Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình: Quyết tâm tạo ra làn gió “Đại Phong” mới cho du lịch

Tin tức
Quảng Bình là một trong những thủ phủ của du lịch, để có những bước đi cụ thể, Quảng Bình đã có những chiến lược, hành động để ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh có những có những “cú hích” mang tính đột phá. Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình đã chia sẻ với DNVN về chiến lược khôi phục và phát du lịch của tỉnh nhà.

Ông Đặng Đông Hà Phó Giám đốc Sở Du Lịch Quảng Bình

Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình.

Thưa ông, năm 2020 thực là một năm kinh tế gặp nhiều thách thức bởi dịch bệnh, riêng đối với Quảng Bình càng khó khăn gấp bội khi phải chịu thêm thiên tai lũ lụt ở miền Trung, có thể nói ngành du lịch là một ngành chịu tổn thương nặng nề nhất. Xin ông cho biết, với vai trò là đơn vị quản lý, Sở Du lịch Quảng Bình đã có những chiến lược gì để định hướng khôi phục du lịch trong năm 2021?

Ông Đặng Đông Hà: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả trên thế giới, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và kinh tế xã hội của Việt Nam và các nước. Với những kết quả đạt được trong năm 2019, năm 2020 ngành du lịch Quảng Bình đặt kỳ vọng đón khoảng 5,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 350 ngàn khách quốc tế với tổng thu từ khách du lịch ước đạt 6.380 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì điều kiện khách quan tổng số khách du lịch đến Quảng Bình năm 2020 ước đạt 1.850.000 lượt khách, giảm 66,3% so với kế hoạch và giảm 63% so với cùng kỳ năm 2019. Để khắc phục những khó khăn mà năm 2020 để lại, chúng tôi đã có những chiến lược cụ thể để tạo “cú hích” cho năm 2021.

Cụ thể, chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, đặc biệt các dự án trọng điểm của tỉnh. Việc phát triển nhiều sản phẩm, loại hình du lịch và không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch đã góp phần quan trọng vào việc thu hút du khách. Các điểm đến, các dịch vụ du lịch đã được đầu tư phát triển mạnh.

Đồng thời đẩy mạnh kênh tiếp thị số trong các hoạt động cung cấp thông tin, hỗ trợ khách du lịch như: Xúc tiến việc quảng bá du lịch trên website về du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor; trang tìm kiếm lớn nhất thế giới Google (với 02 trang là Thư viện văn hóa Google – Google Art and Culture và trang tìm kiếm video YouTube), cũng như liên kết với các cơ quan báo, đài Trung ương và các địa phương trong cả nước để quảng bá du lịch Quảng Bình.

Công tác liên kết vùng du lịch tiếp tục được triển kha với việc vối tiếp hành động của năm 2020, như: Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác của vùng du lịch Quảng Bình-Thừa Thiên Huế-Quảng Nam-Đà Nẵng, 3 tỉnh Bình- Trị- Thiên, 4 tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa- Nghệ An -Hà Tĩnh- Quảng Bình). Liên kết hợp tác phát triển du lịch Liên kết hợp tác với các tỉnh trong khối liên kết Hà Nội – Quảng Bình – Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế; liên kết hợp tác Quảng Bình-Hà Nội, Quảng Bình- TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh thuộc “Con đường di sản Miền Trung”, các tỉnh trên hành lang kinh tế Đông Tây, các tỉnh thuộc 3 nước Việt Nam – Lào – Thái Lan sử dụng chung đường 8 và đường 12 để phát triển các sản phẩm du lịch.

Phát huy có hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển du lịch đã ký kết với các địa phương. Phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA) và các doanh nghiệp lữ hành lớn trong cả nước và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để kết nối và chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch mới của Quảng Bình. Phối hợp với các câu lạc bộ du lịch trên toàn quốc để phát triển các sản phẩm du lịch mới, các gói combo vé máy bay, phòng khách sạn với giá ưu đãi, các chương trình kích cầu hấp dẫn.

