Những ngôi nhà chìm trong biển nước. Hàng trăm người dân phải tá túc trên những lèn đá, ăn tạm mì tôm đợi ngày lũ rút. “Rốn lũ” Tân Hóa (Minh Hóa) từng đi qua những ngày chật vật như thế. Vậy mà, như những cánh đồng ngô hồi sinh mướt mắt sau những ngày ngập ngụa trong bùn nước, “rốn lũ” xưa nay đã trở thành làng du lịch mà mỗi địa danh, mỗi hang động chỉ nhắc tên thôi đã thấy thân thương. Sau những vất vả, toan lo, không khí du lịch thực sự làm hồi sinh cuộc sống nơi vùng đất này.
Bỏ nhà, chạy lũ
Trong ký ức của anh Trương Quang Lương ở thôn 4 Yên Thọ, xã Tân Hóa, lấp đầy hình ảnh quê hương ngập chìm trong những ngày mưa lũ, đói rét. 43 tuổi với hàng chục trận lũ đi qua cuộc đời mình, với anh, mỗi mùa lũ về thực sự là những chuỗi ngày ám ảnh khi bao quanh tứ phía là nước. Những ngôi nhà ngập sâu trong nước. Trâu bò, lợn, gà bị trôi theo dòng nước lũ. Tài sản ngập ngụa trong bùn đất ngày trở về.
Trong những khoảnh khắc chật vật đối diện với thiên tai, người Tân Hóa lại lũ lượt kéo nhau lên lèn đá tránh lũ. Khó khăn, thiếu thốn đủ bề. “Hồi chưa có nhà nổi, hễ cứ nghe tin có mưa là bà con lại bồng bế nhau lên mấy lèn đá cao, làm lán để tránh lụt. Như trận lụt năm 2010, nhà tôi phải ở lèn đá suốt 13 ngày. Cuộc sống “màn trời, chiếu đất” với đói rét và vất vả chỉ biết nương nhờ vào từng gói mỳ tôm, từng chai nước uống cứu trợ. Nên với bà con ở đây, dù đã quen với việc sống chung với lũ lụt nhưng cứ hễ nhắc tới lũ lụt là vẫn còn ám ảnh lắm”, anh Lương bồi hồi nhớ lại.
Tân Hóa là một thung lũng nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá vôi. Dòng Rào Nan khởi nguồn từ vùng núi giáp biên giới Việt-Lào, chảy ngầm khoảng gần 3km vào hang Rục thuộc xã Trung Hóa rồi chảy về hạ nguồn tại xã Tân Hóa. Hễ cứ mùa mưa đến, những dòng nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về nơi này. Những lối thoát cuối các hang động không đủ sức để tháo nước, khiến cho vùng đất Tân Hóa lại ngập chìm trong nước lũ, kéo dài nhiều ngày liền.
Tân Hóa trở thành “rốn lũ” khi mỗi mùa mưa đến, tất cả những ngôi nhà nơi đây đều ngập chìm trong biển nước. Người dân Tân Hóa đã quen với cuộc sống của những ngày mưa lũ, quen với cái khổ của những ngày ngập chìm trong dòng nước bạc.
Ngay phía đầu làng có một cột đo mức nước lũ ghi dấu những cơn đại hồng thủy như nhắc nhớ người Tân Hóa về ký ức không thể quên. “Hễ cứ nghe mưa là lên thuyền chạy ngược lên lèn đá. Già trẻ, lớn bé chẳng ai dám ở lại khi nước lũ cứ năm sau cao hơn năm trước”, anh Trương Duy Hưng ở thôn 3 Yên Thọ, Tân Hóa bồi hồi nhớ lại những lần chèo thuyền chở bà con chạy lũ. Nơi mảnh đất này, có những đứa trẻ được sinh ra trong những ngày mưa lũ trắng trời.
Chị Trương Thị Huế ở thôn 3 Yên Thọ sinh con vào đúng những ngày mưa lũ lịch sử năm 2010. Đứa trẻ đỏ hỏn cùng mẹ phải nương nhờ tầng 2 trạm y tế xã trong suốt 10 ngày trời, giữa cơ man nước và vời vợi nỗi buồn. Có những cuộc đời bỗng chốc tay trắng khi mọi tài sản đều bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ. Lũ đến, họ ngược ngàn chạy lũ. Lũ rút, họ trở về khi tất cả mọi tài sản đều ngập ngụa trong bùn đất. Cuộc sống tưởng sẽ chỉ quẩn quanh trong đói nghèo, xơ xác và chật vật mưu sinh sau những ngày mưa lũ trắng trời.
“Rũ bùn đứng dậy”
Giờ tan trường, những đứa trẻ hồ hởi trở về nhà trên con đường làng xanh mướt mắt. Không rõ những khuôn mặt lấp lánh niềm vui ấy có đứa trẻ nào từng được sinh ra trong dòng lũ dữ, chỉ thấy ánh mắt đen, ngây thơ hiển hiện niềm háo hức lạ thường. Chúng vẫy tay chào du khách tự nhiên như thể sự hiện diện của những người khách lạ đã trở thành điều quen thuộc nơi này.
Bởi giờ đây, mảnh đất Tân Hóa được nhắc đến như một địa chỉ du lịch và người dân Tân Hóa đang từng ngày nỗ lực hồi sinh mảnh đất vùng “rốn lũ”. Mà nói như cụ Trương Thanh Tân )thôn 3 Yên Thọ, xã Tân Hóa) – người đã có trọn vẹn gần một thế kỷ gắn bó với mảnh đất này rằng, “Xưa nhắc đến Tân Hóa là nghĩ tới lụt, tới nghèo đói, còn nay, Tân Hóa có nhà nổi, không còn lo khi có lụt và làng quê đã đổi thay nhiều lắm rồi”.
Như lời cụ nói, không chỉ có lũ lụt, thiên tai, Tân Hóa còn được thiên nhiên hào sảng ban tặng cho cảnh sắc lung linh với những đồi cỏ xanh nằm yên bình dưới chân núi đồi hùng vĩ, dòng Rào Nan uốn lượn giữa làng mạc và hệ thống hang động Tú Làn đẹp như bước ra từ cổ tích.
Cảnh sắc nơi này từng được chọn làm bối cảnh cho những bộ phim nổi tiếng trong nước cũng như quốc tế, như: “Người bất tử”, “Truyền thuyết về Quán Tiên” và phim “Kong-Đảo đầu lâu”. Cảnh sắc thiên nhiên, cùng tài nguyên văn hóa phong phú đã trở thành điều kiện thuận lợi, giúp cho mảnh đất này phát triển du lịch, trong đó, đẩy mạnh du lịch cộng đồng.
Năm 2011, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis) được cấp phép khảo sát và chạy thử nghiệm các tour du lịch khám phá mạo hiểm tại khu vực hệ thống hang động Tú Làn. Đến năm 2014, tuyến du lịch khám phá Tú Làn chính thức được vận hành với 9 tour, cùng nhiều loại hình khác nhau. Những bước khởi động ấy đã đặt những viên gạch đầu tiên để định hình nên làng du lịch Tân Hóa hôm nay.
Từ một làng quê quanh năm đối diện với khó nghèo, mưa lũ, chật vật mưu sinh dưới những lèn núi đá vôi, Tân Hóa bắt đầu tham gia vào hoạt động du lịch của Oxalis. Những người nông dân quanh năm chỉ biết đến ruộng ngô, nuôi bò hay ngược ngàn khai thác gỗ, nay đã tham gia các khóa tập huấn, đào tạo để trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá Tú Làn.
Ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, toàn xã có hơn 3.300 nhân khẩu, trong đó có hơn 100 người đang tham gia các hoạt động du lịch tại địa phương. Những công việc này giúp các hộ dân có mức thu nhập khá, góp phần ổn định đời sống. Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, doanh nghiệp, Tân Hóa đang nỗ lực để trong 3 năm tới, ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. |
Hiểu từng cánh rừng, từng hang đá, nên không ai khác, họ chính là những chủ lực hướng dẫn du khách khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp của quê hương mình. Từ những người đầu tiên, đến nay, toàn xã có hơn 100 lao động tham gia vào các hoạt động phục vụ du lịch và có nguồn thu nhập khá từ công việc mới mẻ này.
Mỗi năm, các tour khám phá hệ thống hang động Tú Làn đón gần 10.000 lượt khách. Sự xuất hiện của những người khách phương xa thực sự mang đến làn gió tươi mới cho vùng đất giữa bốn bề núi đá này. Người dân Tân Hóa bắt đầu quen dần với sự hiện diện ấy và cũng hòa mình vào không khí này bằng việc chủ động tham gia vào các hoạt động du lịch.
Việc du khách của các tour khám phá Tú Làn cùng trải nghiệm dịch vụ ăn tối tại nhà dân đi kèm các sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết đã mang đến việc làm, nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Một cộng đồng làm du lịch dần được hình thành.
Như những nương ngô lại tốt tươi sau mỗi bận lũ rút, sau những chật vật của thiên tai, đói nghèo, vùng “rốn lũ” Tân Hóa đã thực sự “rũ bùn đứng dậy” để hồi sinh mạnh mẽ. Phía Tây Bắc Quảng Bình, một làng du lịch cộng đồng đã thực sự nên dáng, thành hình.
Theo baoquangbinh.vn
Bạn thấy bài viết này như thế nào?
You have reacted on "“Rốn lũ” làm du lịch"
A few seconds ago