưởng chừng như không có sự sống, ông Táng không nản lòng. Với đôi tay chai sạn, từng quen với súng đạn và chiến hào, ông bắt đầu công cuộc khai hoang gian khó. Ông bạt núi, mở đường, rồi từng bước cải tạo đất đai, biến vùng đồi trơ trọi thành những vườn cây xanh tươi, cải tạo hố bom ngày cũ trở thành ao thả cá.
Tận dụng những kiến thức thực tiễn và bản lĩnh của một người lính, ông xây dựng chuồng trại nuôi gà, lợn và các loài gia súc, gia cầm khác, dần biến đổi vùng đất này thành một mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) hiệu quả và bền vững. Qua bao năm gắn bó với thung lũng giữa bốn bề đồi núi, màu xanh tươi mát đã dần che phủ những vết tích của chiến tranh. Giờ đây, ngôi nhà ngói đỏ của gia đình ông Táng nằm bình yên giữa không gian xanh mướt của cánh đồng lúa và vườn cây ăn quả trĩu cành.
Cuối năm 2023, sau những ngày ly hương làm đủ nghề kiếm sống, anh Phạm Văn Hùng trở về nhà, cùng ông Táng gánh vác việc gia đình. Bằng kinh nghiệm của ông Táng cùng những ý tưởng táo bạo của anh, mô hình VAC đã dần được mở rộng. Anh Hùng đầu tư hệ thống chuồng trại, nuôi cá và hơn 150 con lợn cùng hàng trăm con vịt, gà, trồng thêm nhiều loại cây ăn quả ngay trong vườn nhà. Trang trại đã nuôi sống cả gia đình anh đi qua những ngày tháng gian khó nhất.
Người nước ngoài…học làm nông
Một lần, những du khách nước ngoài đang lưu trú tại khu nghỉ dưỡng Phong Nha Lake House (xã Hưng Trạch, Bố Trạch) bày tỏ mong muốn được trải nghiệm một mô hình nông nghiệp thuần Việt. Quản lý của khu nghỉ dưỡng đã dẫn họ đến trang trại của ông Táng. Tại đây, du khách thích thú khi được hòa mình vào không gian xanh mướt. Họ trải nghiệm câu cá, tham quan đồng lúa hay đơn giản là được theo chân anh Hùng ra vườn hái quả chín… Cứ thế, nhóm khách này đi lại có nhóm khách khác kéo đến. Khu vườn của ông Táng rộn rã tiếng nói cười với đủ thứ ngôn ngữ xa lạ.
Nhìn ra cơ hội làm du lịch từ chính mô hình VAC sẵn có, anh Hùng mạnh dạn đầu tư, mở cửa đón khách và đặt tên cho điểm đến là Tang’s Farm. Anh cải tạo lại vườn nhà, dựng khu nghỉ chân cho du khách, thuê thêm người làm. Khách du lịch đến với Tang’s Farm vừa tham quan vườn cây, ao cá, vừa thưởng thức ẩm thực địa phương. Những món ăn đều được chế biến từ rau củ, cây trái vườn nhà. Sau 3 tháng mở cửa, đã có gần 2.000 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế đến với Tang’s Farm.
Không gian yên bình tại Tang’s Farm.
Không gian yên bình tại Tang’s Farm.
Tại đây, du khách được trải nghiệm những dịch vụ du lịch mới, chân thực, thú vị, gắn bó sâu sắc với đời sống, văn hóa và lịch sử của vùng quê. Họ được cưỡi trâu, lùa vịt, được theo chân ông Táng ra đồng cắt cỏ và được con gái ông chỉ cho cách nấu món ăn địa phương. Họ được trải nghiệm một ngày làm nông dân đúng nghĩa khi được lội đồng, được đi thu hoạch sắn hay lùa vịt…
Nhu cầu của du khách khi đặt chân đến Tang’s Farm không chỉ dừng lại ở những hoạt động tham quan đơn thuần mà còn là những trải nghiệm văn hóa, lối sống. Nhiều đoàn khách thích thú khi được ông Táng giới thiệu về ngôi nhà ba gian hay góc bếp ám màu khói xám, nơi mà cả gia đình ba thế hệ của ông đang cùng nhau vui sống. Không chỉ đến để tham quan hay trải nghiệm nông nghiệp, mà câu chuyện về cuộc đời ông Táng-từ một người lính trở về sau chiến tranh, đến hành trình gian khó khai hoang lập nghiệp và cả sự hồi sinh mạnh mẽ của vùng đất đầy những hố bom-đã thực sự chạm vào trái tim những người khách lạ. Chính sự hiếu khách, chân tình của gia đình ông, sự yên bình của không gian Tang’s Farm đã níu chân nhiều du khách quay trở lại nơi này.
Đi xa hơn cùng nhau
Từ một ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa thung lũng mênh mang gió, Tang’s Farm giờ đã trở thành điểm đến rộn rã tiếng nói cười của du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Chị Aneta Dolezalova, du khách người Nga hào hứng chia sẻ: “Tang’s Farm có lẽ là điểm đến thú vị nhất trong chuyến hành trình đến Việt Nam của tôi. Sự nhiệt tình, đáng yêu của gia đình chủ Tang’s Farm đã cho chúng tôi cảm giác ấm áp và được chào đón. Chúng tôi được trải nghiệm những điều thú vị mà chưa từng trải qua trong đời. Ban đầu, chúng tôi dự định sẽ ở lại đây khoảng 2 giờ nhưng mà vì quá vui, quá hấp dẫn nên chúng tôi lưu lại đây suốt một ngày”.

Từ những con người chân chất, quanh năm quẩn quanh với đồng ruộng, những thành viên trong gia đình ông Táng lại trở thành những hướng dẫn viên du lịch đặc biệt ngay trên chính trang trại của mình. Cả ông Táng, anh Hùng hay những người khác đều không nghĩ sẽ có một ngày, họ được gặp gỡ, chuyện trò với nhiều người nước ngoài đến từ nhiều nền văn hóa đến vậy. Họ bắt đầu bập bẹ ít từ tiếng Anh để giao tiếp, tìm hiểu thêm thói quen, sở thích và văn hóa của từng đoàn khách để phục vụ được chu đáo hơn. Từ già đến trẻ, ai cũng háo hức với việc đón khách mỗi ngày và nỗ lực hoàn thiện mình để mang đến những trải nghiệm vẹn tròn nhất cho du khách.

Không ngồi yên đợi khách đến, anh Hùng chủ động tìm đến các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú cả trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, kết nối tăng nguồn khách. Nhận thấy du khách nước ngoài ngày càng quan tâm đến việc tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam, anh Hùng đưa ra nhiều ý tưởng mới lạ nhằm mang đến trải nghiệm đa dạng cho khách. Anh Hùng bảo, thời gian tới, anh dự định tổ chức các buổi nấu các món ăn địa phương để du khách có thể tự tay chế biến các món ăn đơn giản, mở thêm nhiều trải nghiệm từ chính nguồn tài nguyên sẵn có của địa phương.
“Nhưng dù ý tưởng mới mẻ như thế nào, theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn phải giữ được nét bình yên, mộc mạc vốn có để trong tương lai, Tang’s Farm vượt xa khỏi một mô hình nông nghiệp thông thường, trở thành điểm đến hấp dẫn với những trải nghiệm chân thực, gần gũi và đầy cảm xúc”, anh Hùng cho hay.
                                                                                                  Nguồn: Diệu Hương – baoquangbinh.vn

Để lại bình luận