Trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, Quảng Bình là chiến trường giao tranh chủ yếu của hai thế lực Đàng Trong-Đàng Ngoài. Được sự hiến kế của Đào Duy Từ nhà quân sự tài ba thời bấy giờ, chúa Nguyễn đã cho xây dựng ở đây một hệ thống tuyến phòng ngự để chống lại sự tấn công của quân Trịnh. Hệ thống này có tên gọi là Luỹ Thầy gồm có 4 bức luỹ: Luỹ Trường Dục, xây năm 1630; Luỹ Đâu Mâu-Nhật Lệ, xây năm 1631; Luỹ Trường Sa, xây năm 1634 và Luỹ An Náu, xây năm 1661.

vo thang quan 01

Võ Thắng Quan thuộc bức luỹ Đâu Mâu-Nhật Lệ (còn gọi là Định Bắc Trường Thành). Luỹ này bắt đầu từ chân núi Đâu Mâu chạy dài về đến cửa biển Nhật Lệ, được chia làm hai đoạn: đoạn thứ nhất từ động Ông Hồi dưới chân núi Đâu Mâu ven theo phía Nam sông Lệ Kỳ về đến Cầu Dài được gọi với nhiều tên khác nhau như luỹ Động Hồi, luỹ Ông Hồi, luỹ Đâu Mâu; đoạn thứ hai, bắt đầu từ Cầu Dài luỹ tiếp tục đi theo bờ phía Đông con hói Thuận Lý, vòng qua làng Phú Ninh (Đồng Phú ngày nay) về đến chân đồi cát Hải Thành, vượt đỉnh đồi, xuống tận cửa Nhật Lệ gọi là luỹ Trấn Ninh, luỹ Động Hải, luỹ Nhật Lệ, Chính luỹ. Trên dọc chiều dài hơn 3000 trượng (12km) của bức luỹ này có ba cửa quan : Võ Thắng Quan, Quảng Bình Quan và cửa Thủ Ngự.

Võ Thắng Quan có kích thước: dài 2 trượng 1 thước, ngang 2 trượng 5 thước, có thành ngoài hộ vệ, cửa quan dài 14 trượng 6 thước, cao 3 thước ; tên cũ là Lý Chính Đại Quan Môn (Lý Chính là sự lắp ghép giữa hai tên làng Chính Thỉ tức làng Trung Nghĩa ngày nay và Minh Lý tức làng Thuận Lý về sau). Sách Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn chép về cổng này như sau : ‘‘…ở phía Tây trong trường thành Định Bắc, quy chế cũng như Quảng Bình Quan, trước gọi là Lý Chính Đại Quan Môn, năm Minh Mạng thứ 7 (1827) đổi tên hiện nay, năm Minh Mạng thứ 8 (1828) xây gạch đá…’’.

Ngoài hai tên gọi đã được lưu trong sử sách, Võ Thắng Quan còn có một tên gọi dân gian khác là Cổng Thượng, điều này xuất phát từ vai trò, tác dụng của nó trong tuyến luỹ Đâu Mâu-Nhật Lệ.

Võ Thắng Quan hiện nằm ở địa phận xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Trãi qua bao thăng trầm lịch sử và sự bào mòn của thời gian, khí hậu, cổng Võ Thắng Quan ngày nay ít nhiều đã bị hư hỏng, xuống cấp nhưng vẫn còn mang đậm dáng vẻ của ngày xưa. Cùng với Quảng Bình Quan, Võ Thắng Quan là những di sản vật thể quý báu, dấu tích của một phòng tuyến quan trọng trong thời kỳ giao tranh ác liệt của hai thế lực Trịnh-Nguyễn ở trên đất Quảng Bình vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay./.

Để lại bình luận