Tin tức

Sinh thành trên mảnh đất Quảng Bình và đặc biệt quê hương Lệ Thủy tôi luôn tự hào là mảnh đất địa linh, nhân kiệt khi đây chính là quê hương của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, và đặc biệt là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam – Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời cũng là cái nôi của lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.

Thưở ban đầu, lễ hội này được tổ chức như một nghi thức để cầu cho mùa màng bội thu, thóc gạo đầy bồ, mưa thuận gió hòa. Đây cũng là dịp để những gái trai trẻ khỏe trong làng cùng nhau thi sức, rèn luyện để sẵn sàng đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, với một mùa mưa bão dữ dội.

Sau khi đất nước ta giành thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bác Hồ đại diện toàn thể đồng bào Việt Nam tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì niềm vui của ngày độc lập đã hòa chung với không khí của lễ hội truyền thống đáng quý này. Một năm sau ngày tháng lịch sử hào hùng đó, cứ mỗi dịp Quốc khánh thì bà con huyện Lệ Thủy lại nô nức tổ chức Lễ hội đua, bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang để mừng Tết Độc lập.

“Dù ai đi tây về đông

Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà

Về nhà xem hội quê ta

Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.

Lễ hội đã được ông cha truyền cho con cháu xứ Lệ nên chúng tôi, mỗi năm đến ngày lễ Quốc khánh từ mọi miền đất nước cũng muốn trở về quê hương xem cuộc thi tranh tài này. Nếu như du khách lần đầu đến thăm Lệ Thủy vào đúng dịp lễ 2/9 chắc sẽ phải ngỡ ngàng trước khung cảnh rộn ràng, náo nhiệt hơn cả Tết Nguyên Đán.

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang (ảnh sưu tầm)

Từ những ngày đầu tháng 8, các đội đua, bơi của các thôn hoặc xã sẽ chọn những thành viên nam, nữ có tài năng và sức khỏe bậc nhất để tham gia cho cuộc thi tranh tài trên sông. Những thành viên được chọn sẽ tập luyện đều đặn để có sức khỏe và kỹ năng tốt nhất cho ngày thi đấu quyết định. Bà con thôn, xóm đều cùng nhau góp sức, người nấu những món ăn ngon, bổ dưỡng để tiếp sức cho các “chiến binh” sau những buổi tập mệt mỏi, người hò reo, cổ vũ nhiệt tình cho đoàn đua.

Con thuyền được đem ra thi đấu chiếm một phần quan trọng. Được chọn kỹ lưỡng từ chất lượng tốt nhất, đóng chắc chắn và lau chùi sạch sẽ, sau cùng sẽ được vẽ lên những hình hài đặc sắc để tạo sự sống động cho chiếc thuyền. Ngày trước khi “hạ đò” thuyền sẽ được trưởng thôn đưa đi cúng bái trước thần linh để cầu cho lễ hội diễn ra suôn sẻ và đoàn đua của thôn sẽ giành được giải cao trong cuộc thi.

Đường đua chính là thử thách lớn nhất của các thành viên đoàn đua. Các đội nam sẽ phải hoàn thành đường dài khoảng 24km còn nữ thì khoảng 15km. Quãng đường đua của các thuyền bơi nam sẽ bắt đầu từ ngã ba Mũi Viết lên đến cồn nổi ở thôn Xuân Bồ thì trở đầu quay trở lại và vạch đích sẽ ở khu vực cầu Xuân Phong. Cũng tương tự với lộ trình thi đấu của các thuyền bơi nam, tuy nhiên thuyền bơi nữ sẽ trở thuyền ở đoạn ngoẹo cổ cò vì quãng đường ngắn hơn bên nam. Đoạn trở cua thuyền chính là nơi gay cấn nhất cuộc thi vì thời điểm này sẽ là cơ hội để một số đội chiếm ưu thế và vượn lên nhưng cũng đầy rủi ro khi không ít thuyền đã chìm ở nơi này khi đang tranh tài.

Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia cổ vũ (ảnh sưu tầm)

Đến ngày 2/9 chẳng ai bảo ai, người già cho đến trẻ nhỏ dậy từ sớm tinh mơ dắt díu nhau nào cờ, nào hoa, bóng bay chạy ra bờ sông để được xem đò đua, bơi rõ nhất. Từ tờ mờ sáng trên những cây cầu Kiến Giang, Phong Xuân cũng đã chật kín người tới cổ vũ thuyền đua của thôn mình. Tiếng cổ vũ, tiếng trống hòa chung với tiếng gõ mõ, tiếng hò của thành viên đoàn đua làm cho không khí thực sự náo nhiệt. Nhiều người dân còn lặn lộị xuống nước hay chạy theo thuyền bơi để không bỏ lỡ khoảnh khắc nào lễ hội truyền thống. Niềm hứng khởi lan tỏa xuống tận từng thôn xóm dọc đôi bờ sông Kiến Giang nơi có đoàn đua đi qua với rợp trời cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ cổ động đua thuyền; loa phát thanh tường thuật trực tiếp từng diễn biến của ngày lễ.

Lễ hội trở thành một hoạt động mang nét đẹp truyền thống, văn hóa của người dân Lệ Thủy trong ngày Quốc khánh. Đây là dịp để con em người dân xứ Lệ cùng hướng về quê hương xứ sở, tưởng nhớ đến công lao trời biển của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những người đi trước đã hy sinh giành độc lập cho dân tộc. Và cũng là dịp để mỗi người dân Lệ Thủy cùng ôn lại truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, phát huy tinh thần đoàn kết để xây dựng quê hương Lệ Thủy ngày càng giàu đẹp. Trong dịp này, hầu hết các gia đình ở Lệ Thủy đều bày hương hoa, bánh trái và các loại quả sản vật địa phương để cúng ông bà tổ tiên…. Chính vì lẽ đó, ngày 27- 8 – 2019, Bộ Văn Hóa – Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội đua, bơi thuyền trên sông Kiến Giang vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây thực sự là niêm tự hào của tất cả con người xứ Lệ nói riêng và Quảng Bình nói chung.

                                                      Hoàng Lệ Hằng

Bạn thấy bài viết này như thế nào?
Love
Haha
Wow
Sad
Angry
You have reacted on "Lễ hội trên quê hương Đại tướng" A few seconds ago
Rating: 4.7/5. From 3 votes.
Please wait...

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận