Miếu Nam Lãnh là di tích lịch sử đã được Sở Văn hoá Thông tin Quảng Bình công nhận năm 2002. Đây là nơi thờ, tế lễ những người có công lập làng và những vị thần bảo hộ cho làng.
Quần thể di tích Miếu Nam Lãnh được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII, miếu nằm ở lưng chừng trên một vùng đất nhô cao mà nhân dân ở đây thường gọi là Lòi Trọc, thuộc địa phần thôn Nam Lãnh – xã Quảng Phú – huyện Quảng Trạch – Tỉnh Quảng Bình. Miếu nằm quay mặt về hướng Đông – Nam. Toàn bộ khuôn viên miếu rộng 480m2. Từ ngoài vào gồm: Cổng, miếu thứ nhất bên trái, bức bình phong, miếu thứ hai bên trái, miếu chính và miếu thứ tư bên phải.
Xung quang khu vực miếu là những ụ đá to mọc chồng lên nhau, cây cối mọc um tùm, tạo nên một khung cảnh rất linh thiêng.
Cổng miếu được làm bằng hai cột đá tai mèo, cao khoảng 1m, khoảng cách giữa hai cột là 3,5m.
Cách cổng khoảng 6m là miếu thứ nhất, miếu nằm phía bên trái, trước cửa miếu có hai chữ Hán, được phiên nâm là: Cách Tư (Dịch nghĩa: Cách – khuôn phép; Tư – kính mến), có nghĩa là: Đã có lòng kính mến đến đây thì phải tuân theo khuôn phép. Ngôi miếu này tương tự như nhà thường trực để bước đầu giao tiếp với khách đến thăm miếu. Ngoài ra hai bên thành miếu còn có hai câu đối bằng chữ Hán, nhưng nay đã lu mờ không còn đọc được.
Tiếp theo trước cửa quần thể ba ngôi miếu liền nhau là một bức bình phong có nhiều hoa văn và một con ngựa đắp nổi ghép sành sứ, bức bình phong này đã mất một nữa phần trên. Trước mặt bình phong có một bàn thờ, hai bên là hai con voi chầu vào, nhưng nay còn con bên phải là tương đối nguyên vẹn, con bên trái đã sứt mẻ nhiều.
Miếu thứ hai là miếu nằm bên trái của quần thể ba miếu liền nhau, trước cửa miếu có hai chữ Hán được phiên âm là: Trang Tĩnh (Trang – nghiêm trang, kính cẩn; Tĩnh – yên tĩnh, trong sạch), có nghĩa là phải chỉnh đốn tư cách thật trang nghiêm, trong sạch cả về thể chất lẫn tinh thần để vào kính lễ thần linh. Miếu này có nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhỡ lại tư thế của khách chuẩn bị vào kính lễ thần linh cho nghiêm chỉnh. Miếu cũng có hai câu đối bằng chữ Hán hai bên thành nhưng đã bị lu mờ không còn đọc được.
Miếu chính giữa (miếu thứ ba) là miếu trung tâm, trước cửa miếu có 3 chữ Hán được phiên âm là Từ Anh Linh, có nghĩa là miếu thờ vị thần anh dũng, linh thiêng hiển hách. Miếu này còn tương đối hoàn chỉnh. Mặt của hai trụ ngoài cùng có hai câu đối bằng chữ Hán, đọc phiên âm từ phải qua là:
Tráng liệt thần y quang hải Bắc
Trang nghiêm điện ngọc thọ sơn Nam.
Có nghĩa là:
Hiển hách sáng ngời thần bể Bắc
Trang nghiêm còn mãi điện son Nam.
Kế liền hai trụ ngoài cùng là bức thành với hình của ông Thiện và ông Ác. Phần miếu chính gồm hai trụ hai bên cửa miếu, với hoa văn hình rồng dân gian đang vờn mây, được đắp nổi và ghép bằng sành sứ rất đẹp. Liền sát hai trụ là hai thành miếu và hai câu đối hai bên bằng chữ Hán, được phiên âm:
Duy trì tam bảo phước
Bảo hữu tứ phương dân.
Có nghĩa là:
Giữ gìn cõi phúc nơi tam bảo
Giúp đỡ nhân dân ở bốn phương.
Bàn thờ của miếu chính có hoa văn hình hai con rồng chầu vào nhau, trên bàn thờ có một lư hương, phía sau có hoa văn hình rồng vờn mây rất đẹp và còn rất nguyên vẹn.
Miếu cuối cùng là miếu thứ tư bên phải. Trước cửa miếu có hai chữ Hán được phiên âm là Tráng Địch, có nghĩa là dẫn dắt lên cho thêm mạnh mẽ. Miếu này xác nhận lòng thành kính của những thiện nam tín nữ đến kính lễ thần linh thì được ban cho sức mạnh, dẫn dắt cho thành đạt, hưởng hạnh phúc dồi dào… Cũng như miếu thứ nhất và miếu thứ hai, miếu này trước mặt trụ cũng có hai câu đối bằng chữ Hán nhưng đã lu mờ không còn đọc được.
Tất cả bốn ngôi miếu này đều có phần đỉnh gồm ba tầng, tất cả mái đều được lợp ngói âm dương, mái cong hình đao chạm đầu rồng, khoảng cách giữa các tầng đều có hoa văn hình rồng chơi hoa, được đắp nổi và ghép bằng sành sứ.