Rất nhiều thanh niên, trụ cột ở Tân Hóa đã bỏ xứ để mưu sinh, rời xa vùng quê “trời hành cơn lụt mỗi năm”. Theo lãnh đạo xã Tân Hóa, dân số ở đây trên 3.300 người, nhưng có đến cả ngàn thanh niên vào Nam kiếm sống. Số đông người dân ở Tân Hóa là người dân tộc Nguồn (mang ý nghĩa là đầu nguồn nước). Họ có tiếng nói riêng nhưng không được coi là người dân tộc thiểu số và không được hưởng những chính sách ưu đãi dành cho người dân tộc thiểu số vì thuộc nhóm Việt – Mường. Điều kiện sống ở đây vô cùng khó khăn, khắc nghiệt, và còn là một xã nằm trong huyện Minh Hóa, 1 trong 61 huyện nghèo nhất Việt Nam được hưởng các chính sách xóa đói giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững thuộc chương trình nghị quyết 30A/2008 của Chính phủ.

Xã Tân Hoá vốn là vùng rốn lũ của huyện Minh Hóa, cứ mưa lớn vài ngày là nước lũ lượt đổ về, biến Tân Hóa thành một vùng biệt lập. Sau đại lụt 2010, đã có hai phương án được đề xuất để cứu Tân Hóa, thứ nhất là cho đặt thuốc nổ để mở rộng hang Chuột giúp nước thoát nhanh hơn khi lụt lên, phương án hai là di dời cả làng đi Tân Hóa nơi khác có điều kiện sống tốt hơn. Nhưng cả hai đề xuất đều không được lãnh đạo tỉnh và người dân chấp thuận.

Tan Hoa village 3

1 ngôi nhà dân ở “rốn lũ” Tân Hóa đã ngập sâu – Nguồn Người lao động

Một hướng đi khác đã được thực hiện. Cuộc sống đã thay đổi đáng kể cho xã Tân Hóa nhờ chương trình làm nhà phao chống lụt, người dân đã có thể sống thích ứng an toàn. Thực tế này đã gợi mở ý tưởng về mô hình du lịch trải nghiệm cuộc sống mùa lụt ở Tân Hóa, cũng là hướng phát triển kinh tế mới rất triển vọng của vùng đất này với sự đồng hành hỗ trợ của Oxalis và chính quyền địa phương.

Tan Hoa village 4

Người dân Tân Hóa “sống chung với lũ” trong những căn nhà nổi – Nguồn Người lao động

Nghị quyết 30A của Chính phủ đã giúp Tân Hóa có được hệ thống điện đường trường trạm hoàn chỉnh. Sau đó là nỗ lực cùng sáng tạo của người dân và góp sức của doanh nghiệp có tâm và tầm. Người dân Tân Hóa được hướng dẫn, đào tạo để hiểu rõ bản chất của du lịch cộng đồng, phát triển du lịch bền vững. Bước đầu, ông Nguyễn Châu Á – Nhà sáng lập và Tổng Giám Đốc Oxalis Group đã tổ chức cho 10 gia đình tại Tân Hóa làm homestay và 10 gia đình lo chuyện ăn cho du khách. Nguồn khách cho họ là du khách đi tour hang động của Oxalis về. Sau một thời gian thử nghiệm, cả chủ nhà và khách đều hài lòng. Bình quân mỗi tháng một homestay có được từ 15-20 đêm đón khách.

Hiện nay, đã có hơn 120 lao động của xã tìm được công việc ổn định, bao gồm 20 nhân viên toàn thời gian và 100 nhân viên thời vụ. Họ tham gia các khóa đào tạo để trở thành đầu bếp, trợ lý giám sát an toàn và nhân viên khuân vác phục vụ khách du lịch trong các tour khám phá Tú Làn. Các thanh niên địa phương còn có cơ hội học hỏi và phát triển sự nghiệp trở thành hướng dẫn viên, đầu bếp, nhân viên điều hành và lễ tân tại khu nghỉ dưỡng Tú Làn Lodge. Thu nhập bình quân của người dân địa phương, dao động từ 6 đến 8 triệu đồng cho 14 đến 16 ngày làm việc trên một tháng, họ có thể vừa tham gia vào việc phục vụ du khách vừa có thời gian để quan tâm đến gia đình và làm nông nghiệp.

Tan Hoa village 1

Người Nguồn Tân Hóa làm du lịch – Nguồn Oxalis

Mùa lụt đến, chiều xuống anh em trong xã tụ họp bàn tán chuyện thời tiết với đôi ba chén rượu nồng. Nhưng câu chuyện ngày nay khác ngày xưa nhiều lắm, họ không phải chạy lên núi để tránh trú, lo lắng như ngồi trên đống lửa, lo lụt, lo miếng ăn, lo mất sạch tài sản, vì giờ nhà nào cũng có nhà phao nổi hết rồi, nước có lên cũng an toàn, nhẹ nhõm.

Tan Hoa village 5

Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình ngày nay – Nguồn ảnh Sở Du lịch Quảng Bình cung cấp

Ngày nay, khi đến Tân Hóa, bạn sẽ thấy cơ sở vật chất đã được nâng cấp và mở rộng để cải thiện môi trường sống, môi trường giáo dục tốt hơn cho người dân và đặc biệt là các em nhỏ – thế hệ tương lai của Tân Hóa. Điều quan trọng hơn, cộng đồng địa phương đã nhận thức được vai trò quan trọng của bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường và chống biến đổi khí hậu. Đây là bước đầu tiên để đảm bảo cuộc sống bền vững và phát triển cho Tân Hóa trong tương lai.