Quảng Bình có hệ thống hang động đa dạng, trong đó hệ thống hang động trong VQG Phong Nha – Kẻ Bàng thu hút nhiều du khách. Vì lẽ đó, Quảng Bình chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch hang động gắn với phát triển bền vững.

Hang Pygmy. Ảnh: JungleBoss

Hang Pygmy. Ảnh: JungleBoss

Theo đánh giá của các nhà thám hiểm, khu vực hang động Phong Nha – Kẻ Bàng có thể có hàng ngàn hang động lớn nhỏ. Đến nay, số lượng hang động đã được khảo sát và thám hiểm đạt trên 350 hang động với tổng chiều dài lên 223km. Trong đó có những hang động đặc biệt như hang Khe Ry – hang nước dài nhất thế giới (18.902m), động Phong Nha – động có sông ngầm dài nhất (7.729m), động Thiên Đường – động khô có chiều dài và hệ thống thạch nhũ kỳ vĩ, độc đáo nhất (trên 7km), hang Én – hang động lớn thứ 3 trên thế giới có chiều cao cửa hang đến 78m. Đặc biệt là hang Sơn Đòng – hang lớn nhất thế giới với chiều rộng 200m, dài 9km, cao hơn 150m và có thể tích 38,5 triệu m3. Các nhà thám hiểm đánh giá vùng Phong Nha – Kẻ Bàng có thể được xem là “vương quốc” hang động của thế giới.

Hiện Quảng Bình có 25 sản phẩm du lịch chính với nhiều loại hình hấp dẫn, trong đó có 18 loại hình khám phá, trải nghiệm hay mạo hiểm đã được tổ chức tại vùng Phong Nha – Kẻ Bàng như: khám phá, thám hiểm hang Va – hang Nước Nứt; thám hiểm hệ thống hang động Tú Làn – hang Tiên; khám phá Rào Thương – hang Én; khám phá thung lũng Ma Da – hang Trạ Ang; khám phá hang Vòm, hang Giếng Voọc, hang Én, hang Pygmy, hang Đại Ả, hang Over… Đặc biệt nhất là thám hiểm hang Sơn Đòng. Từ những kết quả khảo sát của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, Quảng Bình đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch khám phá hang động, biến loại hình này trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, khẳng định thương hiệu của Du lịch Quảng Bình trên bản đồ thế giới.

Thung lũng Mada. Ảnh: JungleBoss

Thung lũng Mada. Ảnh: JungleBoss

Đối với Du lịch Quảng Bình, phát triển sản phẩm du lịch hang động là nhiệm vụ quan trọng liên quan đến sự phát triển du lịch bền vững trong tương lai. Vì vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và đa dạng hóa sản phẩm là việc làm thường xuyên, song hành trong thời gian tới. Các sản phẩm du lịch phải độc đáo, mang sắc thái riêng để Quảng Bình xứng đáng là xứ sở của “Vương quốc hang động”.

Quảng Bình hiện có 18 tuyến, điểm du lịch hang động được đưa vào khai thác, trong đó tập trung chủ yếu tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hang động, Quảng Bình sẽ tổ chức đánh giá lại hiệu quả của toàn bộ các tuyến điểm này thông qua hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và sự hài lòng của du khách bằng một số tiêu chí cụ thể như: cảnh quan hang động, chất lượng, giá cả, thái độ phục vụ, mức độ quan tâm của du khách với sản phẩm, công tác bảo vệ môi trường, an toàn, an ninh trật tự… Từ đó tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình một số tuyến điểm du lịch hang động phù hợp với điều kiện thực tế và hiệu quả khai thác, giảm áp lực lên môi trường. Cụ thể như, Quảng Bình đã điều chỉnh tuyến chinh phục Sơn Đoòng theo lộ trình mới từ năm 2017, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn cũng như phương án đảm bảo an toàn cho du khách khi thời tiết xấu xảy ra, tăng số lượng khách tham quan và tăng nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tác động đến nền hang động do quá trình tham quan không lặp lại lộ trình…

Trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ chú trọng tổ chức các sự kiện du lịch, thể thao, các hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng để thu hút khách. Trong đó, Lễ hội hang động Quảng Bình là một sản phẩm du lịch đặc thù, mang tính độc đáo, có giá trị văn hóa cao cần được khai thác hiệu quả hơn.

Bên cạnh khai thác và phát triển bền vững tài nguyên du lịch hang động hiện có, Quảng Bình sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, xây dựng các tuyến, điểm du lịch hang động mới, có tiềm năng như động Bùn, động Bí Ẩn tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng; một số hang động nằm trong hệ thống hang động Tú Làn, huyện Minh Hóa; xây dựng kịch bản cho các tour du lịch hang động với các loại hình và thời gian khác nhau để phục vụ cho mọi đối tượng khách du lịch đi kèm với các loại hình dịch vụ bổ trợ, bản sắc văn hóa và hạ tầng du lịch. Ví dụ như kết hợp sản phẩm du lịch mạo hiểm khám phá hang động, bảo tồn sinh thái với mô hình homestay, farmstay, leo núi, dã ngoại, ngắm chim/ thú, tham quan nghỉ dưỡng; kết hợp các tuyến du lịch hang động như tuyến “Chinh phục Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới” hay tuyến “Khám phá thiên nhiên Rào Thương – hang Én” với việc khai thác bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản Đoòng nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn.

Động Thiên Đường. Ảnh: Công Thành

Động Thiên Đường. Ảnh: Công Thành

Thời gian qua, tại các điểm hang động như hang Tối, hang Tú Làn, động Thiên Đường… đều có các trò chơi, chương trình trải nghiệm dài ngày cho du khách như khám phá Xuyên Sơn Hồ và chinh phục 4,5km sông ngầm động Phong Nha, chinh phục 6km theo hệ thống sông Chày – hang Tối, tắm bùn trong hang Tối, đu dây tự do với hệ thống zipline hai dây dài nhất Việt Nam với độ dài lên tới 400m và cầu mạo hiểm dài gần 60m, cách mặt nước 0,7m được thiết kế với các chướng ngại từ dễ đến rất khó để người chơi thử thách… Thời gian tới, Quảng Bình sẽ chú trọng đầu tư, khai thác thêm các trò chơi, chương trình trải nghiệm đi bộ trekking, leo núi, thám hiểm hang động, chèo thuyền trong các hang động có sông ngầm, ngắm động vật hoang dã… ở các hang động khác. Đồng thời phát triển các dự án khu lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực huyện Bố Trạch, Khu du lịch Đá Bàn, Khu du lịch Ba Trại, làng bích họa Lý Hòa, Đức Trạch, Nhân Trạch, làng du lịch Bồng Lai, Hưng Trạch…; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình vui chơi giải trí hiện đại, mạo hiểm, đặc thù, trong đó chú trọng phát triển mạnh các sản phẩm du lịch hang động mới, đặc trưng.

Mặt khác, Quảng Bình sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch cộng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo của các dân tộc nhằm hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia kinh doanh trong các khu, điểm du lịch. Đồng thời, ưu tiên sử dụng các sản phẩm nông nghiệp địa phương phục vụ du khách; tận dụng các nguồn nguyên liệu, vật liệu địa phương để xây dựng các công trình hạ tầng du lịch nhằm tạo nét độc đáo về văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Đặng Đông Hà (PGĐ Sở Du lịch QUảng Bình)

Để lại bình luận