Hang động Quảng Bình đệ nhất kỳ quan động

Hang động Quảng Bình đệ nhất kỳ quan động.

Thưa ông, Quảng Bình là một trong những địa phương được thiên nhiên ưu đãi với những hang động kỳ thú vào bậc nhất thế giới, nhưng câu chuyện muốn phát triển bền vững trong du lịch chúng ta cần phải phát triển các loại hình như du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch lịch sử… vậy chiến lược của ngành du lịch Quảng Bình về những loại hình du lịch nói trên như thế nào?

Thiên nhiên ưu đãi cho Quảng Bình sẽ tạo sức hút đặc biệt với du lịch, với những lợi thế sẵn có, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch đã có. Tuy nhiên, để du lịch bền vững Quảng Bình đã mở rộng sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy, khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa lịch sử và quan sát linh trưởng tại xã Đồng Hóa và xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa. Tiếp tục phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng (homestay, farmstay) tại huyện Bố Trạch, thành phố Đồng Hới với nhiều cơ sở đẹp, tiện nghị. Hiện du lịch Quảng Bình đang khảo sát lập đề án phát triển sản phẩm Làng Văn hóa du lịch Cự Nẫm.

Du lịch Quảng Bình cũng sẽ mở rộng phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, phát triển các sản phẩm du lịch khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng. Nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch khám phá hang động, trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch cao cấp. Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch tại Phong Nha – Kẻ Bàng, đồng thời nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch mới mang tính độc đáo cao.

Đồng thời, triển khai thác có hiệu quả các sản phẩm khám phá trải nghiệm hiện có, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch động Thiên Đường, động Phong Nha, động Tiên Sơn, suối Nước Moọc, Vườn thực vật, sông Chày – hang Tối… Phát triển các dịch vụ bổ trợ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng. Phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái đa dạng hóa, hoàn thiện và phát triển mới các sản phẩm du lịch mạo hiểm, trải nghiệm khám phá tự nhiên tại các khu vực ngoài Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, như: khám phá hệ thống hang động Tú Làn (Minh Hóa), thác Tam Lu (Quảng Ninh), Khe Nước Lạnh, Khe Nước Trong, Khu bảo tồn rừng Động Châu và hình thành các khu du lịch sinh thái khác.

Phát triển loại hình du lịch văn hóa lịch sử như: Tiếp tục nghiên cứu hình thành và phát triển các các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa – lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian. Phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng: Nghiên cứu, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo của các tộc người, hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người. Triển khai mô hình và tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng tại xã Cự Nẫm, xã Hưng Trạch.

Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân được tham gia kinh doanh trong các khu, điểm du lịch, đồng thời ưu tiên sử dụng các sản phẩm nông nghiệp địa phương phục vụ du khách. Tận dụng các nguồn nguyên liệu, vật liệu địa phương để xây dựng các công trình nhằm tạo nét độc đáo về văn hóa cũng như tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng một trong những điểm hạn chế của du lịch Quảng Bình đó là khách lưu trú khi đến Quảng Bình vẫn còn ít ngày, dẫn đến du lịch Quảng Bình mang tính mùa vụ rất cao phải chăng vì du lịch Quảng Bình thiếu chỗ chơi? Vậy chiến lược sắp tới của du lịch Quảng Bình là gì để thu hút du khách ở lại Quảng Bình lâu hơn và du lịch có thể khai thác 4 mùa?

Hiện nay du lịch Quảng Bình kêu gọi, khuyến khích phát triển các dịch vụ thể thao trên biển như: Lướt ván, mô tô nước, dù bay, đua thuyền buồm; dịch vụ lặn biển ngắm san hô; du lịch tàu biển; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Kêu gọi đầu tư để hình thành các sản phẩm du lịch mùa đông, nhằm giảm ảnh hưởng của tính thời vụ. Đồng thời, kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư các điểm kinh doanh phục vụ khách du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, xây dựng các khu mua sắm, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị tại các điểm du lịch biển; nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống; hình thành các khu ẩm thực biển theo mô hình chợ đặc sản, hàng lưu niệm mang thương hiệu Quảng Bình.

Bên cạnh đó, dựa trên điều kiện phát triển của cơ sở hạ tầng du lịch, lợi thế về nguồn tài nguyên và sự liên kết phát triển du lịch giữa các doanh nghiệp, với các địa phương trong khu vực. Quảng Bình cần nghiên cứu để phát triển thêm các nhóm sản phẩm du lịch mới gồm: Du lịch lễ hội (festival tour), du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện); các sản phẩm du lịch đường sông trên các tuyến thủy nội địa Nhật Lệ – Long Đại, Sông Gianh, sông Son, sông Chày..

Suối nước Mooc điểm đến hấp dẫn của du lịch Quảng Bình

Suối nước Mooc điểm đến hấp dẫn của du lịch Quảng Bình.

Chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu các sản phẩm du lịch có khả năng thu hút được nguồn khách lớn. Trên nguyên tắc phát triển bền vững theo quy hoạch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như các công viên chủ đề về du lịch mạo hiểm, thám hiểm hang động, các dịch vụ giải trí ban đêm…

Thưa ông, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình hôm 17/1/2021 vừa qua, du lịch được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ông có thể nói rõ hơn về định hướng cho ngành du lịch?

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình có nhiều hạng mục, trong đó có 12 hạng mục mời gọi các nhà đầu tư trên lĩnh vực du lịch. Đó là tín hiệu đáng mừng và hy vọng khả quan của ngành du lịch Quảng Bình, bởi đây là những dự án du lịch trọng điểm đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí khám phá thiên nhiên, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khắc phục tính đơn điệu, vừa khắc phục được tính thời vụ, tạo đà hấp dẫn đến du khách. Hiện đã có nhiều tập đoàn lớn quan tâm tới du lịch Quảng Bình.

Tại Hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã nhấn mạnh mong muốn đưa Quảng Bình bứt phá đi lên, trở thành một tỉnh phát triển khá trong khu vực, một nơi mà con người và thiên nhiên luôn hòa quyện với nhau, một trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Với phương châm hợp tác cùng phát triển, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cam kết làm hết sức mình, đồng hành, tạo môi trường an toàn, thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư, cùng nhà đầu tư để biến ý tưởng thành hiện thực, xem sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công của tỉnh Quảng Bình, doanh nghiệp có phát triển thì Quảng Bình mới giàu và đẹp.

Thưa ông, công nghệ số giúp nhiều ngành nghề phát triển và giúp giải quyết nhiều bài toán khó trong đại dịch. Vậy du lịch Quảng Bình đã có chiến lược gì về chuyển đổi số trong ngành du lịch?

Hiện tại chúng tôi đang đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành du lịch như phát triển du lịch thông minh, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số để kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, mở rộng năng lực cung cấp dịch vụ kết hợp giữa kênh thực và kênh số, sử dụng tối đa các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch. Đồng thời sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Vậy ngoài những chiến lược trên, Quảng Bình còn xây dựng hành động cụ thể nào để thu hút du khách trong năm 2021?

Chúng tôi xây dựng phong trào ứng xử lịch sự, mến khách, tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, thân thiện, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”. Tích cực hưởng ứng các hoạt động du lịch vì lợi ích cộng đồng, vì sự phát triển của tỉnh. Quyết tâm tạo ra làn gió “Đại Phong” mới cho du lịch tỉnh Quảng Bình và Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

Theo doanhnghiepvn.vn
Bạn thấy bài viết này như thế nào?
Love
Haha
Wow
Sad
Angry
You have reacted on "Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình: Quyết tâm t..." A few seconds ago
No votes yet.
Please wait...

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận