OCOP gắn kết du lịch – Nâng tầm sản phẩm

Tin tức
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai thời gian qua đã thổi “làn gió mới”, góp phần phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh, khơi dậy tiềm năng, thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của mỗi địa phương. Phát huy lợi thế về du lịch, các chủ thể kinh tế đã và đang hướng đến đầu tư phát triển OCOP gắn kết với khai thác các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, đưa OCOP thành sản phẩm quà tặng du lịch… để quảng bá, nâng tầm sản phẩm.
Gắn kết cùng du lịch
Vào một ngày cuối đông, chúng tôi trở lại thăm Hợp tác xã (HTX) Sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm (HTX Cự Nẫm, Bố Trạch). Nổi tiếng là cơ sở có nhiều sản phẩm được chế biến từ cây dược liệu tốt cho sức khỏe, những năm qua, HTX Cự Nẫm không ngừng nghiên cứu nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã và đa dạng sản phẩm. Hiện HTX có các sản phẩm, như: Cao lá vằng, trà túi lọc cà gai leo, lá xông…, trong đó, có 2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh là cao cà gai leo Thanh Bình (3 sao) và cao thìa canh Thanh Bình (4 sao).
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn dược liệu, bà Nguyễn Thị Giang, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Cự Nẫm cho biết, ngoài việc nghiên cứu, trồng nhiều loại cây dược liệu, HTX còn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Thời gian này, HTX đang đẩy mạnh sản xuất kịp những đơn hàng đã ký kết và phục vụ nhu cầu của khách tăng cao trong dịp Tết.
Chương trình OCOP góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Chương trình OCOP góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
“Cuối năm 2021, Sở Du lịch đã hỗ trợ xây dựng điểm tham quan du lịch HTX Cự Nẫm. Từ đây, HTX chúng tôi đã đón rất nhiều đoàn khách du lịch đến tham quan, mua sắm. Bên cạnh đó, HTX cũng triển khai hiệu quả việc kết nối, đưa sản phẩm OCOP vào các cửa hàng đặc sản, điểm du lịch. Nhờ vậy, sản phẩm bán qua kênh du lịch chiếm trên 40% tổng doanh thu mỗi năm của HTX”, bà Giang phấn khởi chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm Nguyễn Văn Lương cho biết: “Với lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch của địa phương, tháng 10/2021, UBND tỉnh đã phê duyệt triển khai Đề án Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm. Thông qua đề án, xã Cự Nẫm đã được đầu tư một số công trình phục vụ việc phát triển văn hóa du lịch. Đặc biệt, các giá trị sản phẩm nông nghiệp, nông thôn của xã được đưa ra bên ngoài qua kênh quảng bá từ du khách, nhờ đó tăng giá trị cốt lõi của sản phẩm, thúc đẩy phát triển chương trình nông thôn mới (NTM) và sản phẩm OCOP địa phương”.
Đến thăm HTX Tổng hợp nông trại An Mã (HTX An Mã, Lệ Thủy), hiện ra trước mắt chúng tôi là một “Đà Lạt thu nhỏ” với rừng thông xanh thơ mộng, dưới tán cây là sim và các loài hoa nhiều màu sắc rực rỡ.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Hoàng Thị Thủy, Giám đốc HTX An Mã cho hay: “HTX chúng tôi sản xuất hai sản phẩm chủ yếu là rượu sim (OCOP 3 sao cấp huyện, đang xét OCOP cấp tỉnh) và ống hút tre (OCOP 3 sao cấp tỉnh). Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng một An Mã Farm với nhiều điểm check-in ở rừng thông, các vườn hoa, thưởng thức món ăn địa phương, cắm trại… cho du khách. Với lợi thế từ việc đón khách tham quan tại An Mã Farm, chúng tôi đã kết hợp giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX, hiệu quả thấy rõ khi đa phần những khách đến đây đều chọn mua một số sản phẩm về dùng hoặc làm quà”.
Cùng với cao thìa canh, cao cà gai leo Thanh Bình, ống hút tre An Mã, nhiều sản phẩm OCOP, như: Khoai deo Linh Huệ, nấm Tuấn Linh, nước mắm Ngọc Biển, tinh bột nghệ đỏ Vân Di… đang trở thành những sản phẩm đặc sản, quà tặng được nhiều du khách yêu thích lựa chọn khi đến với Quảng Bình.
Nâng tầm sản phẩm
Giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh có 94 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 5 sản phẩm 4 sao và 89 sản phẩm 3 sao. Năm 2022, dự kiến có 57 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 52 sản phẩm tham gia lần đầu và 5 sản phẩm đánh giá lại.
Ông Mai Xuân Hạp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết: “Sau 4 năm thực hiện, chương trình OCOP đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống.
Chương trình đã tạo ra sự thay đổi về nhận thức của cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc phát triển sản phẩm theo hướng liên kết sản xuất, nâng cao giá trị. Có thể nói rằng, chương trình OCOP là một hướng đi đúng trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình OCOP, Sở NN-PTNT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các chủ thể kinh tế đầu tư phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với xây dựng, khai thác các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Đây là hướng đi nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, để thu nhập của người nông dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các ngành nghề dịch vụ.
Mô hình du lịch kết hợp sản xuất, giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX An Mã.
Mô hình du lịch kết hợp sản xuất, giới thiệu sản phẩm OCOP của HTX An Mã.
Nhờ đạt sản phẩm OCOP, liên kết cùng hoạt động du lịch, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được thương hiệu sản phẩm, nâng cao sản lượng tiêu thụ, doanh thu, mở rộng quy mô sản xuất. Bà Trương Thị Minh Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Linh Huệ (TP. Đồng Hới) chia sẻ: “Sản phẩm khoai deo Linh Huệ của chúng tôi đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2019. Nhờ đó, sản phẩm đã được người tiêu dùng khắp nơi biết đến và tin tưởng trong việc lựa chọn sử dụng. Cũng vì thế, quy mô sản xuất và sản lượng tiêu thụ của công ty ngày càng tăng. Thị trường hiện nay của công ty là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Trung, sản lượng tiêu thụ đạt 35-40 tấn/năm, trong đó bán qua kênh du lịch chiếm đến 60%”.
“Theo kế hoạch của UBND tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 tổ chức đánh giá, phân hạng thêm 65-70 sản phẩm, trong đó phấn đấu có 1-3 sản phẩm đạt 5 sao, 3-5 sản phẩm 4 sao, 45-50 sản phẩm 3 sao; toàn tỉnh có 1 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh; mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP cấp huyện… Để đạt được mục tiêu đề ra, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương; chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và nhu cầu thị trường; triển khai thực hiện chu trình OCOP thường niên; tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu sản phẩm OCOP; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chu trình OCOP thường niên; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng và triển khai các dự án thành phần trong chương trình OCOP”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Mai Xuân Hạp cho biết thêm.
Theo baoquangbinh.vn
Bạn thấy bài viết này như thế nào?
Love
Haha
Wow
Sad
Angry
You have reacted on "OCOP gắn kết du lịch – Nâng tầm sản phẩm" A few seconds ago
Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận