Phong Nha - Kẻ Bàng

Giá trị đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm về phía Tây – Bắc tỉnh Quảng Bình, dọc biên giới Việt – Lào; được giới hạn trong tọa độ 17°21′ tới 17°39′ vĩ bắc và 105°57′ tới 106°24′ kinh đông trên địa phận 13 xã thuộc ba huyện bao gồm các xã Dân Hóa, Hóa Sơn, Trung Hóa, Thượng Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa); Sơn Trạch, Xuân Trạch, Thượng Trạch, Tân Trạch, Phúc Trạch, Hưng Trạch, Phú Định (huyện Bố Trạch) và xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh). Phía Tây và Tây Nam Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng giáp với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào có chung đường biên giới dài khoảng 50 km. Chiều dọc của Vườn Quốc gia nơi dài nhất là 70 km từ đèo Mụ Giạ đến núi U Bò theo hướng Tây Bắc – Đông Nam; chiều ngang nơi rộng nhất là 31 km từ Tây Gát (xã Xuân Trạch) đến biên giới Việt – Lào theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Tổng diện tích vùng trung tâm của Vườn Quốc gia là 119.324 ha và vùng đệm là 217.674 ha

Bản đồ Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng
Bản đồ Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng

Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng được biết đến là một Di sản thiên nhiên Thế giới do UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc) công nhận theo tiêu chí địa chất, địa mạo. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng  nổi tiếng với địa hình đặc trưng là núi đá vôi cổ có giá trị nhất ở Đông Nam Á và Thế giới, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ thống hang động đẹp, tính đa dạng về sinh học và nhiều di tích lịch sử, văn hóa… là một trong những khu du lịch yêu thích được du khách trong và ngoài nước chọn làm điểm đến.

Hiện nay, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đang đề trình lên UNESCO đề nghị công nhận Di sản thiên nhiên thế giới lần hai theo tiêu chí đa dạng sinh học. Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thuỷ văn, đất đai đã tạo cho Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thành một trong những trung tâm đa dạng sinh học tiêu biểu của Trái đất. Theo đánh giá của Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trong vùng sinh thái Bắc Trường Sơn là một trong 238 vùng sinh thái quan trọng nhất trên toàn cầu. Với sự đa dạng, độc đáo và các nguy cơ đe dọa, Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã và đang được xếp vào danh sách các khu vực bảo vệ đa dạng sinh học quan trọng ưu tiên trong Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia. Tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có thể thấy sự đa dạng về thảm thực vật, đa dạng hệ thực vật và cả đa dạng hệ động vật.

+ Đa dạng thảm thực vật: Trong vùng Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, độ che phủ của rừng chiếm tới 96,2% diện tích Vườn Quốc gia, trong đó rừng nguyên sinh ít bị tác động chiếm 92,2% tổng diện tích. Có thể khẳng định VQG PNKB là một Vườn Quốc gia có độ che phủ và tỷ lệ rừng nguyên sinh lớn nhất trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của nước ta. Thảm thực vật rừng ở VQG PNKB có nhiều kiểu và phụ kiểu thảm thực vật.                          

+ Đa dạng hệ thực vật: Do độ che phủ rất cao của thảm thực vật và rừng nguyên sinh ít bị tác động nên hệ thực vật ở đây được bảo tồn và phát triển mạnh: chiếm 92,2% tổng diện tích Vườn Quốc gia. Từ đấy, có thể khẳng định Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có độ che phủ và tỷ lệ rừng nguyên sinh lớn nhất trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.

          – Đa dạng thành phần loài: Qua các cuộc khảo sát hệ thực vật tại VQG PNKB, bước đầu đã thống kê được 1.762 loài thực vật bậc cao có mạch với 710 chi, 162 loài.

– Đa dạng về nguồn gen thực vật: Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là trung tâm phân bố của một số loài thực vật đặc hữu hẹp, với 13 loài. Có 63 loài thực vật được coi là có nguy cơ bị tiêu diệt, trong đó có 38 loài ghi trong Sách Đỏ của Việt Nam và 25 loài được ghi trong danh sách các loài bị đe dọa toàn cầu.

          – Đa dạng về tài nguyên thực vật: Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có trên 800 loài cây tài nguyên, thuộc 7 nhóm công dụng như: nhóm lấy gỗ, nhóm cây dầu nhựa với 86 loài, nhóm cây làm thuốc 186 loài; nhóm cây ăn được 156 loài, nhóm cây dùng đan lát và cho sợi 42 loài, nhóm cây làm cảnh và bóng mát 93 loài và nhóm cây cho thuốc nhuộm 54 loài.

+ Đa dạng hệ động vật: Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là trung tâm đa dạng động vật nổi tiếng của Việt Nam cũng như trên thế giới. Thống kê cho thấy thành phần loài các nhóm động vật ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng rất phong phú, đa dạng và chiếm tỷ lệ khá lớn (từ 47-100%) so với số loài đã phát hiện ở khu vực Bắc Trường Sơn.

Với điều kiện thiên nhiên thuận lợi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển của hệ thực vật mà còn là nơi ở, ăn và cư trú an toàn cho các loài động vật. Thống kê bước đầu có 1.074 loài động vật xương sống thuộc 338 giống với 134 họ, 43 bộ và 352 loài động vật không xương sống, trong đó ngành thân mềm có 10 loài thuộc 8 chi, 6 họ và ngành chân khớp 292 loài thuộc 5 lớp. Trong hệ động vật ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có 68 loài được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam (1994), 44 loài được ưu tiên bảo vệ mức độ toàn cầu và được ghi trong Sách đỏ các loài động vật có nguy cơ đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN, 1997). Sự đa dạng về hệ động vật ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng thể hiện ở đa dạng nhóm thú, nhóm chim, nhóm bò sát và lưỡng cư, nhóm cá và cả nhóm bướm.

  Hiện nay, Thủ tướng chính phủ đã giao Bộ VHTTDL gửi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản Thiên nhiên Thế giới lần thứ hai về tiêu chí Đa dạng sinh học, nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu của trong nước và quốc tế đã tìm kiếm, phát hiện nhiều loài động thực vật mới, các loài quý hiếm, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng. Trong năm 2005, tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng các nhà khoa học đã phát hiện thêm nhiều loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao như: Bách xanh đá (Calocendrustropenstris Aver), Lan hài đốm (Paphiopendilum concolor), Lan hài xanh (Paphiopendilum malipoense), Lan hài xoắn (Paphiopendilum dianthum); phát hiện 10 loài cá mới và 4 loài bò sát cho khoa học là: Tắc kè Phong Nha (Cyrtodactylus phongnhakebangensis), Rắn mai gầm Thành (Calamaria thanh sp.n.), Rắn lục Trường Sơn (Trimeresurus truongsonensis) và Thằn lằn tai (Tropidophorus noggei sp.n.); tái phát hiện sau 50 năm loài Rắn lục sừng (Trimeresurus cornutus).

Theo Trung tâm nghiên cứu khoa học và Cứu hộ thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết: các nhà khoa học của viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật Việt Nam, Bảo tàng lịch sử tự nhiên Paris (Pháp), Học viện Sinica (Đài Loan), Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Thụy Điển và tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã công bố thêm ba loài mới vừa được phát hiện gồm:

+ Chim chích núi đá vôi (Phylloscopus calciatilis) do các chuyên gia Lê Trọng Trãi, Jonathan C. Eames của tổ chức BirdLife quốc tế và các chuyên gia khác của viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, đại học Nông nghiệp Thụy Điển, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Thụy Điển và tổ chức WCS công bố.

Chim chích núi đá vôi ở Phong Nha - Kẻ Bàng
Chim chích núi đá vôi ở Phong Nha – Kẻ Bàng

+ Bò cạp Việt (Vietbocap canhi sp.n.) do tiến sĩ Phạm Đình Sắc (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật Việt Nam) và Wilson R. Lourenço (Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên Paris) công bố.

+ Thu hải đường (Begonia vietnamensis) là một loài thực vật do Nguyễn Quang Hiếu (Trung tâm Bảo tồn thực vật – CPC), Ching-I Peng và Shin-Ming Ku (Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học, học viện Sinica – Đài Loan) phát hiện.

Với những giá trị hiện có và việc công bố thêm ba loài mới nói trên cùng với 19 loài mới được công bố trước đó và các cuộc điều tra đa dạng sinh học toàn diện sắp tới tại Vườn Quốc gia sẽ chứng minh Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng xứng đáng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần 2 với hai tiêu chí là hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Bạn thấy bài viết này như thế nào?
Love
Haha
Wow
Sad
Angry
You have reacted on "Đa dạng sinh học" A few seconds ago
Rating: 5.0/5. From 1 vote.
Please wait...

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận