Các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình

Giới thiệu

Quảng Bình, một trong những địa phương giàu tài nguyên thiên nhiên và giá trị văn hóa, lịch sử, là nơi sinh sống của các nhóm DTTS đậm đà bản sắc, có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, đa dạng. Hiện nay, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại 15 xã và 3 bản trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy với diện tích tự nhiên hơn 3.800 km2 , dân số trên 6.400 hộ với gần 28.000 người (chiếm khoảng 2,96% dân số của tỉnh).

Trong đó, dân tộc Bru – Vân Kiều gồm các tộc người: Vân Kiều, Trì, Khùa, Ma Coong với hơn 19.400 nhân khẩu và dân tộc Chứt gồm các tộc người Sách, Mày, Rục, Arem, Mãliềng với hơn 7.200 nhân khẩu. Các nhóm người đều có tập tục và tiếng nói riêng, tuy nhiên đã xuất hiện sự giao thoa, đan xen văn hóa giữa các tộc người với nhau, giữa dân tộc thiểu số và dân tộc kinh, giữa dân tộc bản địa với các dân tộc nước bạn Lào, làm dày thêm sự độc đáo và đặc sắc trong giá trị văn hóa của họ. Nhờ sự quan tâm vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, bộ mặt vùng đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh ngày càng khởi sắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện, phát triển. Một bộ phận đồng bào biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Số hộ đồng bào dân tộc có thu nhập khá trở lên ngày càng tăng; có hơn 700 hộ làm ăn khá, giỏi, trong đó gần 200 hộ có thu nhập từ 70 triệu đồng trở lên/năm. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm bình quân từ 4-5%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 88,23% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, THCS; 100% xã có trạm y tế.

Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được chú trọng. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được duy trì và phát triển. Nhiều gia đình, thôn, bản, khu dân cư ở vùng dân tộc và miền núi được công nhận là gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa. Mức hưởng thụ văn hóa ở vùng DTTS từng bước được nâng lên. 100% số xã đã được phủ sóng phát thanh, 95% địa bàn được phủ sóng truyền hình, sóng di động; 100% thôn, bản được cấp phát không thu tiền các loại báo, tạp chí, các chuyên trang về dân tộc, miền núi nhằm tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và giới thiệu các mô hình làm ăn, gương điển hình tiên tiến trong đồng bào DTTS.

Công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch đã được quan tâm triển khai thực hiện. Nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi, phát triển đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài địa phương. Hơn 40 sản phẩm du lịch đang khai thác, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch, như: Khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều (Thung lũng bản Còi và hệ thống hang Chà Lòi ở xã Ngân Thủy); trải nghiệm thiên nhiên và văn hóa tại vùng đồng bào Rục ở Thượng Hóa; khám phá khe nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời; khám phá thiên nhiên Hóa Sơn-hang Rục Mòn; trải nghiệm thiên nhiên ở bản Dộ-Tà Vờng ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa…Các chương trình tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của đồng bào DTTS trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng là những sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Bình. Một số lễ hội văn hóa độc đáo được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như lễ hội đập trống của người Ma Coong ở huyện Bố Trạch; lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy; hò thuốc cá huyện Minh Hóa,…đã trở thành các sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm của Nhân dân và khách du lịch.

Văn hóa truyền thống các DTTS là tài sản có giá trị quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Do đó cần chú trọng đầu tư, quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, nhằm phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống vào việc phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội các DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình./.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?
Love
Haha
Wow
Sad
Angry
You have reacted on "Các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình" A few seconds ago
No votes yet.
Please wait...

Bài viết liên quan