Tin tức

Blogger du lịch Quỷ Cốc Tử ghi lại vẻ đẹp của hang động sau mùa lũ, trong chuyến thám hiểm Sơn Đoòng đầu tiên năm 2021.

Ngày đầu tiên, đoàn của Quỷ Cốc Tử (Ngô Trần Hải An) di chuyển từ Phong Nha đến cửa Hang Én để hạ trại. Suốt hành trình là 11 km đường băng rừng, suối. Do điều kiện thời tiết, đoàn không gặp khe sáng rọi từ cửa hang.

Hang Én là hang động lớn thứ 3 trên thế giới, được phát hiện và công bố năm 1994. Ở đây có hồ nước lớn, với màu xanh ngọc tự nhiên. Đoàn đi xuyên qua hang để đến Sơn Đoòng.

Từ miệng hang, đoàn phải đu dây khoảng 80 m để xuống dưới. Đường đi dốc đứng, tối và trơn trượt khiến đoàn mất khoảng 2 tiếng di chuyển.

Trong hang Sơn Đoòng có địa hình vô cùng đa dạng, đoàn gặp nhiều đoạn đường hẹp và trơn trượt. Một số điểm phải lội qua làn nước lạnh, trong khe hẹp chỉ đủ một cánh tay dang rộng. Đoàn di chuyển hoàn toàn trong bóng tối, với sự hỗ trợ của đèn pin.

Ngày thứ 2, trên đường đến hố sụt 1, đoàn tới hố Jame Bond, hố đá tròn tự nhiên tạo thành. Hải An cho biết, đây là một trong những điểm thể hiện mặt độc đáo của quá trình kiến tạo hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.

Đường đi tới hố sụt 1 hay còn gọi là Vọng Khủng Long, với nhiều khối thạch nhũ khổng lồ. Trên đường, đoàn được đi qua hàng lang hóa thạch, nơi in hằn những hóa thạch san hô có niên đại từ 300 triệu năm.

Sơn Đoòng có chiều dài khoảng 9 km, rộng 160 m và chiều cao trần tới 200 m, đủ lớn để chứa một tòa nhà 40 tầng.

Khối thạch nhũ được gọi tên “Bánh cưới” tại hố sụt 1. Khi đến đây, thời tiết lạnh, nước từ trên dội xuống làm con đường trơn trượt. “Ở đây, khung cảnh vô cùng ma mị với làn sương mờ ảo như những đám mây trong hang”, anh nói.

Hố sụt thứ 2 hay Vườn Địa Đàng hiện lên trước mắt anh vô cùng hùng vĩ. Với sự hình thành của hố sụt, ánh sáng chiếu rọi tới đâu, ở có tạo nên một khu rừng với thảm thực vật xanh rì. Ở đây có một đồi đá với những bậc tự nhiên hướng lên vườn. Ở trung tâm hố có nhiều loại cây rừng lớn.

Vườn địa đàng nhìn từ bãi trại. Với Hải An, đây là điểm hạ trại đẹp nhất trong 3 ngày khám phá hang động, trên nền hang phủ cát trắng. Nhìn từ đây, con người như một chấm nhỏ trong lòng hang.

Trên đường đến điểm cuối của hành trình, đoàn đi thuyền qua “dòng sông” dài khoảng 700 m, nước bên dưới rất lạnh. Thực chất, đây là một đoạn hang bùn lầy, vào mùa mưa khi nước dâng cao sẽ tạo nên khung cảnh giống một dòng sông.

Hải An cho biết, ở đây khung cảnh vô cùng tráng lệ, khi có nhiều khối thạch nhũ cao hàng chục mét cắm sâu dưới lòng sông. Anh cho rằng ở đây có nhiều khoáng chất nên làn nước có màu xanh biếc.

Điểm cuối của hành trình, đoàn đến với Bức tường Việt Nam. Đây là bức tường thạch nhũ cao 90 m, điểm khó chinh phục nhất trong hành trình. Ở đây, đoàn phải sử dụng các thiết bị bảo hộ và được sự hộ trợ của đội ngũ an toàn.

Ở chặng đầu tiên, đường dốc khoảng 60 – 70 độ, thành viên trong đoàn phải bám chặt dây và dùng sức đi từng bước lớn.

Quỷ Cốc Tử thực hiện chuyến thám hiểm Sơn Đoòng trong ngày 16-19/2. Đoàn có tổng cộng 70 người, trong đó có các phóng viên trong nước và quốc tế, Trần Đặng Đăng Khoa – Người Việt vòng quanh thế giới bằng xe máy, Trần Tuấn Việt – Nhiếp ảnh gia của NatGeo tại Việt Nam. Ngoài ra là 40 người hỗ trợ, cùng các chuyên gia hang động của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh.

Hải An chia sẻ, đây là chuyến đi khảo sát an toàn trong hang động đầu năm mới, sau mỗi mùa lũ quét qua Quảng Bình. Dù gặp thời tiết không thuận lợi, chuyến đi để lại trong anh rất nhiều cảm xúc. Anh được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp rất khác lạ của hang động, đồng thời có thể ghi lại nhiều bức ảnh và video đẹp về hành trình.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?
Love
Haha
Wow
Sad
Angry
You have reacted on "Vẻ đẹp Sơn Đoòng trong mùa mưa" A few seconds ago
No votes yet.
Please wait...

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận