Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-09-1912 tại làng Lệ Mỹ, thị xã Đồng Hới (nay là phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).
Ông Nguyễn Văn Toản, thân sinh Hàn Mặc Tử là con trưởng của cụ Phạm Bồi. Lúc sinh Hàn Mặc Tử ông Nguyễn Văn Toản đang làm Chủ sự Sở Thương Chánh Nhật Lệ – Đồng Hới. Lớn lên, Hàn Mặc Tử theo cụ thân sinh đi nhiều nơi và theo học ở các trường Tiểu học Sa Kỳ (1920), Quy Nhơn, Bồng Sơn (1921-1923), Sa Kỳ (1924)… đến năm 1926, cụ thân sinh của Hàn Mặc Tử bị bệnh và mất ở Huế, Hàn Mặc Tử được mẹ cho học tiếp ở trường Pellevin – Huế. Năm 1930, Hàn Mặc Tử mới thôi học theo mẹ vào Quy Nhơn.
Hàn Mặc Tử có tất cả 6 anh chị em, trong đó người anh cả tên là Nguyễn Bá Nhân, hiệu Mộng Châu là một nhà thơ Đường luật. Cũng chính nhờ người anh cả mà đường học vấn của Hàn Mặc Tử không bị dở dang sau khi cha anh qua đời và cũng chính người anh đã dìu dắt Hàn Mặc Tử bước vào làng thơ.
Năm 15 tuổi đã làm thơ và bắt đầu nổi tiếng trên thi đàn, Hàn Mặc Tử đã họa lại thơ của Mộng Châu. Lúc họa thơ, ký là Minh Duệ Thị, sau đổi là Phong Trần, rồi đổi là Lệ Thanh (Lệ là chữ đầu của sinh quán làng Lệ Mỹ – Đồng Hới, còn Thanh là chữ đầu của chánh quán Thanh Tân – Phong Điền – Huế). Sau đó lại đổi là Hàn Mạc Tử và cuối cùng mới lấy hiệu là Hàn Mặc Tử.
Từ năm 1934, Hàn Mặc Tử làm báo ở Sài Gòn. Năm 1936, Hàn Mặc Tử cho xuất bản tập ’’Gái quê’’ lừng danh và đây cũng chính là lúc anh phát hiện mình bị bệnh hủi. Một ’’fan’’ nữ mới 22 tuổi tên là Mai Đình do quá hâm mộ thi sĩ đã bỏ hết nhà cửa tự nguyện và Quy Nhơn chăm sóc cho Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử chết ở nhà thương Quy Hoà vào ngày 11-11-1940, khi ấy anh mới 28 tuổi.
Hàn Mặc Tử, một con người có tài văn thơ từ rất sớm. Có những bài thơ như ’’Cửa sổ đêm khuya’’ sáng tác lúc mới 17-18 tuổi; điều độc đáo của bài thơ này là có đến 6 cách đọc (đọc xuôi, đọc ngược, cắt bỏ hai chữ đầu, cắt bỏ hai chữ cuối). Cụ Phan Bội Châu cũng đã ca ngợi Hàn Mặc Tử và đã có lần họa thơ cùng. Cụ đã viết đại ý rằng: ’’Từ khi về nước đến nay, được xem nhiều thơ văn quốc âm song chưa được bài nào hay đến thế. Hồng nam nhạn bắc, ước ao có ngày gặp gỡ bắt tay cười to một tiếng cho thoả hồn thơ đó’’. Hàn Mặc Tử ra Huế thăm cụ Phan Bội Châu bị mật thám theo dõi và do thế bị gạch tên trong danh sách những người đi Pháp học. Rồi những cái tên như Mai Đình, Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Thương Thương, Ngọc… những người con gái đã vô cùng hâm mộ Hàn Mặc Tử, đã từng đi qua hay ở lại trong đời, có những người nhà thơ chưa hề gặp mặt. Đặc biệt là cậu bé Hành, người đã bốn năm trời chăm sóc, đem cơm cho Hàn Mặc Tử trong thời gian anh sống chui, trốn lủi để không bị bắt đưa vào trại cùi trong núi.
Hàn Mặc Tử – mặc dù không phải là người Đồng Hới – Quảng Bình mà chỉ sinh ra đặt tên Thánh ở Nhà thờ Tam Toà và cũng chỉ sống ở Đồng Hới có 1/3 cuộc đời ngắn ngủi (9 năm); mặc dù nhà thơ không có một tác phẩm nào về Đồng Hới hay Quảng Bình nhưng khi đọc thơ Hàn Mặc Tử, người Đồng Hới hay người Quảng Bình, người ta vẫn tìm thấy trong đó chất quê, tình quê Quảng Bình toát lên từ mỗi câu thơ, và do đó coi Hàn Mặc Tử là người đồng hương của mình. Đó chính là việc dựa vào cách dùng thổ ngữ, tục ngữ hay thành ngữ địa phương trong thơ của Hàn Mặc Tử. Trong cuốn ’’Địa chí Đồng Hới’’, cụ Nguyễn Tú – Nhà Nghiên cứu văn hoá Quảng Bình đã tìm ra hàng chục bài thơ của Hàn Mặc Tử có sử dụng thổ ngữ địa phương. Có những từ ngữ địa phương khá thông dụng từ ngày xưa gần như các cụ già mới dùng đến, vậy mà ta vẫn thường gặp trong thơ Hàn Mặc Tử, đến nỗi có nhiều người nghĩ rằng nếu tác giả không phải là người Quảng Bình thì nhất định không biết sử dụng.
Hàn Mặc Tử – con người tài hoa nhưng bạc mệnh. Thi nhân ra đi khi còn quá trẻ và sự nghiệp văn thơ cũng vừa mới bắt đầu. Tuy nhiên, dù chỉ có hơn 10 năm từ khi chập chững bước vào làng thơ cho đến khi rời xa cõi đời, Hàn Mặc Tử cũng đã kịp cho xuất bản hơn 10 tập thơ với hàng chục bài thơ đặc sắc; không chỉ có vậy, thi nhân để lại trong lòng hàng triệu người hâm mộ trên khắp mọi miền tình cảm mến thương và tiếc nuối khôn nguôi.